Nhọc nhằn đường đến trường
8:26', 15/2/ 2009 (GMT+7)

Bãi Xép (khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) có hơn 70 học sinh theo học ở các trường THCS và THPT trong thành phố; trong đó, có 62 em là học sinh Trường THCS Ghềnh Ráng. Ngày ngày, các em đến trường theo cách đặc biệt: quá giang. Hành trình đến trường của các em là những câu chuyện cảm động, khiến người nghe không khỏi chạnh lòng…

* Quá giang “chuyên nghiệp”

Ngày trước, để vào thành phố, người dân Bãi Xép phải đi ghe qua bến Hàm Tử. Năm 2001, Quốc lộ 1D hoàn thành, rồi tuyến xe buýt Quy Nhơn - Sông Cầu được đưa vào sử dụng, việc đi lại thuận tiện hơn, đường đến trường của các em cũng bớt gian nan. Nhưng buổi sáng, tuyến xe buýt đầu tiên đến Bãi Xép sớm nhất cũng sau 6 giờ rưỡi. Để đảm bảo giờ vào lớp, các em phải xuất phát từ nhà lúc 5 giờ, lên Quốc lộ 1D để đón xe đi nhờ. Đến đầu dốc Quy Hòa, các em lại tiếp tục một chặng quá giang nữa để đến trường, nếu không quá giang được thì đi bộ xuống. Đến trưa, hành trình lặp lại.

Đối với các em học buổi chiều, có thể đi tuyến xe buýt lúc 10 giờ rưỡi, song phần lớn các em vẫn đi nhờ xe đến trường. Em Võ Văn Vũ (học sinh lớp 7A3, Trường THCS Ghềnh Ráng), cho biết: “Một ngày, ba má chỉ cho em 5.000 đồng để đi xe, nên dù có xe buýt, em vẫn phải quá giang. Hôm nào bí quá, không có ai đi nhờ thì em mới đi xe buýt”. Số các em có tiền để “dự trữ”, phòng khi không quá giang được như Vũ không nhiều. Em Trần Thị Phúc (lớp 9A4) tâm sự: “Nhà có hai chị em cùng đi học, không có tiền đi xe, nên cả hai chị em đều quá giang đến trường”.

 

“Cô ơi, chú ơi, cho cháu đi nhờ với!”.  Ảnh: Nguyễn Văn Trang

 

Ngày nào cũng đi nhờ xe đến trường, với các em, chuyện ấy đã trở thành bình thường. Mỗi em cũng có những “bí quyết”, “kinh nghiệm” và những “mối” quen riêng. Hơn hai năm đến trường bằng cách quá giang, Phúc và các bạn của mình đã thân thiết với một chú lái xe chở dầu. Sáng nào cũng vậy, các em lại lẩn quẩn ở đầu con dốc Bãi Xép, chờ chiếc xe “cấm lửa” quen thuộc chạy qua. Bác tài dừng xe lại, cả nhóm ùa lên xe, ngồi ngay ngắn trong cabin. Đến đầu dốc Quy Hòa, chiếc xe dừng lại, cả nhóm xuống, xuôi dốc đến trường. Trưa, tan học, các em lại ùa chạy lên đầu dốc, đón xe quá giang. Phúc hồn nhiên kể: “Tụi em chỉ vẫy mấy chú tre trẻ thôi, chứ những người già thường ít chở, với lại họ già yếu, không dám chở một lúc hai, ba đứa. Người lớn còn dặn, thấy xe biển số 77 mới được quá giang”.

Có mặt trên con dốc Quy Hòa sau 5 giờ chiều, tôi được tận mắt chứng kiến cảnh quá giang của các em. Từ chân dốc, các em vừa chạy vừa vẫy tay, ai dừng lại là nhanh chóng lên xe. Gặp người về thẳng Bãi Xép là may mắn; nếu không, đến đầu dốc, xuống xe, lại quá giang chặng thứ hai. Gặp lại em Võ Văn Vũ, em kể: “Tụi em thường quá giang các chị, các cô ở Sông Cầu ra Quy Nhơn buôn bán trên đường trở về. Các cô nhiệt tình lắm, hôm nào cũng chở, có cô chở một lúc ba đứa”. Tôi đóng vai người “bị” quá giang, tám lần vòng lên vòng xuống, để được nghe các em kể về con đường đến trường của mình. Ngoài đầu dốc Quy Hòa, các em còn “tập kết” ở Trạm Kiểm dịch, nơi thường xuyên có nhiều xe đậu lại, để đi nhờ. Trước đến giờ, mặc dù có người từ chối, nhưng chẳng ai tỏ vẻ khó chịu khi các em xin quá giang.

Đến gần 5 giờ rưỡi chiều, ở đầu dốc, vẫn còn 6 em xếp hàng vẫy tay, mong một chuyến quá giang về nhà… Tôi còn nghe kể, có hai chị em nhà nọ đã vài lần phải đi bộ từ trường về, đến nhà đã hơn 7 giờ tối.

* “Rút ngắn” đường đến trường?

Thử làm một phép tính đơn giản cho một gia đình có hai con đi học ở Quy Nhơn. Dù đã giảm một nửa so với bình thường, mỗi em đi xe buýt vẫn mất 4.000 đồng/lượt. Như vậy, để hai con đi học đầy đủ, mỗi tháng gia đình đó phải chi gần 480.000 đồng. So với mức thu nhập chưa đến 350.000 đồng/người/tháng của người dân Bãi Xép, nội việc lo cho con đi đến trường đã là một gánh nặng (chưa tính đến các chi phí khác như học phí, tiền ăn, sách vở…). Ông Nguyễn Xuân Thành, Khu vực trưởng, cho biết: “Mức sống thấp, giao thông cách trở… nên từ trước đến nay, con em Bãi Xép chỉ học hết Tiểu học. Chuyện đi học của các cháu giờ đã đỡ hơn, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Mong muốn lớn nhất của bà con là có tuyến xe buýt đưa các em đến trường đúng giờ. Trong cuộc tiếp xúc cử tri sắp tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đề nghị vấn đề này”.

Người dân Bãi Xép đa phần làm nghề biển, chiều ra khơi, giữa sáng hôm sau mới về, không kịp đưa đón con em đi học. Số người có xe máy cũng không nhiều. Vì vậy, việc đến trường hoàn toàn do các em tự túc. Tuyến đường từ Bãi Xép vào thành phố nhiều đèo dốc, xe cộ đi lại nườm nượp, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao. Mới đây đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm. Người anh đi biển vào, vội vàng chở em đi học, giữa đường xe nổ lốp, anh chỉ bị xây xát nhẹ, nhưng em bị chấn thương sọ não, đến giờ vẫn còn nằm viện.

 

Một góc Bãi Xép - Quy Nhơn. Ảnh Đào Tiến Đạt

 

Để tiết kiệm chi phí đi lại, nhiều em đã chọn cách trọ lại thành phố, tằn tiện ăn uống, làm thêm kiếm sống, như em Nguyễn Thị Được (lớp 9A2). Nhưng đó không phải là giải pháp tối ưu. Ông Võ Văn Long, một phụ huynh có con trọ học ở Quy Nhơn, cho biết: “Để cháu tự đi về, vừa tốn kém, vừa nguy hiểm. Nhưng cho cháu ở trọ cũng không thể yên tâm. Tôi phải thường xuyên gửi cơm cho cháu. Ăn uống thất bát đã đành, quan trọng là chuyện giờ giấc sinh hoạt, quan hệ bạn bè của cháu, làm sao quản lý được?”.

Trường THCS Ghềnh Ráng cũng đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm “rút ngắn” đường đến trường của các em, như giảm thời lượng ra chơi và giải lao giữa các tiết học, vào lớp sớm (vào buổi chiều) và muộn (vào buổi sáng)… Song, những biện pháp này chỉ mang tính tạm thời. Ông Nguyễn Phương Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Ghềnh Ráng, cho biết: “Trường đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các em đi đến trường. Kết quả, đã có thêm một bến xe buýt trước khách sạn Hoàng Anh Gia Lai để các em đến trường gần hơn. Dẫu vậy, đa số các em vẫn phải quá giang đi học. Mong ước của thầy trò chúng tôi là làm sao giá vé xe buýt giảm hơn nữa. Và nếu có một nguồn tài trợ nào đó để cấp vé miễn phí cho các em đi học, thì quả thật là không gì bằng!”.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Triển khai Quyết định số 142 của Thủ tướng Chính phủ  (14/02/2009)
Tăng cường các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch sởi và sốt phát ban dạng sởi  (14/02/2009)
“Trăm sự nhờ thầy”  (14/02/2009)
Tăng cường vận động nam giới thực hiện CSSKSS-KHHGĐ  (13/02/2009)
Hơn 1.000 thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ  (13/02/2009)
Hội thảo Giải pháp văn phòng điện tử  (12/02/2009)
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009  (12/02/2009)
Xã hội hóa để phục vụ bệnh nhân  (12/02/2009)
Đảm bảo đúng lộ trình  (12/02/2009)
Nơi thừa, nơi thiếu  (12/02/2009)
Trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp BCVT và CNTT” cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh   (11/02/2009)
Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam làm việc tại Bình Định   (11/02/2009)
Sôi nổi và rộng khắp  (10/02/2009)
Chú trọng công tác tuyên truyền, phòng ngừa sai phạm  (10/02/2009)
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng cấp ủy  (10/02/2009)