Tự học trong lĩnh vực công nghệ thông tin
10:1', 12/3/ 2009 (GMT+7)

Ngày nay, công nghệ thông tin (CNTT) là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Guồng quay của cuộc sống số nhanh đến chóng mặt với sự phát triển liên tục, đòi hỏi những người tiếp cận lĩnh vực này phải không ngừng trau dồi kiến thức chuyên ngành.

 

Tháo, ráp linh kiện máy vi tính thường xuyên cũng là một cách tự học hiệu quả. Ảnh: Thiên Trúc

 

* Mối tương quan giữa tự học và học ở trường lớp

Trong bất kỳ ngành nghề nào, thành công luôn đi liền với việc tìm tòi, tự nghiên cứu. Song, còn khá nhiều thứ không thể có được bằng việc tự học. Đó là sự tương tác giữa giảng viên - học viên, giữa những người cùng học, những kỹ năng làm việc (thao tác nhóm, thuyết trình…), môi trường văn hóa mang tính giáo dục, hướng nghiệp, là sự hỗ trợ nhiều mặt (thư viện, giải đáp, việc làm…).

Những điều nêu trên có thể vấp phải những ý kiến nghi ngờ, nhưng nếu được đi học ở một nơi đào tạo nghiêm túc và chuyên nghiệp, giá trị nhận được không phải chỉ là kiến thức lý thuyết mà còn rất nhiều thứ vô hình khác. Việc đi học sẽ đảm bảo một kiến thức đúng, đủ; và nhờ nền tảng kiến thức vững chắc lúc ban đầu sẽ giúp chúng ta dễ dàng tự học hơn về sau, nhất là khi cần cập nhật tri thức mới.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ định chuyện tự học. Ngược lại, tự học là một phần không thể thiếu trong quá trình đi học, cũng là một phần phải có trong quá trình làm việc, cập nhật. Bàn về chuyện tự học trong lĩnh vực CNTT, thạc sĩ Phùng Văn Minh (giảng viên khoa Tin học - Đại học Quy Nhơn) cho rằng: “Trừ những trường hợp được tư vấn cụ thể, người học nên khởi đầu việc học bằng cách đến trường, dù chỉ là một khóa ngắn. Khi đã có định hướng và kỹ năng cần thiết, bạn có thể chọn phương pháp học phù hợp với mục tiêu, hoàn cảnh của riêng cá nhân mình. Nhưng dù thế nào, bạn cũng sẽ phải tự học rất nhiều, nếu muốn có chỗ đứng trong ngành CNTT ngày nay”.

Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm đào tạo tin học trong tỉnh đều giảng dạy theo phương pháp hướng dẫn cách học và đòi hỏi sinh viên, học viên phải nỗ lực hơn nữa trong việc tự nghiên cứu. Nếu chỉ đầu tư thời gian đến lớp thì không đủ để hấp thụ lượng tri thức theo yêu cầu của chương trình. Khi kiến thức và kỹ năng đã đạt đến một mức nào đó, càng về sau “hàm lượng tự học” sẽ càng tăng.

* Tự học như thế nào?

Tự học trong CNTT là một yếu tố quan trọng, góp phần cấu thành chuỗi kiến thức cho người học. Có nhiều phương thức tự tìm tòi và học tập, đơn giản và sơ khai nhất là học từ sách báo, tạp chí và Internet. Thông thường, các loại báo và tạp chí CNTT là những “cẩm nang”, trình bày những thủ thuật dạng “mì ăn liền”, rất hữu ích đối với những người có ít thời gian và cần thực hành ngay lập tức. Hiện nay một số báo chuyên về CNTT như E-Chip, Làm bạn với máy vi tính, Computer Fan, PC World… có đầy đủ các chuyên mục cần thiết, trình bày ngắn gọn và đào sâu vào tính thực tiễn.

Ngoài đọc báo, học trên Internet cũng là một cách khai thác thường thấy. Cái lợi của việc học trên Internet là tìm kiếm nhanh chóng và đầy đủ, nhưng bản thân nó cũng chứa đựng không ít những điều bất cập. Giải thích về vấn đề này, anh Trương Đình Lộc (Công ty TNHH Viễn Tin) cho biết: “Khi tìm một thông tin trên Net, kết quả trả về có rất nhiều, nếu không có sự định hướng và tập trung, người đọc sẽ lạc vào một “ma trận” thông tin vì mỗi website trình bày một kiểu. Chưa kể đến những trang web chứa mã độc hại, được che lấp dưới dạng thông tin để phá máy tính người xem”.

Theo những người có kinh nghiệm lâu năm tiếp xúc với phần cứng, cách hữu hiệu nhất khi tự học trong lĩnh vực này chính là… khám phá. Thực tế chứng minh rằng, muốn hiểu nhanh, biết nhiều thì không cách nào hay hơn là… phá máy. Tháo ráp linh kiện thường xuyên, thậm chí cắm thiết bị nhầm khe hay nối nhầm dây, tỉ lệ rủi ro cháy nổ linh kiện là có thể xảy ra, nhưng cái được chính là kiến thức và kinh nghiệm. Càng thử nghiệm nhiều bao nhiêu, thì cơ hội thông suốt vấn đề càng tốt bấy nhiêu. Với phần mềm, tự học xoay quanh việc nắm rõ cấu trúc dữ liệu, hướng đối tượng, các kiểu dữ liệu và thuật toán, sau đó học về phân tích thiết kế hệ thống, ngoài ra cần thông thạo các ngôn ngữ lập trình cơ bản như Visual Basic, C, Java, PHP, ASP…

Hiện nay, kiến thức CNTT thay đổi và cập nhật liên tục hàng ngày, việc tự học lại càng cần thiết.

  • Thiên Trúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công nhân quay về đồng ruộng  (12/03/2009)
Sẽ mở lớp đào tạo bằng FC cho lái xe container  (12/03/2009)
Thêm cơ hội chọn lựa cho người bệnh  (12/03/2009)
Làng rau ven sông Côn  (11/03/2009)
BIDV hỗ trợ 1 tỉ đồng xây dựng nhà cho người nghèo  (11/03/2009)
Bắt đầu thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2009  (11/03/2009)
Cảnh giác với những kẻ lừa đảo giả danh cán bộ Nhà nước để kích động khiếu kiện  (11/03/2009)
2 phòng khám tư nhân đầu tiên triển khai khám chữa bệnh BHYT  (11/03/2009)
Thông qua phương án thiết kế xây dựng Làng trẻ em SOS Quy Nhơn  (11/03/2009)
Trường Mầm non Hoa Hồng đạt chuẩn Quốc gia  (10/03/2009)
“Nhà nhà học tập, người người học tập”  (10/03/2009)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng làm việc tại tỉnh ta  (10/03/2009)
Hội thảo triển khai Chương trình học bổng IFP tại Bình Định  (09/03/2009)
Nghề… nhặt phân gia súc  (09/03/2009)
Nhiều quy định mới  (09/03/2009)