QUA 10 NĂM THỰC HIỆN PHÁP LỆNH VỀ NGƯỜI TÀN TẬT:
Đời sống của người tàn tật được nâng lên!
15:59', 16/2/ 2009 (GMT+7)

Qua gần 10 thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật (NTT), phần lớn NTT ở Bình Định được hỗ trợ về đời sống, học văn hóa, chăm sóc sức khỏe, học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong các quy định của pháp luật, và thật sự NTT còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn…

 

Hướng dẫn làm chế độ chính sách cho trẻ tàn tật (giữa) thuộc hộ nghèo.

 

* Rất nhiều người có số phận bất hạnh

Theo số liệu thống kê, Bình Định có trên 61.600 NTT, chiếm tỷ lệ 3,96% dân số, trong đó NTT từ 16 tuổi trở lên là 55.377 người và 6.223 trẻ em. Qua khảo sát cho thấy, NTT sống đều khắp các vùng trên địa bàn tỉnh, trong đó phần lớn sống ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, điều kiện về cơ sở hạ tầng, điều kiện sống, phương tiện sinh hoạt chuyên dùng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, do vậy họ gặp nhiều trở ngại về đi lại và giao tiếp với cộng đồng, xã hội.

Bên cạnh đó, trình độ văn hóa của người tàn tật còn thấp, gần 36% NTT không biết chữ; 35,5% có trình độ tiểu học; 24,5% có trình độ THCS; 3% có trình độ trung học phổ thông và tương đương. NTT có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ rất thấp. Đa số NTT không thể sống tự lập, khoảng 50% phải sống dựa vào gia đình, khoảng 25% số NTT có hoạt động kinh tế tạo được thu nhập. Một số NTT tuy có việc làm, nhưng công việc không ổn định và thu nhập thấp. Phần lớn các hộ có NTT đều có mức sống thấp. Việc tiếp cận các phương tiện giao thông và các công trình công cộng, các công trình văn hóa thể dục-thể thao dành riêng cho NTT chưa được nhiều nên họ còn gặp nhiều khó khăn.

* Những nỗ lực giúp NTT hòa nhập cộng đồng

Hằng năm, Bình Định có 24.921 NTT được hưởng các chế độ trợ cấp từ ngân sách Nhà nước, trong đó: có 21.274 người là thương bệnh binh; người hưởng trợ cấp tai nạn lao động là 662 người; hưởng trợ cấp do bị nhiễm chất độc hóa học 894 người; NTT nặng được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng: 1.539 người, nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định 142 người và tại Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn 410 người. Hằng năm, tỉnh ta có 37.200 NTT được cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh miễn phí; hơn 100 người được chỉnh hình phục hồi chức năng; có hơn 1.500 NTT được cung cấp xe lăn, xe lắc, chân tay giả; khoảng 350 người được mổ mắt thay thủy tinh thể và 160 người được cấp máy trợ thính miễn phí.

Thực hiện chuẩn Quốc gia về y tế xã, đến nay đã có 97 xã tổ chức quản lý và khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm cho NTT, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho 20% số đối tượng được khám và quản lý. Ngoài ra, trẻ em khuyết tật đi học được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường. Hội khuyến học, các tổ chức kinh tế, tổ chức từ thiện cũng góp phần trợ giúp sách vở và đồ dùng học tập và cấp học bổng cho các em tàn tật vượt khó học giỏi. Vào các ngày lễ lớn và Ngày Người tàn tật Việt Nam (18.4), ngày Quốc tế Người tàn tật (3.12), Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cùng các sở, ngành và các hội đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tổ chức thăm và tặng quà cho hàng trăm trẻ em và người lớn khuyết tật đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao, tạo điều kiện cho NTT tham gia các cuộc thi thể thao...

* Còn đó những khó khăn…

Pháp lệnh về người tàn tật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.11.1998, qua 10 năm thực hiện, có thể khẳng định Pháp lệnh đã phát huy trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số cơ quan, ban ngành chưa thật sự quan tâm đến NTT; hoạt động tuyên truyền còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên. Một số quy định trong Pháp lệnh về NTT như về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, về tỷ lệ lao động là người tàn tật mà các cơ quan, doanh nghiệp phải tiếp nhận vào làm việc chưa được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp quan tâm đầy đủ. Các công trình văn hóa công cộng, các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao dành riêng cho NTT còn hạn chế, chưa đáp ứng được các điều kiện để NTT tham gia. Đời sống vật chất, tinh thần của NTT nặng còn nhiều khó khăn; mức trợ cấp xã hội còn thấp so với nhu cầu của NTT…         

Kỳ họp ngày 19.12.2007 HĐND tỉnh khóa 10 đã thông qua Đề án trợ giúp NTT, sau đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 730/QĐ-UBND thành lập Quỹ việc làm cho NTT tỉnh Bình Định,

Hy vọng với những nỗ lực này, trong thời gian tới, đời sống của NTT trên địa bàn tỉnh sẽ nâng cao; tạo điều kiện thuận lợi cho NTT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường xã hội ngày càng chăm lo tốt hơn đến quyền lợi của NTT.

  • N.H.H
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy hoạch cán bộ: Chưa có tầm nhìn xa  (16/02/2009)
Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên là nhân tố quyết định thắng lợi Cuộc vận động  (16/02/2009)
Đầu tư 2,1 tỉ đồng xây dựng thư viện huyện   (15/02/2009)
Nhọc nhằn đường đến trường   (15/02/2009)
Triển khai Quyết định số 142 của Thủ tướng Chính phủ  (14/02/2009)
Tăng cường các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch sởi và sốt phát ban dạng sởi  (14/02/2009)
“Trăm sự nhờ thầy”  (14/02/2009)
Tăng cường vận động nam giới thực hiện CSSKSS-KHHGĐ  (13/02/2009)
Hơn 1.000 thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ  (13/02/2009)
Hội thảo Giải pháp văn phòng điện tử  (12/02/2009)
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009  (12/02/2009)
Xã hội hóa để phục vụ bệnh nhân  (12/02/2009)
Đảm bảo đúng lộ trình  (12/02/2009)
Nơi thừa, nơi thiếu  (12/02/2009)
Trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp BCVT và CNTT” cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh   (11/02/2009)