Chiều ngày 20.2 vừa qua, bà con tổ 5, khu vực 2, phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, đã chứng kiến một cuộc gặp mặt hết sức cảm động giữa ông Đoàn Sĩ Hùng (49 tuổi) và anh Nguyễn Thanh Xuân (22 tuổi). Họ là cha và con ruột nhưng trước đây chưa hề biết mặt nhau. Ông Hùng đi bộ đội ở chiến trường Campuchia bị thương trở về, mất trí nhớ. Còn anh Xuân, theo mẹ (đã có gia đình khác) sinh sống tại TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk).
|
Hai cha con ông Hùng (ngồi) trong lần đầu tiên gặp gỡ sau 22 năm. Ảnh: Q.Hoa
|
* Cuộc gặp gỡ đầy nước mắt
Anh Nguyễn Thanh Xuân hiện đang theo học tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên). Đang thi học kỳ, thì mẹ từ Đắk Lắk xuống thăm anh và thông báo hai mẹ con sẽ về Bình Định tìm cha. Đã bao nhiêu năm, người cha ruột mà anh chưa bao giờ được nhìn thấy mặt, cứ đau đáu trong lòng anh mỗi lúc vui, buồn…
14 giờ ngày 20.2, anh Xuân được giáp mặt cha. Ông Hùng vẫn còn nhớ và nhận ra người vợ cũ. Mấy chị hàng xóm góp chuyện: “Bình thường, ông Hùng không nhớ gì hết, cũng hiếm khi mở miệng nói. Vậy mà, giờ nói năng tỉnh táo, nói nhiều nữa…”. Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra bên lề đường gần một quán bánh xèo, nên hai cha con mới có dịp ngồi ăn cùng nhau. Ông Hùng cuốn bánh xèo cho con, rồi đưa nước cho con uống trước, cử chỉ ân cần như của một người cha bình thường. Chỉ “như” thôi, vì sau đó ông lại lẫn lộn anh Xuân là “em”, rồi là “con của anh em trong nhà”.
Còn anh Xuân thì tâm sự: “Tôi không thể nói được cảm xúc của mình lúc này. Thật là khó tả!”. Những giọt nước mắt lăn dài trên má anh. “Gặp và biết cha rồi, tôi thấy cha thật đáng thương. Tôi sẽ thường xuyên về thăm cha và có trách nhiệm chăm lo cho ông từ giờ phút này” - anh Xuân cho biết.
|
Anh Nguyễn Thanh Xuân và ông nội. Ảnh: Q.H
|
* Và một cảnh đời
Chúng tôi ghé vào thăm ngôi nhà số 359/8 đường Bạch Đằng, Quy Nhơn, nơi ông Hùng đã sống cùng cha, chị gái và các em hơn 20 năm qua. Ngôi nhà được địa phương hỗ trợ ba triệu đồng để xây dựng, nhưng vì gia đình không có tiền để bỏ thêm vào, nên chưa được tô trát xi măng và quét vôi. Nhà chỉ rộng khoảng 30m2, nhưng lại được ngăn thành nhiều ô bằng cót ép, là nơi ăn, ở của ba gia đình với chín người thuộc bốn thế hệ. Bà Đoàn Thị Tuyết Mai - chị gái của ông Hùng, đã ly hôn - hiện ở nhà nuôi cha già 84 tuổi bệnh tật, người em trai (ông Hùng) bị tâm thần và mấy đứa cháu nội. Bà Mai kể: Trước đây, ông Hùng là công nhân Xí nghiệp Cơ khí 1.5 Quy Nhơn. Năm 1983, ông xung phong đi nghĩa vụ quân sự và sang chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Trước khi đi bộ đội, ông Hùng đã lấy vợ, là bà L.T.K.Y, mẹ anh Xuân và cũng đã có một đứa con gái. Năm 1986, ông Hùng xuất ngũ. Thời gian đầu về nhà, ông còn tỉnh táo, chỉ bộc phát điên từng cơn. Ông Hùng và bà Y. sống với nhau ở Quy Nhơn thêm một thời gian; đến khi bà Y. có bầu, bà đưa chồng và con gái về quê mình ở Mộ Đức (Quảng Ngãi) để dưỡng thai. Tuy nhiên, một thời gian sau, bà Y. mang ông Hùng về nhà chồng “gởi lại” vì ông bị tâm thần và nói khi nào làm ăn có tiền thì sẽ về đón đi. Sau đó, thỉnh thoảng bà Y. có về thăm, nhưng lần thăm cuối cùng cũng đã cách nay gần 20 năm. 22 năm, nay bà Y. mới dẫn con trai về gặp mặt cha.
Cũng theo lời kể của bà Mai, ông Hùng đi nghĩa vụ quân sự về, bị mắc bệnh tâm thần nhưng do giấy tờ thất lạc nên đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ gì của Nhà nước, chỉ có suất hỗ trợ 180 ngàn đồng/tháng cho người tàn tật thuộc hộ nghèo. Ông Hùng tính hiền, hay cười, thường ngày vẫn la cà đến các quán ăn trong xóm và ở chợ Đầm. Các chủ quán đều thương ông hiền lành, nhà nghèo nên hay cho ông ăn. Cũng có đôi lúc, ông Hùng được các chủ quán nhờ làm một vài việc vặt và cho ăn.
Người dân tổ 5, khu vực 2, phường Trần Hưng Đạo và những người biết hoàn cảnh gia đình ông Hùng đều rất thương ông. Bà Trần Thị Út - hàng xóm của ông Hùng, ở số 424 đường Bạch Đằng, nói: “Cả xóm ai cũng thương ông Hùng vì dù bị tâm thần nhưng rất hiền, gia đình lại có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi mong Nhà nước có chế độ gì đó để giúp gia đình họ bớt khổ, có thêm niềm vui trong cuộc sống”.
|