Từ năm học 2007-2008, Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn đã bắt đầu đào tạo trung cấp nghề hệ ba năm rưỡi dành cho những học sinh (HS) chọn lối rẽ vào đời sau tốt nghiệp bậc THCS. Học theo hình thức này, HS sẽ vừa được đào tạo văn hóa trình độ bổ túc THPT, vừa được đào tạo nghề hệ trung cấp.
|
Học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS đang là sự lựa chọn của nhiều HS. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Ngọc Quỳnh
|
* Đi tắt
Năm 2007, Nguyễn Tấn Hậu, HS lớp 9 Trường THCS Đống Đa (Quy Nhơn), tốt nghiệp bậc THCS. Em không thi vào lớp 10 mà chọn học nghề. Hậu cho biết: “Tôi thường nghe thông tin từ các chương trình tư vấn mùa thi, thấy các anh chị chọn con đường thi ĐH,CĐ có đến 80% là thi rớt. Thấy sức học của mình chỉ ở mức độ trung bình, nên tôi đã quyết định… “rẽ ngang” vào trung cấp nghề ở Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn”. Đến nay, sau một năm rưỡi học bổ túc văn hóa bậc THPT, Hậu đã được chuyển sang học nghề hàn. “Tôi cảm thấy mình có năng khiếu trong nghề này nên rất thích học. Hơn nữa, nghề hàn thị trường đang có nhu cầu lớn, ra trường tôi sẽ có việc làm ngay” - Hậu tâm sự.
Hồ Văn Hiến, quê ở Nghệ An, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Đang học lớp 10, Hiến phải bỏ học để vào Quy Nhơn làm công nhân gỗ. Đi học trung cấp nghề được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, học phí lại thấp, nên Hiến “đầu quân” vào Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn. Hiến nói: “Tôi thấy nhiều anh, chị tốt nghiệp đại học ra trường vẫn phải làm trái nghề hoặc không xin được việc làm. Làm nghề tuy vất vả nhưng dễ tìm việc làm. Vả lại, tôi vẫn có thể tiếp tục học liên thông lên cao đẳng, đại học khi có điều kiện”.
NGƯT Nguyễn Thị Bích Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn, cho biết: “Từ năm học 2007-2008, Trường bắt đầu tuyển HS tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề hệ ba năm rưỡi. Trong một năm rưỡi đầu tiên, HS được học 4 môn (Văn, Toán, Lý, Hóa) để có trình độ văn hóa THPT, sau đó sẽ được học nghề”.
* Phân luồng HS THCS
Những HS tham gia học trung cấp nghề hệ ba năm rưỡi phần lớn đều tốt nghiệp lớp 9, nhưng chưa đủ điều kiện vào lớp 10, song cũng có nhiều em chủ động “đi tắt”. NGƯT Bích Hường cho biết: “Khó khăn trong đào tạo hệ này là phần lớn HS có học lực yếu nên không thích học văn hóa. Bởi vậy, HS bị rơi rụng nhiều ngay từ giai đoạn học văn hóa, chuyển sang học nghề các em thích học hơn”.
Đến nay, số HS khóa đầu tiên (7 lớp) còn 294 HS; khóa 2 tuyển 456 HS cho 9 lớp. HS khóa 1 đã hoàn thành xong chương trình văn hóa và chuyển sang học nghề: Điện công nghiệp (45 HS), Điện dân dụng (37 HS); Điện tử công nghiệp (23 HS); Cắt gọt kim loại (42 HS); Hàn công nghệ cao (47 HS); Công nghệ ô tô (54 HS); Sửa chữa lắp ráp máy tính (24 HS) và Kế toán doanh nghiệp (22 HS).
Mở hệ trung cấp nghề ba năm rưỡi, Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn còn gặp khó khăn vì trình độ “đầu vào” của HS thấp. Tuy nhiên, dạy nghề ngay sau khi HS tốt nghiệp THCS là để tạo điều kiện phân luồng HS; giúp cho những HS không tiếp tục học lên bậc THPT có một con đường để tiếp cận với nghề nghiệp, việc làm phù hợp. NGƯT Bích Hường cho biết: “Ưu điểm của hệ đào tạo này là có thể học văn hóa đồng thời với học nghề. Học trung cấp nghề, nếu HS có khả năng và đủ điều kiện vẫn có thể tiếp tục học liên thông lên cao đẳng nghề hoặc thi vào các trường đại học (khối A)”.
Hiện nay, công tác phổ cập bậc trung học yêu cầu xã, phường, thị trấn phải huy động được 95% trở lên số đối tượng đã tốt nghiệp THCS vào học THPT, bổ túc THPT, TCCN và DN, trong đó ít nhất 15% vào học các trường dạy nghề và 15% trở lên vào học các trường TCCN. Đây là chỉ tiêu rất khó thực hiện và đang là vướng mắc lớn nhất đối với công tác phổ cập giáo dục bậc trung học ở tỉnh ta hiện nay (hầu hết các huyện, thành phố tỉ lệ HS đi học nghề còn ở mức trên, dưới 1%). Bởi vậy, đào tạo trung cấp nghề hệ ba năm rưỡi sẽ là một hướng mở cho công tác phổ cập giáo dục bậc trung học.
HS thuộc các đối tượng chính sách - xã hội, người dân tộc thiểu số theo học tại các cơ sở dạy nghề công lập thuộc tỉnh quản lý: cao đẳng được hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng; trung cấp được hỗ trợ 200 ngàn đồng/tháng; các đối tượng khác được hỗ trợ 100 ngàn đồng/tháng. Người có hộ khẩu thường trú tại Bình Định đang học tại các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh được tỉnh hỗ trợ thêm 100 ngàn đồng/tháng; nếu có kết quả học tập và rèn luyện đạt loại xuất sắc được thưởng thêm 100 ngàn đồng/tháng, giỏi được thưởng thêm 50.000 đồng/tháng, khá được thưởng thêm 30.000 đồng/tháng. Đối với HS học sơ cấp nghề được trợ cấp 150 ngàn đồng/tháng. HS học nghề ngoài việc được hưởng chính sách theo quy định, còn được tỉnh trợ cấp khuyến khích học nghề nặng nhọc, nghề độc hại, nghề nguy hiểm, nghề truyền thống với mức trợ cấp thêm là 70.000 đồng/tháng.
(nguồn: Quyết định số 123/QĐ-UBND của UBND tỉnh) | |