Những thầy thuốc của buôn làng
7:47', 26/2/ 2009 (GMT+7)

Đó là cách gọi thân thương mà đồng bào dân tộc thiểu số dành cho các nhân viên y tế đang công tác tại các trạm y tế ở các huyện miền núi.

 

Những thầy thuốc buôn làng được tôn vinh trong chương trình do Đài PT-TH Bình Định thực hiện. Ảnh: Thu Hiền

 

* Phải làm cho dân tin...

Đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhân viên y tế ở các trạm y tế đóng vai trò hết sức quan trọng và quyết định cho sự thành công của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

“Phải làm cho dân tin thì khó khăn nào cũng vượt qua” - đó là bí quyết để y sĩ Đinh Văn Ngông, Trưởng trạm Y tế xã An Vinh (An Lão), trở thành bà đỡ của nhiều sản phụ trong xã.

Cả xã An Vinh có bảy thôn thì hết hai thôn đường sá đi lại khó khăn; trong đó thôn 6 cách trung tâm cụm xã chỉ 20 km, nhưng chỉ toàn đường rừng và lội suối, nên cánh trai tráng khỏe mạnh trong làng cuốc bộ cũng phải mất cả buổi sáng. Đường xa đã đành, phụ nữ H’re lại “ngại” không cho đàn ông đụng đến mình trừ chồng, trong khi Trạm Y tế xã từ ngày thành lập đến nay chỉ toàn “mì chính cánh” mà không có nữ hộ sinh hay y sĩ sản nhi. Vậy là, mỗi khi mang thai, mắc bệnh phụ khoa, hay sinh đẻ, họ đều không đến Trạm Y tế xã.

Cũng chính vì thế, tình trạng sản phụ sinh đẻ tại nhà, bị tai biến hay tử vong do không có nhân viên y tế giúp đỡ khá phổ biến ở An Vinh. Cách đây hai năm, Trưởng trạm Đinh Văn Ngông khăn gói đi học lớp đỡ đẻ ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn. Và từ năm 2008 đến nay, anh đã đỡ đẻ cho sáu trường hợp sản phụ sinh tại nhà.

Năm 1993, khi y sĩ Nguyễn Văn Hiệp về công tác tại Trạm Y tế xã Ân Sơn (Hoài Ân), đồng bào gần như “mù tịt” về chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Nhiều vùng của xã thường xuyên xảy ra dịch bệnh; phụ nữ sinh con tại nhà, hay chòi rẫy; mỗi khi có người đau ốm làng lại cúng heo, cúng gà.

16 năm công tác ở Trạm Y tế xã, hết giờ trực, bác sĩ Hiệp lại vào làng. Lúc thì vận động, giải thích để người dân hiểu biết kiến thức phòng chống bệnh tật, ăn sạch, ở sạch, nằm ngủ trong màn; lúc thì tiêm chủng cho trẻ, khám bệnh cho đồng bào. Anh Hiệp bảo: “Làm cán bộ y tế cơ sở nhất thiết phải biết nghĩ theo cách nghĩ của dân, có thế, họ mới tin và làm theo mình. Bây giờ, mừng là người dân ở đây khi đau ốm, đã tìm đến trạm y tế khám, chứ không ở nhà cúng heo, cúng gà như trước…”.

 

“Làm cán bộ y tế cơ sở nhất thiết phải biết nghĩ theo cách nghĩ của dân...” - bác sĩ Nguyễn Văn Hiệp tâm sự. Ảnh: T.H

 

* “Bỏ ruộng chứ không bỏ trạm”

So với đồng bằng, nhân viên y tế làm việc ở các trạm y tế miền núi gặp nhiều khó khăn hơn. Địa bàn xa xôi cách trở, hầu như chỉ phải đi bộ hoặc xe đạp. Người dân sống rải rác, phong tục tập quán còn lạc hậu, nên việc tiếp cận với họ mất rất nhiều thời gian. Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với công tác y tế còn hạn chế. Các chế độ cho cán bộ, nhân viên y tế miền núi chỉ có thêm khoản phụ cấp khu vực rất nhỏ. Vì thế, chỉ có lòng nhiệt huyết và niềm đam mê mới có thể giữ chân họ ở cùng bà con. 

Trạm Y tế xã An Dũng (An Lão) chỉ có ba nhân viên y tế. Trưởng trạm Đinh Văn Tá lớn tuổi phụ trách chung, y sĩ Đinh Thị Ngút và y sĩ Đinh Thị Hạnh thay nhau đảm nhiệm các công việc. Làm kiêm nhiệm nhiều chương trình y tế Quốc gia nên ngày ở trạm, đêm về, chị Ngút tranh thủ xuống các thôn làng tuyên truyền bà con chăm sóc sức khỏe. Chị Ngút tâm sự: “Khổ nhất là mấy đợt chiến dịch, mình phải canh me khi nào bà con về là tới nhà để đưa họ đến trạm. Nhà có mấy sào ruộng nhưng mình cứ đi luôn ngày luôn đêm, nên phải thuê người làm. Bỏ ruộng thì được chứ không thể bỏ trạm…”.

Bác sĩ Dương Văn Tiếp, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Lão, cho biết thêm: “Nhân viên y tế ở miền núi khổ lắm. Có hôm, Trung tâm trực báo, anh Trưởng trạm Y tế xã An Toàn vào hội nghị với cái chân tóe máu. Hỏi ra mới biết, khi đi xe máy xuống đèo thì bị đứt thắng, vậy là anh cứ “cà” chân xuống đường mà chạy về đến huyện”.

* Mong lắm được tiếp sức

Được chọn là một trong số 14 gương mặt nhân viên y tế nhận Giải thưởng Đặng Thùy Trâm, lại là một trong 7 cán bộ y tế cơ sở của tỉnh được Bộ Y tế tôn vinh nhân Kỷ niệm 54 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2009, y sĩ Đinh Thị Ngút vẫn canh cánh bên lòng rằng mình chưa thật sự giỏi và chưa làm được gì nhiều cho bà con.

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Hiệp mong mỏi: “Mặc dù không chữa trị khỏi bệnh cho tất cả bà con, nhưng hằng ngày mình vẫn bám làng. Xoa dịu nỗi đau cho người bệnh là việc cần làm lắm chứ. Mình chỉ mong trạm y tế xã được trang bị thêm nhiều thiết bị, thuốc men và con người để có thể chăm sóc sức khỏe cho bà con tốt hơn”.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm 54 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam  (26/02/2009)
Gặp mặt cha sau 22 năm  (25/02/2009)
Viettel Bình Định tặng cẩm nang mùa thi cho học sinh  (25/02/2009)
49 học sinh lớp 12 thi học sinh giỏi quốc gia năm 2009  (25/02/2009)
3 tàu đánh cá cùng 29 ngư dân bị Malaysia bắt giữ  (25/02/2009)
Ông Trần Tín Kiệt thôi giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn  (25/02/2009)
Triển khai nhiệm vụ kiểm tra, giám sát năm 2009  (25/02/2009)
Đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng  (24/02/2009)
Chiến sĩ biên phòng vận động học sinh trở lại trường lớp  (24/02/2009)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm việc tại tỉnh ta  (24/02/2009)
Đã xuất hiện không ít các tập thể điển hình, cá nhân tiêu biểu…  (23/02/2009)
15 ngư dân được cứu ở vùng biển Trường Sa  (22/02/2009)
Thú cưng   (22/02/2009)
Trên 22.700 trường hợp lấn, chiếm, giao đất không đúng quy định   (22/02/2009)
Thư viện tỉnh tặng 700 đầu sách, tạp chí cho các đồn biên phòng   (22/02/2009)