“Canh giấc” cho những anh hùng
9:14', 8/2/ 2009 (GMT+7)

Cả tỉnh Bình Định hiện có 103 Nghĩa trang Liệt sĩ lớn nhỏ. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa ai thống kê được chính xác số người trông coi, chăm sóc nghĩa trang. Cũng như, chẳng ai đong đếm được ân tình của những người “canh giấc” cho những liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc…

 

Ngày hai lần, ông Đỗ Xuân Biên thắp hương lên bàn thờ liệt sĩ.

 

* Những gương mặt, những tấm lòng

Trong những người quản trang ở tỉnh ta, ông Trịnh Xuân Mai có lẽ là người có thâm niên nhất. Đã hơn 26 năm rồi, ông gắn cuộc đời mình với những ngôi mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cát Lâm (Phù Cát). Từ năm 1949, ông Mai tham gia kháng chiến chống Pháp, đến năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1972, ông lại được điều vào miền Nam, phục vụ tại Ban Lương thực miền Trung đóng ở huyện miền núi Trà My (Quảng Nam). Tại đây, ông bị nhiễm chất độc màu da cam, được chuyển ra Bắc để dưỡng thương. Năm 1981, ông về quê, tự nguyện làm quản trang cho Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cát Lâm.

Một người làm quản trang tự nguyện khác là ông Lê Đức Pha, quản trang của Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tuy Phước. Đã hơn 10 năm qua, không chỉ đến những ngày lễ lớn của địa phương, đất nước, mà cả những ngày bình thường, bất kể nắng hay mưa, người cựu chiến binh ấy vẫn gắn bó với công việc quét dọn, chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên nghĩa trang, hương khói cho đồng đội cũ.

Cũng có thâm niên trong nghề quản trang không kém ông Mai là ông Nguyễn Văn Luyến ở thôn Tiên Hòa, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn. Năm nay mới 59 tuổi, nhưng ông  đã gắn bó với công việc của người quản trang gần 25 năm. Ông kể: “Tôi đến với công việc này cũng khá tình cờ. Trước đây, người trông coi Nghĩa trang Liệt sĩ xã Nhơn Hưng là một thầy giáo, sau không biết vì lý do gì, người ấy chuyển trường, bỏ luôn công việc quản trang. Thấy không có ai trông coi nghĩa trang, mình nhà gần, công việc đồng áng cũng không bận bịu lắm nên nhận làm quản trang luôn”. Được xã cấp cho hai miếng đất nhỏ trong khuôn viên nghĩa trang, hằng ngày, ông Luyến vừa chăm sóc hai hàng phi lao, trồng, tỉa hoa trong khuôn viên nghĩa trang, vừa trồng trọt hoa màu để kiếm thêm thu nhập.

Với ông Đỗ Xuân Biên, 62 tuổi, là thương binh hạng 4/4, công việc quản trang là một vinh dự của cuôïc đời ông. Sinh ra và lớn lên ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, ông vào Nam chiến đấu từ năm 1968. Đầu năm 1975, ông có mặt ở chiến trường Bình Định. Xuất ngũ đầu năm 1976, ông về làm tại Xí nghiệp Ô tô vận tải Bình Định. Sau thời gian dài nghỉ hưu, đến năm 2004, ông làm quản trang và chuyển hẳn vào sống trong Nghĩa trang Liệt sĩ TP Quy Nhơn...

 

Ông Nguyễn Văn Luyến đang cắt tỉa hoa trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Nhơn Hưng.

 

* Ân tình của “người ở lại”

Đã từng đi qua chiến tranh, chứng kiến đồng đội mình ngã xuống, trong lòng những người quản trang luôn ghi dấu những kỷ niệm một thời để nhớ. Hằng ngày khi làm các công việc quét dọn, chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên nghĩa trang, ấy là lúc ông Lê Đức Pha như đang trò chuyện với đồng đội của mình. Thắp nén hương lên các phần mộ, đọc những dòng chữ ghi trên bia, lòng ông lại bồi hồi xúc động nhớ về những năm tháng chiến đấu gian khổ mà oanh liệt. Hơn 10 năm gần gũi với nơi an nghỉ của các bạn chiến đấu, được sống và làm một cái gì đó để sưởi ấm hương hồn của những người không tiếc máu xương vì nền hòa bình hôm nay, với ông, là một niềm vui.

Và, cũng chính vì ân tình với những người đồng đội đã ngã xuống đã thôi thúc ông Trịnh Xuân Mai xin chính quyền địa phương cho làm công việc trông coi mộ liệt sĩ “vô điều kiện”. Đến nay đã hơn 26 năm, ngày ngày, ngoài công việc hương khói cho các đồng đội, trên chiếc xe đạp cà tàng của mình, ông Trịnh Xuân Mai còn lần theo thông tin của người dân địa phương, lặn lội tới các bản làng, thôn xóm ở vùng chân núi Hồ Suối, núi Đại Khoan, Khe Đá hay vùng Thuận Phong, xã Cát Lâm - những nơi trước kia đã diễn ra các trận chiến ác liệt giữa bộ đội ta và quân địch - để tìm mộ liệt sĩ. Sau khi tìm được mộ, ông lại tham gia tổ chức quy tập hài cốt các anh về an táng tại nghĩa trang. Điều đặc biệt là trong quá trình bốc mộ, tự tay ông đảm nhận phần việc bốc và xếp hài cốt vào trong quách, vì từ những kinh nghiệm học được ở miền Bắc, ông biết nhận dạng từng bộ phận xương trên cơ thể, xếp đúng vị trí từng bộ hài cốt. Mặc dù đã bước qua tuổi 80, cơ thể thường xuyên bị các vết thương hành hạ, nhưng ông Mai vẫn đi. Đi như để thực hiện một tâm nguyện với người đã khuất…

Với ông Đỗ Xuân Biên, ở Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Quy Nhơn không có mộ đồng đội cũ của ông, nhưng như ông nói, tất cả những ai đã từng cầm súng chiến đấu, dù ở chiến trường nào thì mỗi lần gặp mặt vẫn siết vai nhau, cái siết vai thắm thiết tình đồng đội. Ông tâm sự: “Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Quy Nhơn có gần 700 ngôi mộ, trong đó có 112 ngôi mộ chưa biết tên. Mỗi lần thắp hương cho các ngôi mộ, tôi vẫn thắp cho những ngôi mộ vô danh trước, để người nằm dưới mộ không thấy tủi thân”. Tuy mới làm ở nghĩa trang được bốn năm, nhưng trong ông Biên vẫn đong đầy những kỷ niệm về ân tình đối với người đã khuất. Như chuyện đưa một hài cốt liệt sĩ ở xã Phước Thắng về Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Quy Nhơn. Người vợ liệt sĩ đã già yếu, người con gái cũng nuôi con một mình sau khi chồng mất, nhưng gia đình vẫn cố gắng bằng mọi cách đưa hài cốt liệt sĩ về. Người em ruột của liệt sĩ từ Gia Lai xuống, bảo ông Biên cứ làm mộ, rồi ông ấy sẽ thanh toán. Thế nhưng, gần đến ngày 27.7, chẳng thấy người nhà liệt sĩ đâu, mà công việc xây mộ cứ ngổn ngang, ông Biên đành bỏ tiền túi, động viên anh em thợ xây gấp rút hoàn thành ngôi mộ, để hương hồn người đã khuất có nơi tìm về…

Hôm tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Nhơn Hưng, trời vẫn còn mưa phùn, cơn mưa dai dẳng. Ông Luyến đang dở tay. Nhìn ông cặm cụi nhổ từng bụi cỏ, tỉ mẩn cắt tỉa từng khóm chuỗi ngọc, mới thấy thấm thía tấm lòng nặng tình nặng nghĩa với người ngã xuống vì bình yên của nhân dân trong ông và bao người quản trang khác.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hiệu quả cuộc vận động “hai không” ở Phù Cát   (07/02/2009)
Lãnh đạo tỉnh thăm và chúc mừng tình nguyện VSA nhân Quốc khánh New Zealand  (07/02/2009)
Tài trợ xây dựng trạm y tế, tặng nhà tình nghĩa tại Mỹ Thọ   (07/02/2009)
7 cán bộ y tế được tôn vinh nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam   (07/02/2009)
Đồng chí Vũ Hoàng Hà tiếp xúc cử tri xã Nhơn Hội   (07/02/2009)
Sống mãi ký ức khởi nghĩa Vĩnh Thạnh  (06/02/2009)
Làng văn hóa Kon-Tơlok hôm nay  (06/02/2009)
Đồng chí Phạm Văn Thanh thăm các doanh nghiệp sản xuất đầu năm  (05/02/2009)
Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông  (05/02/2009)
Vẫn còn là thách thức…  (05/02/2009)
Thêm niềm vui cho bệnh nhân mù lòa  (05/02/2009)
Sau Tết, công nhân nhộn nhịp vào ca  (05/02/2009)
Đào tạo nghề cho người tàn tật  (05/02/2009)
Đã kết nạp 10.359 đoàn viên thanh niên vào Đảng  (05/02/2009)
Đặc sản theo người đi xa  (04/02/2009)