Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lao động ở các vùng nông thôn vốn sống nhờ vào hoạt động của các khu, cụm công nghiệp giờ đang chới với vì mất việc. Tuy nhiên, bằng sự năng động, họ đã không cam chịu ăn không ngồi rồi, mà quay về xoay xở với đồng đất.
|
Công nhân đang làm việc tại một doanh nghiệp chế biến gỗ ở Cụm công nghiệp Nhơn Hòa. Ảnh: N.P
|
* Thất nghiệp ở nhà máy...
Trước đây, lao động ở các vùng nông thôn trên địa bàn huyện An Nhơn chỉ biết sống bám vào thửa ruộng, khoảnh vườn. Từ năm 2000 đến nay, sau khi UBND huyện An Nhơn đầu tư hơn 80 tỉ đồng để xây dựng các cụm công nghiệp: Gò Đá Trắng (thị trấn Đập Đá), Nhơn Hòa (xã Nhơn Hòa), Thanh Liêm (xã Nhơn Phong)… đã giúp hàng chục ngàn lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định.
Ông Phạm Xuân Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa, cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 34 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực: sản xuất đá xây dựng, gỗ xuất khẩu, thu hút gần 7.000 lao động trong và ngoài xã. Các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều chính sách thiết thực nên đã lôi kéo được lực lượng lao động từ khắp nơi đến làm việc”.
Theo thống kê của UBND xã Nhơn Hòa, toàn xã có 4.720 lao động nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 60 và 4.815 lao động nữ trong độ tuổi từ 18 đến 55. Từ khi hình thành cụm công nghiệp, hầu hết lực lượng lao động này đều kiếm được việc làm ổn định, có thu nhập khá. Ông Phạm Xuân Đào cho biết thêm: “Hầu hết các cặp vợ chồng ở Nhơn Hòa trong độ tuổi từ 25 đến 40 đều đi làm trong cụm công nghiệp. Nếu tính cả tiền làm thêm ca, mỗi lao động có thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, thời gian qua, các hộ gia đình trẻ đều nhanh chóng tách hộ, xây dựng nhà cửa khang trang và tiện nghi”.
Từ thực tế đó, nhiều hộ ở các thôn: Tân Hòa, Huỳnh Kim, Phú Sơn đã cho thuê tất cả diện tích đất nông nghiệp; còn lao động trong các hộ gia đình đều vào làm trong cụm công nghiệp. Ông Lê Văn Ba, ở thôn Phú Sơn, cho biết: “Nhà tôi có 3 sào ruộng cho bà con trong thôn thuê, mỗi năm nhận được 300 kg lúa; còn mấy đứa con đã vào làm trong các nhà máy. Nhờ đó, mấy năm nay, gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn”.
|
Công nhân mất việc đến Vân Canh thuê đất trồng dưa hấu. Ảnh: V.Đ.T
|
* ... tìm việc ở đồng ruộng
Theo ông Phạm Xuân Đào, mọi năm, mùng 4 Tết là lao động trong xã đã đồng loạt đi đến nhà máy. Thế nhưng năm nay, đến rằm tháng hai âm lịch rồi mà công nhân vẫn phải nằm nhà chờ việc. Nhiều công nhân không cam chịu cảnh ăn không ngồi rồi, đã đi thuê lại đất ở địa phương khác để trồng dưa hấu. Vậy mà trúng, năm nay dưa hấu được mùa, được giá, ai cũng phấn khởi.
Ông Trần Anh Hùng, một trong số công nhân gỗ ở Cụm công nghiệp Nhơn Hòa bị mất việc từ sau Tết đã lặn lội lên Vân Canh thuê đất trồng dưa hấu, cho biết: “Hiện những công nhân mất việc ở Nhơn Hòa lên Vân Canh thuê hơn 10 ha đất trồng dưa hấu. Không chỉ tạo việc làm cho bản thân, chúng tôi còn giải quyết được cho hàng trăm lao động ở huyện Vân Canh làm dưa, với mức tiền công 60.000 đồng/công lao động nữ và 70.000 đồng/công lao động nam. Không còn việc ở các nhà máy công nghiệp, công nhân chúng tôi đành quay lại với đồng đất để mưu sinh”.
|