Đã có nhiều người phụ nữ bất đắc dĩ phải nhờ đến tòa án các cấp tìm cha cho con mình, bởi trước đó, do tin tưởng mà họ trao thân gửi phận cho người tình phụ bạc. Xung quanh những người mẹ tìm cha cho con cũng lắm chuyện bi hài…
* Lấy gì chứng minh?
Đó là câu chuyện mà chúng tôi, những người làm công tác tư vấn pháp luật không bao giờ quên. Chị N.T.C, ở Tuy Phước, vốn là người bị câm điếc bẩm sinh, nhưng lại biết viết chữ. Anh T là người đã có vợ, hay đi bắt cá vào ban đêm và đã nhiều lần vào nhà chị C “làm cái chuyện đó”. Chị có thai thì anh T lơ là, thoái thác trách nhiệm. Biết bao búa rìu dư luận đổ trên đầu chị khi chị mang thai, rồi một mình chị với sự giúp đỡ của mẹ già phải lo sinh đẻ, nuôi nấng.
Con gái của chị lớn dần nhưng chẳng thấy anh T đoái hoài, buộc lòng chị viết đơn gửi cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) yêu cầu anh T phải nhận con, và có trách nhiệm nuôi dưỡng con chung. Rất nhiều lần từ chối, thậm chí anh T còn yêu cầu chị phải đi giám định ADN, nhưng bằng nghiệp vụ của tòa và sự làm chứng của bà con cô bác ruột phía anh T, nên tòa đã công nhận cháu bé là con chung của hai người.
Một vụ khác, mà tôi có dịp chứng kiến tại tòa. Chị N.T.V ở Tây Sơn gửi đơn đến tòa yêu cầu xác định cháu N.V.H, là con của anh Đ.V.D. Tại tòa, chị V nói: “Nó là con anh!”. Hàng ghế bên kia, anh D chậm rãi cười mỉa mai: “Không dám đâu, làm sao tôi biết được”. Chị V tiếp tục: “Anh là thằng hèn, là đồ Sở Khanh”. Theo chị V, anh D đã dùng lời ngon ngọt dụ dỗ để chị mang thai mà không cưới, sau đó anh D đi làm ăn xa rồi cưới cô gái khác.
Chị sinh cháu H rồi mới biết chuyện anh đã có vợ khác. Khi cháu H lên 6 tuổi, chị đi làm giấy khai sinh cho con đi học, nhưng phần tên người cha bỏ trống. Sợ lớn lên cháu tủi thân, chị yêu cầu anh D nhận cháu H làm con, nhưng anh tìm mọi cách né tránh. Trước tòa, anh D vẫn một mực không nhận con và còn yêu cầu chị đi giám định ADN. Do chị là nguyên đơn, nên tòa yêu cầu chị phải nộp dự phí 20 triệu đồng để tòa gửi kết quả đi giám định ADN. Nhà nghèo, làm gì có được số tiền lớn như thế nên chị đành phải rút đơn, chấp nhận cho con mình trong giấy khai sinh không có tên người cha.
* Chuyện... “mò kim đáy biển”
Qua theo dõi các vụ án truy nhận cha cho con, chúng tôi thấy hầu hết những vụ kiện này là do phía người phụ nữ, sau khi suy nghĩ, giằng xé tâm can lắm, họ mới đưa đơn đến tòa để tìm cha cho con, bởi đây là chuyện khá tế nhị, rất khó khăn, vì rất khó cung cấp chứng cứ hoặc nhân chứng của tòa.
Một số thẩm phán có kinh nghiệm xét xử án hôn nhân gia đình cho biết, muốn tìm chứng cứ để buộc những “gã Sở Khanh” thừa nhận, tòa thường dựa vào lời khai của hai bên vào thời điểm “làm chuyện đó” có khớp với thời gian, không gian hoặc có dấu hiệu nào khác không... Nhưng khi tòa hỏi, khó có người đàn ông nào chịu nhận mình là “tác giả” của cháu bé. Thực tế, có nhiều đứa trẻ sinh ra giống cha như đúc nhưng cũng có người không nhận đó là con của mình! Còn tòa đi xác minh người này có chung sống với người kia hay không rất khó! Khi cần giám định ADN thì có nhiều người đàn ông lại từ chối vì lý do khó nói.
Ra tòa trong các vụ truy nhận cha cho con, chúng tôi nhận thấy cả hai bị tổn thương nặng nề; không còn chỗ cho sự tôn trọng, khoan dung mà là sự trách móc, xem thường lẫn nhau. Còn nếu tòa có đủ cơ sở công nhận cha cho con, thì kết cục đứa trẻ có thêm tên cha trong giấy khai sinh, được vài trăm ngàn chu cấp mỗi tháng, còn có một người cha đúng nghĩa thì e rằng khó! Và như thế, tâm lý, tình cảm của đứa bé bị tổn thương nghiêm trọng.
Việc truy nhận cha cho con, về mặt pháp lý thì có ý nghĩa rất lớn vì pháp lý sẽ ràng buộc trách nhiệm và bổn phận của người cha đối với con từ việc cấp dưỡng, lo hạnh phúc sau này cho con. Còn về mặt đạo đức thì chúng tôi không bàn, bởi cuộc sống vốn muôn màu, muôn vẻ nhưng dù gì đi nữa xã hội cần phải cảm thông sâu sắc với những người phụ nữ khi họ bất đắc dĩ phải kiện ra tòa để tìm cha cho con mình.
|