Cách đây khoảng 8 - 9 năm, thương lái Tây Nguyên bắt đầu xuống Bình Định mua phân bò về bón lót cho cây cà phê chỉ có lác đác vài người “khổ quá” mới chịu đi nhặt phân để bán. Nay giá phân lên, số người lượm phân cũng tăng lên. Hễ nơi đâu có trâu bò thả rong là nơi đó có người đến lượm. Với nhiều người, lượm phân bò đã trở thành nghề kiếm sống.
|
Người phụ nữ này đã đạp xe 20 km để vào Quy Nhơn tìm bãi chăn bò.
|
Trước tiên cần phải khẳng định rằng đây là một nghề thật sự có ích cho cộng đồng. Tất cả những người nhặt phân gia súc mà tôi đã trò chuyện khi đi làm tư liệu cho bài viết này đều khổ tâm khi nói về nghề của mình. Nhưng đồng thời họ cũng khẳng định, nghề này sống được và lương thiện. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi đặt tên bài báo của mình như thế. Bằng cách này chúng tôi hy vọng mọi người không nhìn họ bằng ánh mắt dè bỉu, hay thương xót. Họ muốn được đối xử bình thường như những người lao động của các nghề khác.
Rong ruổi
Mấy ngày gần đây, người dân thành phố Quy Nhơn đi qua đoạn ao cá Bác Hồ thường bắt gặp hình ảnh một chiếc xe đạp cũ kỹ dựng cạnh cột cây số, trước giỏ xe là chai nước móp méo, sau ba ga xe thồ mấy bao “gì đó”. Cạnh xe lại thấy một bao “gì đó” để lửng. Chốc chốc lại thấy một người phụ nữ áo dài tay, khẩu trang bịt kín mít, vai cũng đeo bao gì đó nặng nặng ra đổ vào bao lửng kia. Đó là một người… lượm phân.
Người phụ nữ này quê ở Phước Lộc (Tuy Phước). Chị kể trước đây chị chỉ đi bộ lượm phân bò khô ở mấy gò bãi gần nhà nhưng nay nhiều người lượm quá nên chị đạp xe vô đây tìm “đất mới”. “Nghe nói ở đâu có người chận (chăn) bò nhiều là tui tới!”, chị bảo rồi hồ hởi kể: “Hôm đầu tiên vào đây tui lượm được tới 15 bao lận, nay còn chỉ cỡ 7, 8 bao thôi. Nếu không có ai tới “chia phần” thì kiếm cũng được!”. Tôi nhẩm tính, mỗi bao chị bán được 12 ngàn đồng, vị chi mỗi ngày chị kiếm cũng được cả trăm ngàn. Chị vui là phải!
Còn ở xã Cát Hanh (Phù Cát), nhắc đến người lượm phân “chuyên nghiệp” phải kể đến bà Võ Thị Thành ở thôn Khánh Lộc. Làm ruộng chẳng dư dả gì, xung quanh bà con chòm xóm làm thêm bằng nghề buôn bán hay làm công nhân thời vụ cho mấy xưởng gỗ, xưởng cá. Còn bà, mắt mũi lem nhem không làm nghề như người ta được nên khi có người mua phân bà bắt đầu đi lượm, tính ra đã 8 năm. Ngay từ mùng 3 tết, nếu trời nắng ráo, phân bò khô là bà bắt đầu đi lượm cho đến khi hết vụ bón lót cà phê (khoảng tháng 7 âm lịch). Biết bao gốc cây cà phê ở Tây Nguyên đã xanh tốt nhờ phân bò từ tay bà thu lượm.
|
Cuối ngày, những bao phân được chở về các đại lý.
|
Từ tết đến nay, sáng nào bà cũng dậy thật sớm, đi dọc sông La Tinh, đến mấy bãi bồi trẻ con hay thả trâu bò. Bà sang tận mấy xã phía Phù Mỹ, leo lên mấy đồi núi theo dấu chân bò để gom phân. “Đi mấy chỗ xa thì có nhiều nhưng mang về thì khổ lắm! Tui may có ông chồng còn khoẻ vác mấy bao phân qua được sông, xuống được núi rồi chở về chứ một mình tui thì chịu chết!”. Ông Lần, chồng bà ngồi cạnh nghe nói thế góp thêm: “Tui nay 65 tuổi rồi, sức khoẻ xuống nhanh lắm. Hôm nay phải nghỉ ở nhà đây!”. Nói rồi ông chỉ nong thuốc nam phơi trong sân: “Của bà vợ tui hái khi lên núi lượm phân đó!”
Với người đi lượm phân, sợ nhất là trời mưa. Mưa nghĩa là phân không khô nhanh, là thành quả mang về thấm nước thêm nặng, thêm vất vả và thêm cả… mùi hôi.
Của bỏ thành… của tiền
Suốt đoạn đường liên xã từ bến xe Phù Cát cũ đến xã Cát Tiến, cứ vài đoạn lại thấy có một điểm thu mua phân bò. Bạn cũng có thể nhìn thấy điều này trên quốc lộ 19 đoạn đi qua xã Bình Nghi (Tây Sơn). Chẳng cần biển hiệu, chỉ cần một bãi đất trống rộng rãi để có chỗ phơi phân và không làm ảnh hưởng vệ sinh đến hàng xóm là có thể trở thành “đại lý”.
Chị Đỗ Thị Hồng Hoa ở thôn Hưng Mỹ 1 (Cát Hưng, Phù Cát) – người đã hơn 5 năm làm đại lý phân bò, cho biết: “Năm nay phân được giá nhất, hơn 10 ngàn đồng 1 bao, trước kia chỉ được khoảng 2 ngàn đồng. Trước họ chỉ mua phân bò khô lượm bên ngoài, nay mua cả phân trâu vốn bị chê là ít “chất” và phân ủ trong chuồng có thêm chất độn họ cũng mua. Vậy nên nhiều gia đình khi kẹt tiền thay vì bán lúa như trước kia nay có thể xúc phân trong trong chuồng đi bán. Sau khi cầm 50 ngàn từ tiền bán phân chuồng, chị Nguyễn Thị Đức (ở gần nhà chị Hoa) bảo, nếu phân này không bán thì để cũng “ôhoábùn” thôi vì phân chuồng chỉ được dùng bón lót một lần trước khi sạ ở mỗi vụ lúa. Còn các công đoạn khác không dùng được. Nhưng với Tây Nguyên thì khác, nông dân Tây Nguyên cần rất nhiều phân gia súc để giữ gìn độ màu của đất và họ sử dụng quanh năm.
|
Bà Võ Thị Thành – Nhặt phân gia súc là một nghề lương thiện, nó cũng như người đi quét rác, làm ruộng vậy thôi.
|
Phân tiêu thụ được nên chỉ cần đem “hàng” đến là được chủ đại lý đưa tiền ngay, người nào quen còn được ứng trước để có “khí thế” hôm sau nhặt tiếp. Chị Hoa tâm sự, có những em học sinh tội lắm, nhà khó khăn nên một buổi đi học, một buổi lượm phân bán để phụ gia đình.
“Ai cũng biết lượm phân là nghề lương thiện nhưng nhiều người vẫn thấy kỳ kỳ này kia, nhất là mấy chị mấy cô còn trẻ. Nhiều người cứ bao tay bịt mặt kín mít dù trời không còn nắng. Bọn tui thu mua cũng lựa người bắt chuyện, người nào không muốn mình biết họ thì mình cũng giả lơ. Có người cẩn thận còn đem phân đi bán ở xa hàng mấy cây số dù ở đó giá cũng vậy.”, chị Hoa thủ thỉ khi tôi hỏi chuyện về những vệ tinh bán hàng cho chị.
Theo ông Nguyễn Hữu Thông, cán bộ văn phòng UBND xã Cát Hưng sở dĩ xã này nhộn nhịp mua bán phân nhất vùng vì nơi đây có nhiều bò thả rong nhất. Tuy số gia súc thả (trâu, bò, dê) rong của xã chưa tới 2.500 con, không nhiều hơn các địa phương khác nhưng là một xã miền núi, nhiều sườn đồi, gò bãi nên trâu bò ở các xã lân cận dồn về đông đúc. Người lượm phân cũng từ các vùng lân cận cũng kéo nhau về để kiếm tiền. “Trước đây, bà con chỉ sử dụng phân chuồng để bón ruộng. Còn phân rơi vãi ngoài đường không ai thu gom, chỉ để tự nhiên phân huỷ rất phí. Giờ chất thải có giá nên bà con cũng có thêm thu nhập lúc nông nhàn mà gò bãi cũng sạch sẽ hơn!”, ông Thông vui vẻ nói.
|