Đào tạo liên thông: nhiều trường chưa… “thông”
8:2', 21/3/ 2009 (GMT+7)

Nhu cầu được đào tạo liên thông của học sinh, sinh viên rất lớn, nhưng hầu như các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa triển khai đào tạo liên thông (hệ chính quy) được.

 

Trường Đại học Quy Nhơn đã bắt đầu liên kết đào tạo liên thông với Trường CĐSP Bình Định. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Liên thông hệ tại chức: rộng “cửa”

Đào tạo liên thông, theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, ban hành ngày 13.2.2008, là quá trình đào tạo cho phép sử dụng kết quả học tập đã có của người học để học tiếp ở trình độ cao hơn, cùng ngành nghề hoặc chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác.

Đào tạo liên thông có hai hình thức học: tập trung chính quy để lấy bằng chính quy và vừa học vừa làm lấy bằng tại chức. Từ năm 2001, Trường Đại học Quy Nhơn đã được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo không chính quy (nay gọi là liên thông) các ngành cử nhân sư phạm (Toán, Lý, Hóa, Kỹ thuật Công nghiệp, Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Văn, Sử, Địa, Tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, Tâm lý giáo dục và Giáo dục chính trị) và 8 ngành cử nhân khoa học. Năm 2005, Bộ lại cho phép Trường triển khai đào tạo thêm các ngành Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất và Giáo dục đặc biệt. PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng thường xuyên, Trường Đại học Quy Nhơn, cho biết: “Chỉ tính trong năm học 2007-2008, Trường đã đào tạo liên thông cho 3.810 người theo hình thức vừa học vừa làm”.

Trường Đại học Quy Nhơn cũng đã bắt đầu liên kết đào tạo liên thông với Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định. Năm 2008, đã có 336 học viên khóa đầu tiên tốt nghiệp ra trường từ hình thức liên kết này. Năm 2009, dự kiến có thêm 219 học viên tốt nghiệp.

Bên cạnh liên thông “dọc” ở tất cả các ngành sư phạm được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo chính quy (trừ Giáo dục đặc biệt), Trường Đại học Quy Nhơn còn triển khai đào tạo liên thông “ngang” (đào tạo văn bằng đại học thứ hai) ở các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh và Tin học.

 

Rất nhiều HS, SV tốt nghiệp bậc cao đẳng và TCCN ở Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định có nhu cầu học liên thông lên đại học. Ảnh: N.Q

 

* Liên thông hệ chính quy: còn chờ…

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có bốn trường cao đẳng (Nghề Quy Nhơn, Sư phạm Bình Định, Y tế và Trường Dạy nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Bộ). Đây là những “nguồn” để tổ chức đào tạo liên thông rất lớn. Tuy vậy, dù được Bộ cho phép đào tạo đa ngành từ rất nhiều năm nay, nhưng Trường Đại học Quy Nhơn vẫn chưa đủ sức để đào tạo liên thông ở các ngành kinh tế và công nghệ, bởi đội ngũ giảng viên ở các khoa, ngành này còn “mỏng” và đang “quá tải”. Theo PGS-TS Nguyễn Đức Minh, hiện Trường đang chuẩn bị tổ chức đào tạo liên thông cho các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng…

Hiện nay, việc đào tạo trung cấp chuyên nghiệp do hệ thống các trường thuộc Bộ GD&ĐT đảm nhiệm, do đó, mặc dù đủ “lực”, nhưng Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn vẫn phải liên kết đào tạo các ngành trung cấp chuyên nghiệp với Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng (các ngành Điện Công nghiệp và Dân dụng, Cơ khí chế tạo, Cơ khí ô tô, Công nghệ thông tin, Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp). Những học sinh tốt nghiệp những ngành này, muốn học liên thông lên cao đẳng, phải được Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng tổ chức. Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn chỉ có thể tổ chức đào tạo liên thông đối với hệ đào tạo tại trường. NGƯT Nguyễn Thị Bích Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn, cho biết: “Hiện Trường  đang xin tỉnh cho tổ chức đào tạo liên thông tại trường”.

Theo quy định, chỉ những học sinh đã tốt nghiệp trung cấp nghề sẽ tiếp tục được đào tạo liên thông lên cao đẳng nghề. Bởi vậy, đối với những khóa đào tạo công nhân kỹ thuật trước đây, phải có bước chuyển tiếp ba tháng để lấy bằng trung cấp nghề trước khi muốn liên thông lên cao đẳng, đại học. Hiện nay, Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn đang triển khai bước đào tạo chuyển tiếp để “mở đường” cho đào tạo liên thông.

Còn với Trường Cao đẳng Dạy nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung bộ, ông Nguyễn Trung Tiến, Hiệu trưởng Trường, cho biết: “Trường đang xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với tám ngành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép đào tạo cao đẳng ở Trường...”.

  • Ngọc Quỳnh

Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng hoặc từ cao đẳng lên đại học, người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất một năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển. Liên thông từ trình độ trung cấp lên đại học, người có bằng trung cấp phải có ít nhất ba năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển. Những người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp, phải thi tuyển ba môn gồm: hai môn cơ bản và một môn cơ sở ngành (hoặc thực hành nghề). Đối với những người đã tốt nghiệp cao đẳng, phải tham dự một kỳ thi tuyển hai môn gồm: môn cơ sở ngành (hoặc môn ngoại ngữ tiếng Anh) và một môn của kiến thức ngành.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rộ tin đồn đi nhà thờ… “cầu con” (?!)  (20/03/2009)
Mở website giới thiệu việc làm  (20/03/2009)
Xây dựng Kế hoạch hành động nâng cao sức khỏe vị thành niên và thanh niên  (20/03/2009)
Tỉ lệ hộ nghèo cả tỉnh giảm còn 11,35%  (20/03/2009)
Tai nạn lao động phần lớn do chủ quan mà ra  (19/03/2009)
Mít-tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ  (19/03/2009)
Nơi đó, rác không là đồ phế thải  (18/03/2009)
Từ Sơn Mỹ nghĩ tới Bình An  (18/03/2009)
Khảo sát thực hiện bình đẳng giới và quản lý Quỹ BHXH  (18/03/2009)
Giáo viên phải học  (17/03/2009)
Kết thúc đợt khảo sát việc thực hiện Luật Ngân sách nhà nước  (17/03/2009)
Triển khai nhanh, hiệu quả chương trình phát triển nhà ở xã hội  (16/03/2009)
Phát động Tuần lễ Quốc gia về An toàn Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ  (16/03/2009)
Sẽ đưa vào sử dụng trước 28.8.2010   (15/03/2009)
Nghề “Vua bếp”   (15/03/2009)