Làng rau ven sông Côn
10:32', 11/3/ 2009 (GMT+7)

Nghề trồng rau ở Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) đã có từ rất lâu đời, khi người nông dân “phát hiện” ra mình được sở hữu những mảnh đất vườn, đất soi tơi xốp, màu mỡ ven sông Côn. Người trồng rau ở Thuận Nghĩa ngày càng biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để nâng cao giá trị sản phẩm của mình.

 

Làm đất, chuẩn bị cho vụ rau mới. Ảnh: Q.H - N.S

 

* Mùa nào thức nấy

Khối Thuận Nghĩa có 62 ha đất trồng lúa hai vụ và 37,7ha đất trồng rau màu, gồm đất vườn và đất soi. Nằm bên dòng sông Côn, Thuận Nghĩa may mắn hưởng trọn những đặc ân mà sông mang đến cho người, đó là phù sa màu mỡ và mạch ngầm các dòng chảy dồi dào, kể cả vào mùa khô hạn. Mùa hè, nước vẫn tuôn trào từ các giếng khoan để tưới mát cho rau màu. Vì thế, ở Thuận Nghĩa, mùa nào các vườn rau cũng xanh.

Vụ Đông Xuân năm nay, bà con ở đây đã xuống giống trồng 17,7 ha rau cải, khổ qua, dưa leo và 20 ha đậu phụng. Thời tiết cuối năm “đỏng đảnh”, mưa nhiều, cây rau đã không đem lại hiệu quả như mong muốn. Cuối vụ, bà con lại chuyển sang trồng 5 ha rau muống. Trúng đậm! Rau vừa được mùa được giá, một sào (khoảng 500m2) cho thu nhập 2,5 đến 3 triệu đồng.

Chuyện được mùa, mất mùa không chỉ ở làng rau. Nhưng, vụ này bù vụ kia, cây rau vẫn là cây trồng chủ lực, là nghề chính của người Thuận Nghĩa. Mùa nào thức ấy. Hết Đông Xuân thì đến Hè Thu. Hiện nay, nhiều bà con đang làm đất để trồng hành. Theo bà con ở Thuận Nghĩa, cây hành hiện vẫn là cây chủ lực của vụ Hè Thu bởi giá trị kinh tế ổn định của nó. Hai giống hành được trồng nhiều là hành hương và hành giống của Trung Quốc. Hành giống Trung Quốc lá cứng, phiến lá dày, dễ vận chuyển đi đường xa và bán được dài ngày hơn, nhưng không được thị trường chuộng bằng hành hương. Mỗi vụ hành, từ khi xuống giống đến thu hoạch, chỉ mất khoảng 35 đến 40 ngày. Cuối vụ ba vừa rồi, bà con đã trồng 7- 8 ha hành hương, có ngày xuất đến 10 tấn hành củ và lá đi khắp các thị trường Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và cả TP Hồ Chí Minh. Thời điểm giá cao, hành hương cho thu nhập đến 10.000 đồng/kg.

Trong số 264 hộ chuyên làm nông nghiệp ở Thuận Nghĩa, có khoảng 200 hộ trồng rau. Những người trồng rau nhiều như hộ ông Nguyễn Phố, ông Lê Văn Bây, Nguyễn Thanh Giang… có thu nhập khoảng 40- 50 triệu đồng/năm. Những hộ trồng ít hơn cũng có thu nhập từ 15- 20 triệu đồng/năm. Và dù ít hay nhiều thì người làm rau vẫn có điểm thuận lợi hơn người trồng các loại cây khác là có thu nhập thường xuyên hàng ngày.

* Hướng đến vùng rau sạch

Đất trồng rau ở Thuận Nghĩa không nhiều và còn manh mún. Tính ra, mỗi nhân khẩu được 270m2 đất màu và 450m2 đất ruộng. Bởi vậy, để tạo thu nhập cao từ cây rau, người Thuận Nghĩa trồng rau chuyên canh và hướng đến những giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt. Những giống rau địa phương trước đây giờ đã nhường chỗ cho những giống mới cao sản. Ông Đặng Thiếu Hùng, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa, cho biết: “Bà con trồng rau ở đây rất quan tâm đến các chương trình khuyến nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ năm 2004, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai kỹ thuật trồng rau phủ bạt, làm nhà lưới, đưa giống dưa leo HAPPY 14… cùng với mô hình “Cánh đồng 50 triệu/ha” đến với nông dân”.

Ở làng rau Thuận Nghĩa, ông Nguyễn Phố được biết đến như là người đầu tiên trồng giống dưa leo cao sản HAPPY 14 thành công. Giống dưa này và mô hình một vụ dưa, hai vụ hành, một vụ khổ qua/năm đã cho ông thu nhập hơn 150 triệu đồng/ha/năm. Từ đó đến nay, những giống rau cao sản cũng như những mô hình trồng rau theo các phương pháp kỹ thuật mới đã được áp dụng đại trà trên khắp các cánh đồng Thuận Nghĩa.

Cuối năm 2008, bà con trồng rau ở Thuận Nghĩa lại được Sở NN&PTNT tập huấn và thử nghiệm mô hình trồng rau sạch cho 10 hộ ở xóm 2 với diện tích1 ha. Ông Quách Văn Cầu, một trong số các hộ tham gia mô hình này, nhận xét: “Tôi trồng 1 sào é quế theo mô hình rau sạch, lượng phân, thuốc giảm được 1/3 nhưng rau vẫn đẹp và bán được giá”. Ông Cầu cho biết thêm, bây giờ, tuy mô hình trồng rau sạch chưa được triển khai một cách đại trà, nhưng nhiều bà con nông dân ở Thuận Nghĩa đã ý thức được việc sử dụng đúng cách, đúng liều lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật, cũng như chuyển sang dùng các loại thuốc trừ sâu vi sinh để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa giảm chi phí sản xuất.

Khi trồng rau cho thu nhập gấp ba lần trồng lúa và vùng đất ven sông này vẫn hào hiệp với người làm rau, thì khát vọng làm giàu từ rau vẫn đang cháy bỏng trong rất nhiều người dân nơi đây. Hỏi chuyện đã có ai ở làng rau mua được ô tô chưa, ông Quách Văn Cầu lắc đầu, nhưng nói thêm, rằng bây giờ ông chỉ có 6 sào đất rau, chứ nếu được 1 ha ông cũng dư sức làm và khi đó mua ô tô sẽ không khó. 

Bây giờ, bà con trồng rau ở Thuận Nghĩa đang chuẩn bị đất để gieo trồng những vụ rau mới. Chỉ khoảng một đến hai tháng nữa, các vườn rau ở đây sẽ lại xanh tươi, mướt mát…

  • Q.Hoa - N.Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
BIDV hỗ trợ 1 tỉ đồng xây dựng nhà cho người nghèo  (11/03/2009)
Bắt đầu thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2009  (11/03/2009)
Cảnh giác với những kẻ lừa đảo giả danh cán bộ Nhà nước để kích động khiếu kiện  (11/03/2009)
2 phòng khám tư nhân đầu tiên triển khai khám chữa bệnh BHYT  (11/03/2009)
Thông qua phương án thiết kế xây dựng Làng trẻ em SOS Quy Nhơn  (11/03/2009)
Trường Mầm non Hoa Hồng đạt chuẩn Quốc gia  (10/03/2009)
“Nhà nhà học tập, người người học tập”  (10/03/2009)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng làm việc tại tỉnh ta  (10/03/2009)
Hội thảo triển khai Chương trình học bổng IFP tại Bình Định  (09/03/2009)
Nghề… nhặt phân gia súc  (09/03/2009)
Nhiều quy định mới  (09/03/2009)
Tiếp sức đến trường   (08/03/2009)
Khai trương hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động   (08/03/2009)
Tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3   (08/03/2009)
Phụ nữ làm theo gương Bác   (08/03/2009)