Mới đây, Sở GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo Đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kiến thức học sinh (HS) để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Hội thảo đã đúc kết: phải tạo động lực đổi mới cho giáo viên (GV); hoạt động kiểm tra, đánh giá chỉ có thể thành công khi GV có động lực hành động bằng tình cảm và tinh thần trách nhiệm đối với HS, đối với nghề dạy học.
|
Muốn đổi mới phương pháp dạy học, phải đổi mới từ khâu kiểm tra, đánh giá kiến thức học sinh. Ảnh: Ngọc Quỳnh
|
* Bất cập trong kiểm tra, đánh giá
Đại diện Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho rằng: Một trong những đổi mới của việc kiểm tra, đánh giá là hình thức trắc nghiệm khách quan được áp dụng rộng rãi. Nhưng do GV chưa được đào tạo một cách bài bản khâu biên soạn đề, nên chất lượng đề kiểm tra trắc nghiệm chưa đạt yêu cầu. Mặt khác, đặc thù của các môn khoa học xã hội rất khó biên soạn những câu hỏi yêu cầu HS phải vận dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá. Chẳng hạn, với truyện ngắn “Rừng xà nu”, để kiểm tra kiến thức học sinh, có câu hỏi như sau: “Câu nói: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo! là câu nói của ai, trong truyện ngắn nào?” A: ông Tám Xẻo Đước trong tác phẩm “Đất”; B: Chú Năm trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình”; C: Cụ Mết trong tác phẩm “Rừng xà nu”; D: Nhân vật “tôi” trong hồi ký “Những ngày đầu của nước Việt Nam mới”. GV Trường Lê Quý Đôn kết luận: “Với câu hỏi trên thì phát triển gì về nhận thức và cảm xúc cũng như rèn luyện thái độ, kỹ năng gì cho người học?”.
Cô Lê Thị Xuân Hoa, GV môn Lịch sử, Trường THCS Phước Thắng (Tuy Phước), lại cho rằng: “Đa số GV các trường THCS vẫn còn quan niệm việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS là việc của GV, chỉ có GV mới có khả năng và có quyền kiểm tra, đánh giá. Một số GV nhận thức không đúng ý nghĩa, tác dụng của việc kiểm tra, đánh giá nên tiến hành nhiều hình thức kiểm tra quá chặt chẽ, nghiêm khắc làm cho HS lo sợ, tìm cách đối phó hoặc có những biểu hiện gian lận. Từ đó, dẫn đến tình trạng HS học tập thụ động, thiếu tự tin, thiếu chủ động sáng tạo. Mặt khác, trong suy nghĩ của đa số HS thì, mình là đối tượng bị kiểm tra, làm kiểm tra để lấy điểm, chứ không phải để kiểm định lại quá trình học tập của bản thân. Việc tham gia vào quá trình tự kiểm tra, đánh giá và kiểm tra đánh giá lẫn nhau đối với số đông HS vẫn còn là… mới lạ”.
Đề cập đến những bất cập, cô Nguyễn Thị Bích Liên, GV Địa lý Trường THCS Mỹ Hiệp (Phù Mỹ), cho rằng: Hạn chế của việc kiểm tra, đánh giá hiện nay là chưa phản ánh được thực chất kết quả học tập, năng lực tư duy của HS. Cô Liên cho biết: “Qua một số đề kiểm tra viết, kiểm tra miệng của một số trường trong huyện, tôi thấy hầu hết các câu hỏi chỉ nhằm vào việc kiểm tra trí nhớ HS một cách máy móc. Chỉ có khoảng 10% câu hỏi có đòi hỏi việc vận dụng kiến thức, kỹ năng, nhưng cũng chỉ ở mức độ đơn giản nên không gây được hứng thú cho HS, dẫn đến chất lượng học tập môn Địa lý ở nhiều trường chưa cao, tỉ lệ HS khá, giỏi thấp”.
* Tạo động lực cho GV đổi mới
Kiểm tra, đánh giá là yếu tố quan trọng của quá trình giáo dục. Mục đích của nó là tìm hiểu xem HS đã tiếp nhận kiến thức như thế nào; qua đó, bản thân HS cũng tự đánh giá, kiểm tra và kiểm tra, đánh giá lẫn nhau. Đổi mới kiểm tra, đánh giá là động lực đổi mới phương pháp, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. GV Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho rằng: “Ra đề kiểm tra phải kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận. Tùy từng môn khác nhau mà tỉ lệ giữa trắc nghiệm và tự luận khác nhau. Đối với môn Ngữ văn, phải ra đề theo hình thức tự luận”. Còn cô Bích Liên thì cho rằng: “Căn cứ vào chương trình, SGK và sách GV, các câu hỏi kiểm tra nên xây dựng theo các mức độ nhận thức: tái hiện, thông hiểu, vận dụng. Khi lựa chọn câu hỏi và bài tập để xây dựng đề kiểm tra, cần lưu ý đề phải đúng mục tiêu (đảm bảo cả kiến thức, kỹ năng và thái độ) và thể hiện nhiều chủ đề, nhiều lĩnh vực kiến thức và các mức độ nhận thức của HS…”.
Cách kiểm tra, đánh giá có được đổi mới thì mới đổi mới được phương pháp dạy học. Và đối với vấn đề này, GV cũng phải học để làm cho tốt, cho đúng. Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Để đổi mới kiểm tra, đánh giá, phải tạo được động lực đổi mới cho GV. Muốn vậy, phải có sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp quản lý giáo dục về phương hướng và những việc cần làm một cách thông suốt từ trên xuống dưới, không để GV phải “đơn độc” trong việc đổi mới. Đồng thời, phải có sự hỗ trợ thường xuyên của đồng nghiệp thông qua dự giờ, thăm lớp và cùng rút kinh nghiệm. Một khâu cũng không kém phần quan trọng là cần tổ chức phong trào thi đua và có chính sách khen thưởng nhằm động viên kịp thời, nhân rộng những tấm gương đã tích cực đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kiến thức học sinh thành công và đạt hiệu quả”.
|