DẠY NGHỀ MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI NGHÈO VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐẶC THÙ:
Những chuyển biến tích cực
8:53', 19/2/ 2009 (GMT+7)

Những năm gần đây, chính sách ưu đãi đào tạo nghề cho người nghèo và các đối tượng đặc thù (lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, người tàn tật, lao động là người dân tộc thiểu số, con em bệnh nhân phong, người bị thu hồi đất, lao động nữ...) đã được quan tâm. Từ đó, tạo điều kiện cho họ có cơ hội tìm kiếm việc làm.

 

Chính sách ưu đãi đào tạo nghề đã thu hút được nhiều lao động ở nông thôn tìm đến học nghề.

 

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho người nghèo và các đối tượng đặc thù đã có những chuyển biến tích cực. Số người đăng ký tham gia học nghề ngày càng đông. Các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã mở thêm một số ngành, nghề mới phù hợp với từng đối tượng, nhằm tạo điều kiện cho họ học nghề và xin việc làm phù hợp.

Bên cạnh đào tạo nghề tại chỗ, một số trung tâm dạy nghề đã chủ động về một số xã vùng sâu, vùng xa đào tạo nghề lưu động cho thanh niên dân tộc thiểu số, người tàn tật... Chỉ tính riêng trong năm 2008, các trung tâm dạy nghề đã đào tạo nghề cho 842 người nghèo, 2.689 lao động ở nông thôn, 429 lao động người dân tộc thiểu số, 93 người tàn tật, 79 con em bệnh nhân phong… Các ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu người học như: may công nghiệp, sửa chữa xe máy, hàn, dệt thổ cẩm, chăn nuôi, thú y, trồng trọt, giúp việc nhà, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, thợ hồ... Số học viên sau khi ra nghề được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc chính bản thân họ tìm được việc làm đạt tỉ lệ hơn 70%.

Những kết quả khả quan nói trên đã tạo đà để tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong năm 2009. Năm nay, kinh phí Trung ương hỗ trợ dạy nghề cho các đối tượng này lên đến gần 4,5 tỉ đồng, tăng gần 2 tỉ đồng so với năm 2008. Trong đó, kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo là 990 triệu đồng, đào tạo nghề cho 536 người; kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho các đối tượng đặc thù là 3,5 tỉ đồng, đào tạo nghề cho 3.959 người.

Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Dạy nghề LILAMA 2 (thuộc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam) cũng liên hệ với tỉnh nhận đào tạo nghề miễn phí cho 300 chỉ tiêu; trong đó, có 125 chỉ tiêu đào tạo trình độ cao đẳng nghề và 175 trung cấp nghề. Đối tượng tuyển chọn là lao động có độ tuổi từ 16 đến 30, theo thứ tự ưu tiên: lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất canh tác do đô thị hóa hoặc do xây dựng các công trình công cộng, khu công nghiệp và các dự án khác về an ninh - quốc phòng; lao động thuộc các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; lao động là người dân tộc thiểu số; thuộc các xã đặc biệt khó khăn; thuộc các hộ nghèo; lao động thuộc các làng nghề nằm trong dự án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống mà trong dự án không có kinh phí riêng cho dạy nghề; lao động thuộc vùng chuyên canh có nhu cầu chuyển đổi nghề và lao động nông thôn khác.

Ngoài dạy nghề miễn phí, Trường Cao đẳng Dạy nghề LILAMA 2 cũng cam kết: học viên tốt nghiệp ra nghề sẽ được bố trí làm việc tại Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam; học viên đạt kết quả cao trong học tập sẽ được Tổng Công ty xem xét đưa đi lao động ở nước ngoài.

Theo ông Võ Văn Lương, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH): Các chính sách ưu đãi trong đào tạo, dạy nghề cho người nghèo và các đối tượng đặc thù đã tạo điều kiện thuận lợi để họ có nghề, có việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Để thu hút thêm nhiều người nghèo và các đối tượng đặc thù đến học nghề, Sở LĐ-TB&XH sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức về dạy nghề và học nghề cho nhiều người; bám sát nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nhu cầu nguồn lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn để định hướng đào tạo nghề cho phù hợp; tăng cường thông tin hai chiều giữa trung tâm dạy nghề và người học nghề, tạo điều kiện cho người lao động tìm hiểu và lựa chọn nghề học, nơi học, nhằm đảm bảo cơ hội tìm kiếm được việc làm sau khi được đào tạo.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng cường các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm  (19/02/2009)
Agribank ủng hộ xây dựng 10 căn nhà Đại đoàn kết  (18/02/2009)
Vận động 2,4 tỉ đồng giúp đỡ người khuyết tật  (18/02/2009)
Gần 4,5 tỉ đồng hỗ trợ dạy nghề cho đối tượng đặc thù và hộ nghèo  (18/02/2009)
35 tổ chức cơ sở Đảng được công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu năm 2008  (18/02/2009)
Ước mơ một “lối đi chung”  (18/02/2009)
Công an tỉnh phát động thi đua, lập thành tích mừng sinh nhật Bác  (18/02/2009)
Báo Thanh Niên tổ chức chương trình “Tư vấn mùa thi” lần thứ 6  (18/02/2009)
Một trung tâm đào tạo ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế  (17/02/2009)
Cách chức Chủ tịch UBND xã An Hòa  (17/02/2009)
Tổ chức lớp tập huấn “Tiếp cận dựa trên quyền và kỹ năng vận động chính sách”  (16/02/2009)
Đời sống của người tàn tật được nâng lên!  (16/02/2009)
Quy hoạch cán bộ: Chưa có tầm nhìn xa  (16/02/2009)
Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên là nhân tố quyết định thắng lợi Cuộc vận động  (16/02/2009)
Đầu tư 2,1 tỉ đồng xây dựng thư viện huyện   (15/02/2009)