“Trăm sự nhờ thầy”
8:4', 14/2/ 2009 (GMT+7)

Học sinh (HS) hư, không chịu học bài, làm bài tập, bỏ học giữa chừng… Những biểu hiện lệch lạc ấy, lâu nay hầu như vẫn được quy trách nhiệm cho nhà trường và giáo viên. Vậy đâu là trách nhiệm của gia đình trong mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội ?

 

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ trong giờ học thể dục. Ảnh: N.Q

 

* Thiếu góc học tập tại gia đình

Khu dân cư xóm Tiêu (khu vực 6, 7, 8 phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) là những ngôi nhà liền kề, được xây dựng từ những năm 2003 - 2004, dành cho những hộ gia đình ở phường Hải Cảng, Trần Phú phải di dời, giải tỏa để xây dựng đường Xuân Diệu. Những con đường giống đường, nhà giống nhà và cách bố trí vật dụng trong nhà, tác phong sinh hoạt của người chủ trong những ngôi nhà ấy cũng giống nhau. Dạo quanh nhiều ngôi nhà ở những khu dân cư này, hỏi thăm những gia đình có con đi học, tuyệt nhiên, tôi không nghe nói đến việc có một góc học tập cho học sinh tại nhà. Chị Võ Thị Phụng (44 tuổi, ở khu vực 7) tâm sự: “1 giờ sáng tui đã phải xuống Khu Hai mua bán cá đến 2-3 giờ chiều mới về. Ông xã, từ ngày về đây, bỏ nghề “đi bạn”, phải chạy xe thồ suốt ngày ở ngoài đường, thời gian đâu mà nhắc nhở con cái học tập”. Còn  Nguyễn Văn Huy (học lớp 7A1, Trường THCS Nguyễn Huệ) thì cho biết: “Học ở trường về, em chỉ đi chơi, xem hoạt hình thôi. Nhà có góc học tập đâu mà học bài, làm bài tập…”.

Đến Trường THCS Nguyễn Huệ, tôi gặp ngay trường hợp cô giáo Lê Thị Dung, Giáo viên chủ nhiệm lớp 6A6, đang mời phụ huynh của HS L.B.T - một HS học yếu, hay trốn tiết, ý thức chấp hành nội quy chưa cao - đến trường bàn biện pháp phối hợp giáo dục T. Cô Dung cho biết: “T. đã phải làm bản kiểm điểm nhiều lần, phụ huynh của T. cũng nhiều lần được mời đến trường, viết giấy cam đoan phối hợp giáo dục con, nhưng T. vẫn chứng nào tật nấy…”.

Ông Trần Hữu Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, cho biết: “Có đến 40% số phụ huynh HS tập trung ở khu tái định cư xóm Tiêu hầu như không quan tâm đến việc học của con cái”.

* Khi một “mắt xích” bị phá vỡ

Tuy mới được thành lập (để đáp ứng yêu cầu học tập bậc THCS của con em nhân dân phường Quang Trung với nhiều khu dân cư mới hình thành) nhưng Trường THCS Nguyễn Huệ đang có sức bật khá vững chắc với đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm; cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, hướng đến mô hình trường chuẩn Quốc gia. Hàng năm, Trường luôn đảm bảo các tiêu chí của một trường tiên tiến, trừ tiêu chí về tỉ lệ HS bỏ học (phải dưới 1%). Năm ngoái, Trường có 19 HS bỏ học (1,8%), học kỳ I năm nay, có 16 HS (1,58%) bỏ học. Ông Dũng cho biết: “Giáo viên chủ nhiệm và nhà trường đã phối hợp với địa phương vận động rất tích cực. Đài truyền thanh phường liên tục đọc tên HS bỏ học trên loa truyền thanh, thậm chí, có khu vực trưởng còn dẫn từng HS bỏ học trở lại lớp… Nhưng rồi, các em chỉ đi học được một thời gian rồi lại bỏ học”.

Trường THCS Nguyễn Huệ rất quan tâm đến công tác giáo dục nề nếp cho HS. HS yếu, kém được trường phân loại và dạy phụ đạo, không thu tiền... Thế nhưng, HS vẫn không chịu đi học. Ngay cả học phí- khoản tiền thu duy nhất trong nhà trường (15 ngàn đồng/HS/tháng) mà nhiều HS vẫn chây ì không nộp. Năm nào, cố gắng lắm, Trường cũng chỉ thu được 90%...

Khu dân cư xóm Tiêu gồm phần lớn là những hộ lao động nghèo. Nam giới làm nghề biển, làm gỗ, chạy xe thồ, xích lô…; phụ nữ bán cá, hàng quán ăn, mua thúng bán bưng… nên đời sống còn nhiều khó khăn. Do bận rộn mưu sinh và trình độ dân trí thấp nên họ đã không có thời gian và cũng không biết cách quan tâm đến việc học của con cái. Trẻ em của những gia đình này, do không được cha mẹ động viên, khuyến khích nên cũng không xác định được động cơ học tập. Đi học về, không chịu học bài, làm bài tập nên “chữ thầy lại trả cho thầy”, dẫn đến học yếu, bỏ học, dễ bị lôi kéo vào con đường hư hỏng. Đối với những trường hợp này, dù cho nhà trường có nỗ lực, cố gắng đến mấy thì cũng khó có thể làm thay đổi được.

Các nhà nghiên cứu giáo dục đã nói, trong một xã hội, con người được giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng hình thức giáo dục sâu sắc nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến nhân cách là giáo dục trong gia đình. Vậy nên, một khi phụ huynh HS chỉ đưa con đến trường như một chỗ gởi trẻ với câu cửa miệng “trăm sự nhờ thầy” thì nhà trường, dù có nỗ lực mấy cũng đành… bó tay.

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng cường vận động nam giới thực hiện CSSKSS-KHHGĐ  (13/02/2009)
Hơn 1.000 thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ  (13/02/2009)
Hội thảo Giải pháp văn phòng điện tử  (12/02/2009)
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009  (12/02/2009)
Xã hội hóa để phục vụ bệnh nhân  (12/02/2009)
Đảm bảo đúng lộ trình  (12/02/2009)
Nơi thừa, nơi thiếu  (12/02/2009)
Trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp BCVT và CNTT” cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh   (11/02/2009)
Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam làm việc tại Bình Định   (11/02/2009)
Sôi nổi và rộng khắp  (10/02/2009)
Chú trọng công tác tuyên truyền, phòng ngừa sai phạm  (10/02/2009)
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng cấp ủy  (10/02/2009)
Tổ chức Samaritan’s Purse tặng 5 ngàn suất quà cho trẻ em nghèo  (09/02/2009)
Kiểm tra việc cấp phát tiền, gạo hỗ trợ người nghèo đón Tết  (09/02/2009)
Bình Định: Một thôn được xoá nợ 15 tỷ đồng  (08/02/2009)