Với phương pháp dạy học 4L - viết tắt bốn từ tiếng Anh: learn (học tập), live (sống), love (yêu thương) và laugh (vui) - Trường THPT Quy Nhơn đã giúp giáo viên (GV) định hướng thiết kế bài giảng và tổ chức quá trình dạy học theo tinh thần “dạy thực học thực”, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh (HS) và mang tiếng cười đến với từng tiết học.
|
Học sinh Trường THPT Quy Nhơn. Ảnh: Ngọc Quỳnh
|
* Con đường khuôn mẫu
Với việc kiểm tra, thi cử hiện còn nặng về tái hiện kiến thức, nhớ nhiều hơn hiểu và việc chấm thi vẫn theo cách “có ý là có điểm”, ít chú ý đến “sự sáng tạo”, thì hẳn nhiên dạy và học cũng phải “nhồi nhét” cho đủ ý theo SGK, nếu không HS thi sẽ thấp điểm và rớt tốt nghiệp. Việc đánh giá chất lượng học tập của HS như vậy rõ ràng chưa hỗ trợ và thúc đẩy GV đổi mới phương pháp dạy học.
Trên thực tế, phần lớn HS hiện nay không mấy hứng thú đối với các môn học Văn, Sử, Địa và Giáo dục công dân. Bởi vậy, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học không thể chỉ dừng lại ở việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, mà trước hết phải đổi mới mục tiêu và nội dung chương trình. Bởi chương trình hiện nay còn quá nặng về cung cấp thông tin về lượng mà thiếu đi phần cảm, cách sống, cách nghĩ và kỹ năng giao tiếp.
4L là viết tắt của bốn từ tiếng Anh: learn (học tập): nội dung kiến thức qui định; live (sống): GV phải biết đưa thực tế sinh động của cuộc sống vào bài học một cách thiết thực; love (thương): bằng mọi biện pháp sư phạm và lòng nhiệt huyết nghề nghiệp, GV phải làm cho HS yêu thích môn học mình giảng dạy; laugh (vui): tạo không khí học tập sinh động, thân thiện, mỗi giờ học là một giờ vui. |
Nếu phương pháp dạy học cũ lấy GV làm trung tâm có ưu điểm lớn là phát huy trí nhớ, tập cho HS làm theo một điều nào đó, thì phương pháp mới lấy HS làm trung tâm vẫn cần những ưu điểm đó. Song điều khác căn bản là phương pháp cũ phần nhiều nghiêng theo hướng “bỏ quên HS”, nên HS thường bị động trong tiếp nhận kiến thức; còn phương pháp mới phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS.
Hiện nay, những kiến thức trong SGK được xem là “pháp lệnh”, GV không được tùy tiện sửa đổi, mặc dù việc sửa đổi có thể giúp cho việc giảng dạy tốt hơn.Việc dạy hết SGK gây ra quá tải, thiếu thời gian cho GV và HS trong đổi mới phương pháp dạy học. Vòng chu chuyển vẫn theo con đường khuôn mẫu: HS sợ thầy; thầy sợ trường; trường sợ Sở; Sở sợ SGK, sợ quy định của chương trình, sợ kết quả thi cử. Rốt cuộc là phải làm như qui định.
Nếu với mục tiêu dạy cách cảm, cách nghĩ, nhiều khi chỉ cần giảng kỹ một khổ thơ còn giúp HS hiểu về tác giả, hiểu văn chương, yêu cái đẹp, yêu cuộc đời hơn là dạy cả bài thơ, dạy nhiều tác phẩm theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” để kịp thời gian, kịp chương trình.
* Ưu việt của 4L
Từ thực tế trên và với đặc điểm HS của mình, thời gian qua, Trường THPT Quy Nhơn đã không ngừng cập nhật và đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng: GV phải dạy cho HS biết cách tự học môn mình giảng dạy. Phải luôn đặt những từ khóa nghi vấn “tại sao, là gì, như thế nào” để dẫn dắt HS nắm, hiểu, tái hiện kiến thức và rèn luyện cho HS cách nghĩ, cách tư duy; chia nhỏ và mã hóa đơn vị kiến thức bằng bản đồ tư duy với những từ khóa dễ nghe, dễ nhớ theo tinh thần “dạy ít, học nhiều”; tổ chức cho HS chấm điểm và đánh giá việc giảng dạy của GV với tinh thần khách quan, trung thực. Phiếu chấm điểm được lượng hóa bằng những tiêu chí cụ thể, tránh cảm tính. Tăng cường phương tiện trực quan, khai thác và ứng dụng có hiệu quả phương tiện công nghệ thông tin, tài nguyên thông tin trên mạng; đồng thời, tạo bầu không khí thân thiện thầy, trò cùng tìm kiếm thông tin để cùng học tập… Từ đó, đã phát huy tính chủ động sáng tạo, tích cực của HS. Quá trình tổ chức dạy học luôn có ý thức lật lại vấn đề theo phương châm “tôi nghe tôi quên - tôi nhìn tôi nhớ - tôi làm tôi hiểu”.
Phương pháp 4L coi trọng quá trình tổ chức dạy và học. Các hoạt động dạy và học tác động đến trí thông minh đa diện và toàn bộ con người của HS về: nhận thức, tình cảm, ước mơ, kinh nghiệm… HS là chủ thể học tập; càng nhiều giác quan và nhiều tiến trình tâm lý được kích thích, việc học càng hiệu quả và hứng thú. Phương pháp 4L giúp giờ học sống động, HS dễ nhớ bài, phát triển được kỹ năng và nhiệt tình học tập, làm cho sau mỗi giờ học, thầy và trò đều cảm thấy hạnh phúc. Phương pháp 4L còn là cơ sở đánh giá và quản lý chất lượng giảng dạy của GV theo nguyên tắc “thầy thiết kế, trò thi công”. Phương pháp này có thể định hướng cho GV thiết kế được những bài giảng đạt hiệu quả giáo dục cao, tránh khuynh hướng máy móc trong dạy học.
(Hiệu trưởng Trường THPT Quy Nhơn) |