MSM - chữ viết tắt của man seeking man: đàn ông tìm kiếm đàn ông, hoặc men who have sex with men: đàn ông có quan hệ tình dục với đàn ông - chỉ về quan hệ tình dục đồng giới nam. Có một nhóm MSM tại Quy Nhơn ấp ủ ý định thành lập ra một CLB MSM dành cho những người đồng cảnh ngộ…
|
Bảo Hân (người ngồi bên trái) là một MSM ở Quy Nhơn đã “dũng cảm” thừa nhận tình trạng giới tính của mình với báo chí (ảnh chụp năm 2007). Ảnh: T.H
|
* Từ những chuyện có thật...
Năm 2008, có bảy khách hàng có quan hệ tình dục (QHTD) đồng giới đến phòng xét nghiệm tự nguyện HIV (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh). Kết quả, hai người có kết quả dương tính với HIV. Chị Nguyễn Thị Hải Nam, chuyên viên tư vấn của Trung tâm, nói: “Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những người này đều có QHTD với người đồng giới nhưng không hề có kiến thức về các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như sử dụng các biện pháp an toàn. Đến khi thấy sức khỏe giảm sút, sốt kéo dài thì họ mới đến làm xét nghiệm HIV. Hầu hết đều còn trẻ, từ 25 tuổi trở lại”.
Một số đối tượng MSM mà chúng tôi có dịp tiếp xúc cho biết, tại Quy Nhơn ước phải có đến hàng trăm MSM (?). Trong đó, tuổi từ 14 đến 25 chiếm khoảng 70%, còn lại là trên 25 tuổi. Thông tin này cần được xác minh thêm, nhưng phần nào cho thấy: MSM là một vấn đề xã hội cần được quan tâm.
Chương, một MSM đang học tại Trường Đại học Quy Nhơn, cho biết, từ năm cấp II, cậu đã có khuynh hướng thích các bạn nam hơn nữ. Qua tìm hiểu sách báo, thông tin trên mạng, Chương dần hiểu được vấn đề mình đang gặp phải. Chương tâm sự lần đầu tiên cậu QHTD với bạn đồng giới khi đang học lớp 12 và đến nay đã trải qua hai mối tình. “Em cũng có ý thức tự bảo vệ mình khi QHTD, nhưng lắm khi cũng tặc lưỡi cho qua. Mặc cho hên xui… “- Chương thú thật.
Sơn, 30 tuổi, là một MSM khá cởi mở và có quan hệ khá rộng rãi với những MSM khác, hé lộ một thông tin khá giật mình: Có đến 90% MSM khi QHTD đồng giới đều không sử dụng một biện pháp an toàn nào cả. Ngoài ra, các MSM rất dễ QHTD với nhau. Không ít MSM thừa nhận chỉ cần ngồi uống nước, cảm thấy thích nhau và hai bên đều đồng ý thì có thể dẫn đến “chuyện ấy”…
* Đến ý tưởng thành lập CLB MSM
Người đưa ra ý tưởng này là Sơn. Sơn giải thích: “Do công việc nên tôi có dịp tiếp xúc khá nhiều với bạn trẻ mới lớn. Tôi thấy họ rất hoang mang, lo sợ về tình trạng giới tính của mình nhưng không biết hỏi ai, trong khi thông tin từ các trang web đen lại nhan nhản. Nếu không được can thiệp kịp thời, một số bạn trẻ có thể có những quan niệm lệch lạc về giới tính, QHTD với người đồng giới, lâu dần thành thói quen. Ngoài ra, các MSM hầu như không có ý thức bảo vệ mình trong khi QHTD. Vì lẽ đó mà tôi ấp ủ ý định thành lập một CLB MSM tại Quy Nhơn để định hướng giới tính cho các bạn trẻ; tuyên truyền về tình dục an toàn, phát bao cao su cho các MSM, như một số CLB MSM ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang làm”.
Chị Nguyễn Thị Hải Nam nhận định: QHTD đồng giới là một trong những nhóm có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV vì dễ dàng thay đổi cũng như quan hệ với nhiều bạn tình trong một thời gian ngắn. Hiện tỉnh ta chưa tiến hành giám sát HIV đối với nhóm MSM, thì sự ra đời của một CLB MSM là rất tốt. Thông qua đó, có thể tiếp cận, tuyên truyền, giúp thay đổi hành vi tình dục trong giới này.
|
Một hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS của nhóm Tự lực Thông Xanh (Hà Nội) do các MSM sáng lập nên. Đây cũng là mục tiêu mà Sơn hướng đến khi đề xuất thành lập CLB MSM ở Quy Nhơn. Ảnh: St
|
* Và những rào cản khó vượt qua…
Thứ nhất là vấn đề kinh phí để thành lập cũng như duy trì hoạt động của CLB. Sơn nói: “Tôi cần sự hỗ trợ tài chính ban đầu, để từ đó mới có thể tự thân vận động, như thành lập một quán cà phê để mọi người chung cảnh ngộ đến để được tư vấn, tìm hiểu, tâm sự…”. Sơn đã đề cập vấn đề này với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh và đang chờ thông tin phản hồi.
Về việc này, chị Hải Nam cho biết: Hiện Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS chưa có những nghiên cứu, thống kê cụ thể chính thức về nhóm đối tượng này, nên cũng khó xây dựng được phương án hỗ trợ. Trong khi đó, tỉnh ta còn có những nhóm đối tượng được ưu tiên hơn như ngư dân đánh bắt xa bờ, lái xe đường dài… Tuy nhiên, Trung tâm cũng đã xây dựng kế hoạch hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm MSM tại Bình Định. Theo đó, nếu CLB MSM được thành lập, các thành viên trong CLB sẽ tiếp cận, tuyên truyền cho khoảng 80% đối tượng MSM; trong đó, 50% được tiếp cận, giáo dục, tự nguyện làm các xét nghiệm HIV; 70% được tiếp cận, giáo dục thường xuyên sử dụng bao cao su khi QHTD…
Nhưng khó khăn không chỉ có vậy. Trên thực tế, không ít MSM phản đối kế hoạch của Sơn vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của họ. Chương, người nhiệt tình ủng hộ ý tưởng của Sơn, bộc bạch: “Tôi chưa dám nói thật với cha mẹ của tôi vì sợ họ bị sốc, nhưng tôi đã thử tâm sự với chị gái của mình. Chị ấy không tin, còn nói thần kinh của tôi có vấn đề. Nghĩ đến việc công khai thân phận thật sự của mình là tôi sợ. Sợ ba mẹ bị sốc, sợ ảnh hưởng đến việc làm…”.
Tên các nhân vật Sơn, Chương trong bài cũng không phải là tên thật của hai MSM mà tôi phỏng vấn. “Khi nào CLB chính thức được thành lập, chúng tôi sẽ công khai danh tính của mình. Còn bây giờ, khi tất cả mới chỉ là dự định, thì xin lỗi, hãy cho chúng tôi dùng tên khác vì chúng tôi còn công việc làm ăn, các mối quan hệ xã hội khác nữa” - cả hai nói như vậy.
Hội thảo Thể hiện người đồng tính trên báo chí Việt Nam, tổ chức hôm 17.2 tại Hà Nội, cho thấy: Chỉ có 18% người dân không kỳ thị người đồng tính, trong khi có tới 41% người dân kỳ thị người đồng tính. Sự kỳ thị này có xu hướng tăng lên tại Việt Nam.
Cần hiểu rõ rằng, đồng tính không phải là căn bệnh, mà chỉ là một khuynh hướng tình dục, trong đó đối tượng tình dục được hướng đến là người cùng giới. Người đồng tính là những người hết sức bình thường về sức khỏe, năng lực, tâm lý. Đó cũng không phải là dạng rối loạn tâm thần, càng không phải là một giới tính. | |