Có những người, vì những dị biệt của bản thân, nên không thể hòa nhập hoàn toàn vào cộng đồng. Chính điều đó đã khiến họ mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống. Họ cần nhiều sự đồng cảm, chia sẻ của xã hội.
|
Xưởng chế tác đá quý của NKT tại Cơ sở Nguyễn Nga. Ảnh: Nguyên Sương
|
* Người đi khai sinh cho chính mình
Hẳn bạn đọc còn nhớ câu chuyện của anh Huỳnh Trọng Quý, 46 tuổi, bị liệt hai chân, hiện đang làm việc tại cơ sở chế tạo xe máy ba bánh dành cho người khuyết tật (NKT) Hoàng Minh. Anh Quý xuất thân là trẻ mồ côi, vô gia cư, không biết quê quán mình ở đâu. Trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống, anh đã tự tìm được cho mình một hướng đi, để khẳng định rằng mình vẫn còn hữu ích cho đời.
Tuy có việc làm ổn định, nhưng điều anh Quý vẫn đau đáu là anh không hề có một giấy tờ tùy thân nào: không hộ khẩu, không khai sinh, không CMND. Điều đó đã khiến anh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mong ước của anh, như anh từng chia sẻ, là có được giấy tờ tùy thân và một ngôi nhà. Cũng chính vì điều này mà ước mơ về một mái ấm gia đình đúng nghĩa của anh vẫn còn dang dở.
Thế rồi, lần gặp anh mới đây, anh báo tin vui rằng mình đã có hộ khẩu tại Quy Nhơn. Gia đình một người bạn cùng sinh hoạt trong Chi hội Khuyết tật Sức Sống đã đồng ý cho anh nhập hộ khẩu vào nhà họ. Đáng chú ý là gia đình ấy thuộc diện hộ nghèo và các thành viên trong gia đình đều bị khuyết tật, đau bệnh.
Có hộ khẩu, anh đi làm giấy khai sinh, rồi làm giấy CMND. Có một chi tiết thú vị: những giấy khai sinh thông thường thì người đi khai sinh cho trẻ là cha, mẹ hoặc người thân; còn ở đây, tên người khai sinh và người đi khai sinh là một: Huỳnh Trọng Quý. Và anh khai sinh cho mình khi đã 46 tuổi. Khỏi phải nói, anh Quý vui mừng đến nhường nào. Anh nói: “Cuối cùng thì tôi cũng đã có được các giấy tờ cá nhân cần thiết để chính thức là một công dân”.
Câu chuyện một gia đình thuộc diện hộ nghèo và lại bị khuyết tật đã mở lòng giúp đỡ một NKT khác, dẫu chỉ về mặt tinh thần, khiến tôi cảm phục. Tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Dị, ở số 56, Hoàng Hoa Thám, Quy Nhơn. Đó là một căn nhà hai mặt tiền nhưng cũ kỹ và tài sản đáng chú ý nhất trong nhà là một chiếc xe máy ba bánh. Đã hơn một năm nay, bà Dị phải nằm một chỗ vì bị liệt nửa người. Hiện bà sống cùng hai người con đều khuyết tật: chị Nguyệt bị yếu cơ bẩm sinh, làm nghề bán vé số và em trai chị bị khuyết tật vận động do tai nạn. Nguồn sống của gia đình bà Dị trông chờ vào công việc bán vé số của chị Nguyệt và sự giúp đỡ của người thân, các nhà hảo tâm.
Kể chuyện cho anh Quý nhập hộ khẩu, bà cụ 81 tuổi nằm một chỗ nghẹn ngào, nước mắt lăn dài bên khóe mắt: “Tôi biết Quý từ khi nó sinh hoạt chung Chi hội Khuyết tật với con gái tôi. Thấy nó côi cút, bệnh tật nên tôi thương lắm. Tôi cho nó nhập hộ khẩu cũng là để nó tiện việc làm ăn, sinh sống”. Bà Dị kể cũng có người trong nhà băn khoăn sau này sẽ phát sinh chuyện phức tạp, nhưng bà gạt đi: “Nếu sợ thì đã không cho nó nhập (hộ khẩu)”.
* Được làm việc và thấy mình có ích
Điều ước lớn của anh Huỳnh Trọng Quý vậy là đã thành hiện thực. Hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy CMND, ngoài việc giúp anh xác định được quyền và nghĩa vụ công dân theo luật pháp, còn giúp anh cởi bỏ được gánh nặng về tâm lý rằng mình đứng “ngoài rìa” xã hội. Từ chuyện của anh Quý, có thể thấy vấn đề giúp NKT hòa nhập cộng đồng luôn là vấn đề nóng.
Một trong những yếu tố mà các tổ chức và cá nhân giúp đỡ NKT rất chú trọng là dạy văn hóa, dạy nghề và tạo việc làm cho họ. Vì thế, bên cạnh các hoạt động chăm lo sức khỏe và đời sống, các tổ chức giúp đỡ người tàn tật của tỉnh đã có nhiều động thái để giúp hội viên học nghề và có việc làm. Với Chi hội Khuyết tật Niềm Tin (Vân Canh), ngoài việc dạy tin học cho NKT, năm qua đã tổ chức sáu nhóm tự lực làm các công việc: mua bán văn phòng phẩm, nuôi gà thả vườn, sửa xe đạp, xe máy, ươm giống cây trồng… giúp 70 NKT có việc làm. Trung tâm Bảo trợ Xã hội Bình Định thì tổ chức hướng nghiệp và dạy nghề cho trẻ mồ côi, để các em có khái niệm nghề nghiệp khi trưởng thành. Trung tâm Bảo trợ Xã hội Đồng Tâm cũng thường xuyên tổ chức các lớp dạy văn hóa và dạy nghề cho NKT. Chi hội Khuyết tật Sức Sống thì tương đối ổn định với việc dạy nghề sửa chữa và chế tạo xe máy ba bánh dành cho NKT.
Ở Cơ sở dạy nghề cho NKT Nguyễn Nga (Quy Nhơn), ngoài các nghề may, thêu… năm 2008 vừa qua, đã mở một lớp dạy nghề chế tác đá quý cho 20 học viên. Đây là một nghề hoàn toàn mới đối với NKT trong tỉnh. Sau sáu tháng học, hiện các học viên đã ra nghề và đang làm việc tại cơ sở Nguyễn Nga với thu nhập bình quân khoảng 700 ngàn đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn Tèo, giáo viên của lớp, cũng là một NKT, nhận xét: “Nghề này chỉ cần đôi tay và đầu óc nên phù hợp với những NKT vận động, khiếm thính”.
Về điều này, bà Nguyễn Nga, chủ Cơ sở Nguyễn Nga, nhận định: “Nói đến vấn đề nghề nghiệp, đi làm của NKT là nói đến chuyện hòa nhập cộng đồng của họ. NKT muốn hòa nhập cộng đồng tốt thì phải bắt đầu từ việc hòa nhập tốt ở từng môi trường như: gia đình, trường học, khu dân cư, nơi làm việc, nơi công cộng. Và ngược lại, khi hòa nhập tốt vào cộng đồng thì chuyện tìm việc, đi làm của họ sẽ thuận lợi hơn”.
Con đường hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật vẫn còn lắm gian nan và cần nhiều sự đồng cảm, chia sẻ của cả xã hội.
|