Từ hai năm nay, ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), có một phân xưởng sản xuất phân compost từ rác thải sinh hoạt, góp phần làm sạch môi trường và tận dụng được nguồn “tài nguyên” rác…
|
Phun chế phẩm EM vào bể rác.
|
* Rác thành phân bón
Đây là Dự án “Quản lý chất thải rắn và sản xuất phân compost dựa vào cộng đồng” do UN ESCAP (Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc) và tổ chức ENDA Việt Nam hỗ trợ kinh phí (36.000 USD) và kỹ thuật nhằm góp phần làm sạch môi trường xung quanh. Dự án này được thực hiện thí điểm tại khu vực 5 phường Nhơn Phú, cho khoảng 600 hộ.
Ông Nguyễn Văn Bùi, Chủ nhiệm HTXNN 1 Nhơn Phú, Phó Ban Quản lý (BQL) trực tiếp điều hành Dự án này cho biết: “Dự án chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4.2007, với không ít khó khăn: phương tiện vận chuyển rác thải không có; công nhân lại xin nghỉ thường xuyên vì không chịu được mùi của rác và mặc cảm về nghề, thu phí rác khó khăn.”
Trước tình hình đó, BQL đề xuất mua ba chiếc xe ba gác máy để vận chuyển rác về nơi xử lý thay cho xe đẩy tay; công nhân, ngoài tiền lương được hưởng thêm khoản thu nhập từ bán phế liệu. Nhờ vậy, mà công nhân gắn bó với công việc hơn và đảm nhiệm luôn việc thu phí rác. “Phải đến giữa năm 2008, tình hình hình sản xuất mới đi vào quy củ” - ông Bùi xác định.
Hiện đội công nhân thu gom rác của Dự án có 6 người, 3 nam và 3 nữ. Nữ chịu trách nhiệm thu gom, phân loại rác; còn nam thì lái xe ba gác, làm những công đoạn nặng nhọc hơn. Một tuần ba lần, từ 2 giờ sáng, họ bắt đầu đi thu gom rác thải sinh hoạt của các hộ, cho đến trước 5 giờ sáng, rồi đưa về tập kết tại phân xưởng sản xuất.
Lúc chúng tôi đến xưởng, khoảng gần 9 giờ sáng, các công nhân đang phân loại rác thải. Chai, lọ, nhôm, nhựa, sắt… đều được nhặt ra. Các loại chất thải hữu cơ được cho vào bể chứa ủ hoai. Ông Nguyễn Hùng Anh, phụ trách kỹ thuật xử lý rác, nói: “Hễ bể rác cao tầm 40cm thì phải phun chế phẩm EM một lần để khử mùi hôi và để rác dễ phân hủy. Trong tuần đầu, nhiệt độ có thể tăng lên 700C giúp cho sản phẩm compost không còn mầm bệnh và cỏ dại. Quá trình compost sẽ diễn ra trong vòng 40 ngày và sau đó, được đưa qua bể ủ chín trong vòng 10 ngày hoặc nửa tháng. Trung bình, mỗi tháng chúng tôi xuất từ 2,5 đến 3 tấn phân compost…”.
|
Người dân trong vùng đến mua phân bón compost. Tuy vậy, vẫn cần phải tuyên truyền hơn nữa về lợi ích của phân compost.
|
* “Lợi đơn lợi kép”
Những công nhân đang làm việc ở xưởng tâm sự rằng, từ ngày có xưởng phân bón, thu nhập của họ được cải thiện. Bình quân mỗi tháng, họ nhận được khoảng hơn một triệu đồng. Ngoài ra, họ cũng có thể dễ dàng đổi ca cho nhau, chồng làm thay vợ hoặc ngược lại mỗi khi bận việc. Ông Nguyễn Hùng Anh tâm sự: “Gần hai năm nay, tôi nuôi con học đại học ở TP Hồ Chí Minh bằng đồng lương này”.
Hiện mỗi tháng, công nhân của phân xưởng thu gom khoảng 144m3 rác thải, góp phần giảm thiểu khối lượng và giảm áp lực rác thải tại bãi rác Long Mỹ của TP Quy Nhơn; đồng thời, tạo thêm nguồn phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Phân compost bán với giá 600-700 đồng/kg, được các công ty cây trồng, chủ trang trại và nông dân quanh vùng có nhu cầu đến mua. Ông Đinh Văn Nam, một nông dân ở khu vực 5 đã sử dụng loại phân này để bón vườn khổ qua, rau cải, nhận xét: “Khổ qua được bón phân compost cho nhiều trái, to quả…”. Còn một số hộ dân quanh vùng lại cho biết: Từ ngày có đội công nhân vệ sinh đến từng nhà gom rác, họ đã không còn thói quen vứt rác bừa bãi như trước kia nữa.
Đến nay, Dự án đã hết giai đoạn được tài trợ kinh phí, chuyển sang tự thu tự chi. Tiền “nuôi” Dự án được lấy từ ba khoản: thu phí rác, bán phế liệu và bán phân compost; nhưng đến nay, BQL vẫn duy trì được hoạt động của xưởng chủ yếu nhờ vào việc thu phí rác thải (khoảng 9,7 triệu đồng/tháng). “Số tiền này đủ trả lương cho công nhân, trang trải một số các loại chi phí phát sinh khác. Tiền bán phân compost dư khoảng chục triệu đồng coi như để dành” - ông Bùi tính toán.
* Và đôi điều băn khoăn…
Mô hình biến rác thải sinh hoạt thành phân bón của phường Nhơn Phú đã có hiệu quả rõ rệt. Chính vì vậy mà đến nay, đã có 18 đoàn khách trong nước và 16 đoàn nước ngoài đến đây tham quan, học hỏi kinh nghiệm. “Khách đến thì vui, song mỗi lần vậy lại phải cố gắng kiếm khoản dôi dư nào từ HTX để bù vào tiền nước non tiếp khách, chứ tiền thu được từ Dự án chúng tôi không dám động đến…” - ông Bùi than thở.
12 thành viên của BQL Dự án cũng đều kiêm nhiệm, không được hưởng lương. Đây cũng là điều ông Bùi trăn trở, bởi theo ông, nếu không có khoản lương dù chỉ là “tượng trưng” để động viên tinh thần, thì không biết sau này các thành viên của BQL còn có thể tích cực được nữa không. Trong khi đó người dân vẫn chưa mặn mà với phân compost. Nên chăng công tác tuyên truyền về lợi ích sử dụng của phân compost cần được tăng cường để sản phẩm này đến được với những vùng chuyên canh rau sạch…
|