Theo lộ trình đã đề ra, đến ngày 1.7.2009 các tòa án cấp huyện cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng được tăng thẩm quyền xét xử. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh ta đã có sự chuẩn bị chu đáo về nhân sự và cơ sở vật chất để thực hiện đúng theo lộ trình.
|
Một phiên tòa xét xử mẫu theo Nghị quyết 49/NQ-T.Ư. Ảnh: N.H.H
|
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003: TAND cấp huyện, tòa án quân sự cấp khu vực được xét xử tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng (tội phạm rất nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù), trừ một số tội phạm cụ thể theo khoản 1, Điều 170 của BLTTHS; cơ quan điều tra, viện kiểm sát cấp huyện được điều tra, truy tố theo thẩm quyền xét xử của tòa án. Tuy nhiên không phải tòa án nào cũng được xét xử theo thẩm quyền mới kể từ ngày BLTTHS năm 2003 có hiệu lực mà phải có lộ trình.
Lộ trình này được quy định tại Nghị quyết số 24/2003/QH11 ngày 26.11.2003 của Quốc hội về việc thi hành BLTTHS quy định những tòa án có đủ điều kiện thực hiện thì mới được giao thẩm quyền xét xử theo khoản 1, Điều 170. Theo đó, đến nay tỉnh ta đã có 7 TAND cấp huyện được xét xử tăng thẩm quyền. Đó là TAND TP. Quy Nhơn, An Nhơn, Tây Sơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát và Phù Mỹ. Năm 2008, 7 TAND cấp huyện được giao thẩm quyền xét xử mới đã giải quyết 116 vụ án hình sự với 195 bị cáo, và giải quyết 12 vụ án dân sự.
Qua thời gian thực hiện thẩm quyền xét xử mới, nhìn chung các đơn vị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không có đơn vị nào để xảy ra tình trạng làm oan người vô tội hay bỏ lọt tội phạm, các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn luật định. Thực tế cho thấy việc xét xử tăng thẩm quyền của TAND cấp huyện giải quyết đúng với quy định pháp luật, bảo đảm chất lượng xét xử, góp phần tích cực vào công tác phòng chống tội phạm được nhân dân nhiệt tình ủng hộ.
Việc tăng thẩm quyền xét xử đối với tội phạm có khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù lên 15 năm cho 7 TAND cấp huyện khẳng định về năng lực ngày càng lớn mạnh trong việc điều tra, truy tố, xét xử các cơ quan tố tụng ở tỉnh ta. Nhưng đây cũng là một thử thách đối với những người thực thi pháp luật, bởi việc tăng thẩm quyền cũng có nghĩa là tăng về số vụ, số đối tượng phải thụ lý điều tra, truy tố xét xử và chất lượng xét xử.
Hiện nay, TAND tỉnh đang làm thủ tục đề nghị tăng thẩm quyền xét xử cho 4 TAND cấp huyện còn lại, đó là TAND các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão và Hoài Ân. Tuy nhiên, để thực hiện lộ trình theo thẩm quyền mới, 4 TAND cấp huyện này phải đáp ứng được các tiêu chí: đội ngũ cán bộ có ít nhất 4 thẩm phán trở lên, đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo tính đồng bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng; trong đó cơ quan điều tra, Viện KSND cùng cấp cũng phải có đủ cán bộ điều tra, kiểm sát viên có năng lực. Qua thời gian chuẩn bị các điều kiện, cơ bản đáp ứng được các tiêu chí và đảm bảo công tác xét xử theo thẩm quyền mới thì mới tổ chức thực hiện. Song, băn khoăn lớn nhất hiện nay, TAND các huyện miền núi ở tỉnh ta hiện nay do lượng án ít, số lượng thẩm phán phải điều động, luân chuyển, địa bàn đi lại xa xôi, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhất là hội trường xét xử chưa đảm bảo.
Ông Phạm Quốc Huy, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Tuy có những khó khăn cho việc đảm bảo cho việc xét xử theo thẩm quyền mới, nhưng bằng sự đoàn kết, nhất trí và nỗ lực không ngừng của lãnh đạo TAND tỉnh, thì nhất định theo lộ trình đến hết năm 2009, 100% TAND cấp huyện trong toàn tỉnh sẽ được giao thẩm quyền xét xử theo luật. Đây cũng là tiền đề quan trọng để ngành tòa án tiếp tục triển khai thực hiện việc thành lập tòa án khu vực sơ thẩm theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-T.Ư ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
|