Không có đủ máy móc, thiết bị y tế, bác sĩ không tự tin trong điều trị, bệnh nhân đến viện thường xin chuyển lên tuyến trên - đó là những lý do để Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vĩnh Thạnh quyết định đầu tư một số trang thiết bị y tế cơ bản từ nguồn xã hội hóa.
|
Việc trang bị thêm máy móc, thiết bị y tế đã giúp các bác sĩ của Trung tâm Y tế Vĩnh Thạnh chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh hIệu quả hơn. Ảnh: Thu Hiền
|
* Phát huy tiềm năng nguồn nhân lực
Vĩnh Thạnh là một huyện vùng cao, địa bàn trải rộng với 7/8 xã, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Dân số của huyện khoảng 29.610 người, trong đó đồng bào dân tộc Bana chiếm 30%, nên y tế công lập giữ vai trò quan trọng trong việc khám, chữa bệnh cho nhân dân.
TTYT huyện có 10 bác sĩ, trong đó có ba bác sĩ chuyên khoa I, bảy bác sĩ đa khoa, được phân bổ về các khoa lâm sàng và cận lâm sàng. Dù đã được quan tâm nhưng bệnh viện huyện vẫn còn thiếu thốn nhiều trang thiết bị y tế cơ bản phục vụ công tác khám chữa bệnh. Hệ quả là, bệnh nhân đến khám chữa bệnh thường phải chuyển lên tuyến trên. Điều này vừa gây tốn kém cho người dân, vừa lãng phí tiền của lẫn nguồn nhân lực của Trung tâm.
Bác sĩ Huỳnh Hữu Tô, Phó Giám đốc Trung tâm, kiêm Trưởng Khoa Nội-Nhi-Lây-Đông y, thừa nhận: “Lắm khi, bệnh nhân đau đầu vào viện, bác sĩ biết là bệnh nhẹ nhưng đành phải ký giấy chuyển viện vì không có kết quả chẩn đoán chính xác từ các xét nghiệm cơ bản”.
Những bất cập từ công tác XHH trang thiết bị y tế ở một số bệnh viện đồng bằng trong tỉnh thời gian qua cho thấy đây là một vấn đề “nhạy cảm”, đòi hỏi phải có sự tính toán cẩn trọng. Mô hình điểm chưa có, phần lớn người dân ở Vĩnh Thạnh đều thuộc diện có bảo hiểm y tế, nên quyết định góp vốn mua sắm thiết bị y tế gặp phải nghi ngại từ nhiều phía. Dù vậy, lãnh đạo Trung tâm cũng quyết định huy động vốn tự nâng cấp bệnh viện để phát triển và phục vụ bệnh nhân. Năm 2008, khi đầu tư 262 triệu đồng mua máy điện não, máy xét nghiệm huyết học 18 thông số, máy phân tích nước tiểu 10 thông số và máy điện tim, các bác sĩ đã có cơ sở chẩn đoán chính xác bệnh, tránh tình trạng điều trị bao vây, mơ hồ; giúp bác sĩ vững tin hơn trong việc quyết định phác đồ điều trị.
* Giảm quá tải tuyến trên
Lâu nay, quá tải bệnh nhân tuyến trên đã trở thành căn bệnh kinh niên của ngành y tế. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là người dân chưa thực sự tin tưởng vào bác sĩ tuyến cơ sở. Ngược lại, bác sĩ cơ sở không thể phục vụ tại chỗ các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, dẫn đến chuyển viện “non”.
Ngày 10.2, qua đợt kiểm tra sơ bộ về việc sử dụng các thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa để khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT của TTYT huyện Vĩnh Thạnh, ông Hà Thúc Chí, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, cho biết: Đây là mô hình xã hội hóa đầu tiên ở các huyện miền núi. Kết quả cho thấy, Trung tâm đã tuân thủ đầy đủ quy định quản lý và sử dụng thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa; chỉ định dịch vụ cận lâm sàng, điều trị, dùng thuốc tương đối tốt, hợp lý và hiệu quả. |
Bác sĩ Hứa Tự Thảo, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Từ năm 2008 đến nay, nhờ đầu tư các thiết bị y tế, các ca chuyển viện được hạn chế. Ngay như đợt bùng phát sốt xuất huyết cuối năm 2008 vừa rồi ở Vĩnh Thạnh, gần 300 ca mắc bệnh, nhờ có máy xét nghiệm huyết học 18 thông số mà các bác sĩ giám sát liên tục chỉ số cận lâm sàng và biết được diễn biến của bệnh. Vì vậy, trong 300 trường hợp mắc bệnh lần ấy, không có trường hợp nào bị tử vong, chỉ có một ca nặng phải chuyển viện. Đặt trường hợp này vào năm trước đó, bệnh viện tuyến trên phải tăng cường máy móc về ngay hoặc an toàn nhất là bác sĩ ký giấy… chuyển viện.
Hiện nay, các thiết bị nói trên đã đáp ứng tốt các chẩn đoán cơ bản đối với một bệnh viện miền núi. Nhưng, với lượng bệnh nhân đến viện ngày càng tăng, năm 2009, Trung tâm tiếp tục huy động thêm hơn 850 triệu đồng để đầu tư máy siêu âm màu, xét nghiệm sinh hóa và máy đo tốc độ lắng máu.
Điều băn khoăn nhất là việc xã hội hóa thiết bị y tế ở địa bàn miền núi như Vĩnh Thạnh liệu có đi theo vết xe đổ “lạm dụng” các chỉ định xét nghiệm như một số bệnh viện và TTYT trên địa bàn tỉnh? Bác sĩ Hứa Tự Thảo khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, xã hội hóa để phục vụ bệnh nhân, tuyệt đối cấm tình trạng lạm dụng hay “ưu tiên” sử dụng các thiết bị từ nguồn xã hội hóa. Trung tâm đã xây dựng quy chế xét nghiệm thường quy bắt buộc đối với cán bộ chuyên môn. Nếu bác sĩ nào cho chỉ định xét nghiệm vượt quá quy chế thì buộc phải qua hội chẩn. Kèm theo đó, hàng tháng, hàng quý, Trung tâm đều có kiểm tra”.
|