Ngày 16.3, tại Khu chứng tích Sơn Mỹ ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, đã diễn ra Lễ Tưởng niệm 504 đồng bào vô tội bị giặc Mỹ sát hại ở Sơn Mỹ cách đây 41 năm (16.3.1968 - 16.3.2009).
Từ sự kiện này, bỗng dưng tôi lại nhớ tới vụ thảm sát Bình An (nay là xã Tây Vinh), huyện Tây Sơn.
Vào tháng 2 năm 1966, nghĩa là trước vụ thảm sát Sơn Mỹ hai năm, điên cuồng sau những thất bại do sự chống trả kiên cường của quân và dân ta tại địa bàn chiến lược Bình An, địch đã tăng cường lực lượng và tổ chức liên tiếp các cuộc hành quân càn quét, chủ yếu do những đơn vị thiện chiến và hung hãn nhất của lính Nam Hàn thực hiện.
Bắt đầu từ ngày 23.1 cho đến ngày 26.2.1966, với khẩu hiệu “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, các đơn vị lính Nam Hàn đã thực hiện một chiến dịch hành quân khủng bố tàn bạo chưa từng có. Tổng cộng có trên 1.000 dân lành bị giết hại, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em.
Trong đó, ngày 26.2 đã đi vào lịch sử Bình An cũng như lịch sử tỉnh Bình Định là một ngày đẫm máu và nước mắt với sự kiện thảm khốc diễn ra tại Gò Dài, thôn An Vinh. Theo “Địa chí Bình Định”, trước khi kết thúc chiến dịch thảm sát kéo dài ba tuần lễ, bọn lính Nam Hàn đã dồn tất cả những người chúng bắt được ở các nơi về đây. Như những con dã thú, chúng đã giết hại 380 người bằng những hành động man rợ nhất. Chúng điên cuồng hãm hiếp phụ nữ rồi giết chết dã man bằng cách dùng lưỡi lê đâm vào cửa mình, chất rơm đốt lửa thiêu sống trẻ em…
Do vậy có thể nói, về quy mô tội ác và số người dân vô tội bị sát hại, Bình An gấp đôi Sơn Mỹ. Đương nhiên, đó chỉ là một cách tính về mặt “cơ học”, còn trước nỗi đau to lớn như thế của đồng bào mình, thì không thể cân đong đo đếm rồi so sánh như vậy được.
Tuy nhiên, điều dễ “so sánh”, dễ nhận ra nhất là trong khi Sơn Mỹ trở thành một địa danh nổi tiếng không chỉ trong nước, trở thành một địa chỉ về nguồn, có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc và mang tầm cỡ quốc tế, thì Bình An vẫn “khiêm tốn”, lặng lẽ như chính tên gọi của nó.
Tôi quê ở Bình An. Trong vụ thảm sát năm đó, nhiều người bà con họ hàng gần xa của tôi đã ngã xuống trước họng súng man rợ của quân thù.
Bởi vậy, mỗi lần về quê, mỗi lần nghĩ tới Bình An, tôi cứ chạnh lòng và day dứt, vì sao mà đến nay Bình An vẫn chưa có một “tầm vóc” như Sơn Mỹ hoặc ít ra cũng phải có một Bảo tàng chứng tích tội ác chiến tranh tại đây?
Vì nếu được như vậy, thì Bình An không chỉ là một địa chỉ đỏ trong các chuyến về nguồn, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này, mà còn thu hút sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình.
Mà như thế, cũng là một cách giúp đỡ thiết thực nhất cho người dân Bình An hôm nay.
Mặt khác, chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, có những điều có thể quên, có thể tạm gác lại, nhưng có những chuyện, vĩnh viễn không quên, như Bình An, như Sơn Mỹ.
|