Những bất cập trong công tác y tế học đường
10:37', 3/3/ 2009 (GMT+7)

Y tế học đường là kênh đầu tiên và quan trọng trong việc phát hiện bệnh và phòng bệnh cho học sinh (HS), giúp phát triển thể lực cho những công dân Việt Nam trong tương lai. Thế nhưng, lâu nay công tác này bị thả nổi…

Kỳ I: “Đứa con rơi”

Không có cán bộ y tế nên không có hoạt động y tế trong trường học; có cán bộ y tế nhưng do kiêm nhiệm, lương thấp nên chỉ hoạt động cầm chừng, chủ yếu làm nhiệm vụ sơ cứu cho HS bị té, ngã, nhức đầu, sổ mũi… Đó là thực trạng của công tác y tế học đường nhiều năm qua.

 

Mặc dù đã có nhân viên y tế học đường hưởng lương biên chế nhưng Phòng y tế học đường của Trường THCS thị trấn Phù Mỹ vẫn còn tạm bợ.

 

* Trường học “thả nổi”... y tế

Sở dĩ, mô hình y tế học đường hoạt động được là nhờ khoản 20% trích lại từ nguồn thu bảo hiểm y tế (BHYT) của HS. Khoản tiền này dùng để mua thuốc men, dụng cụ cấp cứu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS. 4% trong số 10% quỹ dự phòng của nguồn thu BHYT được chi “hoa hồng” cho công tác vận động HS tham gia BHYT.

Trường THCS thị trấn Phù Mỹ có khoảng 1.300 HS, 97% trong số đó tham gia BHYT, vậy mà hoạt động y tế học đường ở đây vẫn rất đơn giản. Phòng y tế được ngăn tạm bợ từ một phòng ở dành cho giáo viên nên rất chật chội. Trong phòng chỉ có một tủ thuốc nhỏ; giường, bàn ghế… đều thiếu chuẩn. Phụ trách phòng y tế là một điều dưỡng trung học, được hưởng lương từ biên chế của ngành giáo dục. Ông Đặng Trung Khánh, Hiệu trưởng, cho biết: Trước đây, Trường mời một phụ huynh có chuyên môn y tế cộng tác làm y tế học đường với mức thù lao 350 ngàn đồng/tháng. Từ đầu năm học này, Trường đã tuyển được biên chế y tế học đường, nên phần kinh phí trả thù lao cho nhân viên y tế được chi thêm cho mua sắm thuốc men; hoạt động y tế có tốt hơn, dẫu cũng chỉ làm công việc sơ cứu…

Theo thống kê của Sở GD- ĐT, toàn tỉnh chỉ có 14/176 trường mầm non, 115/243 trường tiểu học, 76/134 trường THCS và 38/49 trường THPT có phòng y tế; 8 trường mầm non, 99 trường tiểu học, 60 trường THCS, 39 trường THPT có cán bộ y tế chuyên trách; 6 trường mầm non, 72 trường tiểu học, 37 trường THCS và 3 trường THPT có cán bộ y tế kiêm nhiệm; 162 trường mầm non, 72 trường tiểu học, 37 trường THCS và 7 trường THPT chưa có cán bộ y tế.

Ở các trường khác, nhất là các trường thuộc vùng bãi ngang, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ có khoảng 50% số HS tham gia BHYT, lại càng khó khăn hơn vì khoản phần trăm trích lại rất ít. Với khoản tiền này, hầu hết các trường đều sử dụng để trả “lương” cho cán bộ y tế, còn lại mới mua sắm dụng cụ, thuốc men... Vậy nên, lương cho nhân viên y tế học đường thuộc loại đa dạng nhất, thấp nhất. Có trường, nhân viên y tế học đường chỉ được trả lương 150.000 đồng/tháng; có trường được 250.000 đồng/tháng hoặc 450.000 đồng/tháng… Với mức lương “bèo bọt” này, nhiều trường đã không tuyển được nhân viên y tế, hoặc có cũng là kiêm nhiệm. Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng GD-ĐT Phù Mỹ, cho biết: “Trong số 48 trường tiểu học và THCS của huyện, chỉ ba trường tuyển được biên chế nhân viên y tế và 19 trường phải hợp đồng những người chưa có bằng cấp”. 

Không có nhân viên y tế, hoạt động y tế học đường bị thả nổi; có nhân viên y tế kiêm nhiệm, thì họ chỉ có mặt khi HS gặp sự cố té ngã, chảy máu… Hoạt động y tế chưa thấy hiệu quả, nên các phòng y tế ở nhiều trường học đều tạm bợ. Ngay trường chuẩn Quốc gia, được ưu tiên đầu tư cho y tế học đường, nhiều nơi cũng chỉ để đối phó cho có một tiêu chí.

* Bệnh học đường gia tăng

Theo điều tra sơ bộ của ngành y tế do Bệnh viện Mắt Bình Định tiến hành năm 2005, hơn 12% số HS của tỉnh mắc tật khúc xạ, chủ yếu là bệnh cận thị. HS ở lứa tuổi từ 16 đến 18 tuổi, tỉ lệ mắc tật khúc xạ tăng dần theo tuổi và cấp học. HS học ở bậc học càng cao thì nguy cơ mắc tật khúc xạ càng nhiều. HS thành phố có tỉ lệ mắc tật khúc xạ cao hơn nhiều so với HS ở nông thôn và miền núi.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt Bình Định, cho biết: “Trẻ càng học rồi chơi game, xem tivi càng nhiều thì nguy cơ mắc tật khúc xạ càng cao. Vì thế, tình trạng HS mắc tật khúc xạ có chiều hướng gia tăng”.

Năm 2008, toàn tỉnh có 15.819/364.732 HS của 295 trường được khám sức khỏe định kỳ (chiếm tỉ lệ 48,2%). Kết quả: 41,2% HS bị bệnh răng miệng, 2,9% bị bệnh ngoài da, 2,04% bị bệnh tai mũi họng, 0,22% bị bệnh cong vẹo cột sống…

Kết quả phân loại thể lực HS năm 2008: loại 1 chiếm 68%, loại 2 chiếm 28,6%, loại 3 chiếm 3,21%, loại 4 chiếm 0,09% và loại 5 là 0,01%.

Ngoài tật khúc xạ, HS đang phải đối diện với nguy cơ mắc hàng loạt bệnh khác, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe như bệnh cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng... Bệnh học đường do nhiều nguyên nhân: cơ sở vật chất trường học không bảo đảm, thiếu tuyên truyền giáo dục về vệ sinh học đường, chương trình học tập quá nặng và những căng thẳng không cần thiết...

Qua khảo sát của cơ quan y tế, đa số các trường mới được xây dựng khang trang, tiếng ồn đạt tiêu chuẩn cho phép nhưng hầu như bàn ghế lại chưa đạt tiêu chuẩn. Kiểm tra các trường học trong tỉnh của cơ quan chuyên môn cho thấy: Có đến 70% số trường sử dụng bàn ghế trong phòng học có chênh nhau quá ba lớp, trong khi chỉ có 20% số phòng học có bảng đạt yêu cầu. Một số trường tiểu học bán trú còn áp dụng phương thức “ba trong một” là học, ăn và ngủ trên cùng một cái bàn.

Hậu quả là HS bị tật cong vẹo cột sống gây biến dạng không chỉ về mặt thẩm mỹ mà còn gây tổn hại về mặt chức năng hô hấp, tuần hoàn, tăng trưởng. Với HS nữ còn có thể bị ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản. HS bị cận thị sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong sinh hoạt, vui chơi, học tập.

Từ năm 2000 đến nay, việc cơ quan y tế phối hợp với ngành bảo hiểm và giáo dục điều tra, đánh giá về vệ sinh trường học; về bụi, ánh sáng, vi khí hậu và tiếng ồn rất hiếm vì không có… kinh phí. Ngay cả việc chốt số liệu bệnh tật của HS cũng đều dựa vào các trường có hoạt động y tế trường học.

  • Ngọc Quỳnh- Thu Hiền (Còn nữa)

“Điểm sáng” Trường Tiểu học Lê Lợi

Tuyên truyền về bệnh học đường tại Trường Tiểu học Lê Lợi (Quy Nhơn).

TP Quy Nhơn được đánh giá là đơn vị làm tốt nhất công tác y tế học đường. Trường Tiểu học Lê Lợi là “điểm sáng” của Quy Nhơn. Phòng y tế của trường này rộng chừng 30m2 và có hẳn một buồng riêng dành để chăm sóc răng miệng cho HS. Y tế nhà trường có kế hoạch hoạt động từng năm, từng tháng, từng tuần. Bà Phạm Thị Ánh Hồng, nhân viên y tế của trường, cho biết: “Vào đầu năm học, Trường phối hợp với Trung tâm Y tế TP, đã tổ chức khám sức khỏe ban đầu cho HS…”.

Theo số liệu mà bà Hồng cung cấp, trong số 1.182 HS của Trường được khám sức khỏe, có gần 37% số HS có sức khỏe loại A; trên 62% loại B; 0,67% loại C (gầy, yếu). Về thể lực, có 86,4% loại 1; trên 10% loại 2; 2,7% loại 3, 0,8% loại 4. Đặc biệt, qua khám sức khỏe, y tế đã phát hiện 21% số HS bị tật khúc xạ; 22,7% bị các bệnh tai, mũi, họng; 56% bị răng, hàm, mặt (phần lớn là sâu răng)…. Từ những phát hiện ban đầu, nhân viên y tế đã tư vấn cho phụ huynh HS để có hướng điều trị.

Hầu hết HS Trường Tiểu học Lê Lợi đều được học bán trú. Tại Trường, đã đầu tư xây dựng bếp ăn một chiều và tổ chức nấu ăn cho HS theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho HS. Từ đầu năm học này, Trường còn triển khai hoạt động truyền thông rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cho HS bán trú. Ngoài ra, các hoạt động phòng chống các loại dịch bệnh được triển khai thường xuyên trong nhà trường.

Ông Nguyễn Trọng Phiệt, Hiệu trưởng Trường, cho biết: “Y tế học đường là nơi giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân cho HS, tránh những lây lan dịch bệnh hiệu quả nhất. Đây cũng là môi trường trang bị cho HS những kiến thức y học thông thường trong cuộc sống tốt nhất. Các phòng y tế học đường hoạt động đúng chức năng sẽ góp phần giảm thiểu những nguy cơ về tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh về răng… cho HS”.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đầu tư 480 tỉ đồng xây dựng Trường ĐH Quang Trung  (03/03/2009)
Công tác tư pháp phải đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương  (02/03/2009)
Mít tinh Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống BĐBP và 20 năm Ngày Biên phòng Toàn dân  (02/03/2009)
Điểm sáng văn hóa ở Đồn Biên phòng 316   (01/03/2009)
Người sĩ quan năng động   (01/03/2009)
Tặng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo   (01/03/2009)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc thăm các đơn vị biên phòng   (01/03/2009)
Phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh vùng biển, đảo…   (01/03/2009)
Đổi mới phương pháp dạy và học  (28/02/2009)
Tọa đàm “Mùa xuân và nhân tài”  (28/02/2009)
Triển khai công tác thông tin - truyền thông năm 2009  (27/02/2009)
Lễ tưởng niệm 43 năm vụ thảm sát Bình An  (27/02/2009)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình thăm các cơ sở y tế  (27/02/2009)
Tìm việc cho người lao động  (26/02/2009)
24 bác sĩ được luân phiên tăng cường về cơ sở  (26/02/2009)