Thông tư 35 (Thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, ngày 23.8.2006) ra đời, đã cho phép ngành GD-ĐT được tuyển biên chế làm công tác y tế trường học. Khó khăn vẫn còn, nhưng đây là cơ hội lớn để ngành GD-ĐT xốc lại hoạt động y tế học đường, nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho học sinh (HS), giáo viên, cán bộ và nhân viên nhà trường.
|
Chăm sóc răng miệng cho HS tại nha học đường của Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Quy Nhơn). Ảnh: N.Q - T.H
|
* Có biên chế nhưng không tuyển được người
Thông tư 35 đã hướng dẫn, mỗi trường phổ thông được tuyển một biên chế y tế trường học. Ngày 4.12.2007, Bộ GD-ĐT cũng đã có Quyết định 73 “Quy định về hoạt động y tế trong các trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học”. Quy định này yêu cầu trình độ của cán bộ làm công tác y tế trường học phải từ trung cấp y trở lên.
Từ tháng 8.2008, Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT bắt đầu thông báo tuyển biên chế nhân viên y tế năm học 2008- 2009 cho các trường học có nhu cầu trong toàn tỉnh. Chỉ tiêu thì nhiều, nhưng rốt cuộc, số người tuyển được lại chẳng bao nhiêu.
Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phù Mỹ, cho biết: “Huyện có chỉ tiêu xét tuyển 20 biên chế y tế trường học, nhưng cuối cùng chỉ tuyển được ba biên chế cho các trường THCS thị trấn Phù Mỹ, Tiểu học số 2 Mỹ Thọ và Tiểu học số 2 Mỹ Hiệp”. Ở thành phố Quy Nhơn, tình hình có khá hơn do nhiều trường đã có nhân viên y tế hợp đồng trước đây. Tuy nhiên, trong số 42 trường học có chỉ tiêu tuyển, thành phố cũng chỉ tuyển vào biên chế nhân viên y tế cho 8 trường tiểu học và 15 trường THCS. 19 trường còn lại phải tiếp tục hợp đồng làm công tác y tế với những nhân viên chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Trước đây, nhân viên y tế trường học không biết mình “đứng” ở chỗ nào. Lương thấp, không ổn định, chế độ chính sách không có. Từ khi có chính sách biên chế, họ đã trở thành người được hưởng lương, chế độ, chính sách, phụ cấp ưu đãi của một viên chức ngành GD-ĐT. Bà Phạm Thị Ánh Hồng, một nhân viên y tế đã có 16 năm làm “hợp đồng” công tác y tế học đường tại Trường Tiểu học Lê Lợi, nay đã được tuyển vào biên chế chính thức của ngành GD-ĐT, cho biết: Từ khi có quyết định vào biên chế ngày 1.12.2008, tôi đã được hưởng mức lương theo hệ số 3,06 (khoảng trên 1,6 triệu đồng/tháng) nhờ được tính cả thời gian công tác liên tục trước đây… Và điều quan trọng, tôi đã là một nhà giáo làm công tác y tế trường học.
* “Xốc lại” hoạt động y tế trường học
Một khi nhân viên y tế học đường đã là biên chế chính thức của ngành GD-ĐT thì hoạt động y tế học đường cũng cần phải “xốc lại” cho đúng vai trò và vị trí của nó. Các phòng y tế học đường cần phải được đảm bảo đúng chuẩn, thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu ban đầu; chăm sóc sức khỏe ban đầu và vận chuyển bệnh nhân. Phòng y tế phải có tủ thuốc, đảm bảo cơ số thuốc và được trang bị đầy đủ các trang thiết bị chuyên môn thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế…
Kinh phí thực hiện công tác y tế học đường hiện nay đã được chi từ ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp GD-ĐT hàng năm của các cơ sở giáo dục theo phân cấp ngân sách hiện hành. Ngoài ra, còn có nguồn kinh phí được để lại từ Quỹ khám, chữa bệnh BHYT tự nguyện của HS. Do đó, hoạt động y tế cần phải được “chỉnh đốn” lại để đảm đương “sứ mệnh” quan trọng của mình. Ông Phan Văn Chung, Trưởng phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn, cho biết: Trong năm học tới, ngành giáo dục thành phố có khả năng “lấp đầy” biên chế y tế. Có biên chế, nhân viên y tế làm việc tốt hơn, phấn khởi hơn. Hoạt động y tế trong trường học được khởi sắc”.
Ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Khi đã có biên chế, có kinh phí hoạt động, y tế học đường cũng phải thực hiện đúng và đầy đủ chức năng của mình. Hiện nay, Sở Nội vụ đã thực hiện xong việc xét tuyển biên chế cho ngành y tế. Trước mắt, Sở GD-ĐT cũng sẽ có công văn xin xét tuyển bổ sung biên chế y tế trường học từ “nguồn” cán bộ y tế còn dôi dư qua đợt xét tuyển trên. Trong tương lai, ngành GD-ĐT cũng phải đào tạo cả bác sĩ làm công tác y tế trường học, đặc biệt là đối với các trường đạt chuẩn Quốc gia”.
Hiện nay, nhiều trường đã có biên chế y tế học đường nhưng nhân viên y tế và ngay cả hiệu trưởng cũng không nắm hết nội dung của hoạt động y tế trong trường học. Để “xốc lại” hoạt động này, phải bắt đầu từ việc xây dựng các mục tiêu, kế hoạch cụ thể ngay từ cấp Sở GD-ĐT.
Hoạt động của y tế trong trường học được quy định: Quản lý và chăm sóc sức khỏe trong nhà trường (như tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe HS ít nhất mỗi năm một lần vào đầu năm học; sơ cứu, cấp cứu ban đầu, chăm sóc sức khỏe ban đầu theo quy định của Bộ Y tế…); Tuyên truyền, giáo dục, tư vấn các vấn đề liên quan đến sức khỏe cho HS, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường và cha mẹ HS; Tổ chức thực hiện vệ sinh học đường, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, bệnh, tật học đường, đảm bảo an toàn thực phẩm…; Phối hợp với các cơ sở y tế triển khai, thực hiện các hoạt động y tế trường học và các hoạt động y tế khác… | |