Đến nay, ở Bình Định phát hiện ba vùng có nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm Fluor quá mức cho phép. Đó là thôn Hòa Hiệp (Bình Tường, Tây Sơn); xóm Quế Châu thôn Nam Tượng 1 (Nhơn Tân, An Nhơn); xóm 2 thôn Tả Giang 1 (Tây Giang, Tây Sơn). Trong đó, Hòa Hiệp là nơi bị nhiễm lâu đời và nặng nhất, số người bị các bệnh liên quan đến hàm lượng Flour vì thế cũng nhiều nhất…
|
Thế hệ trẻ cũng không tránh khỏi nỗi ám ảnh răng đen. |
* Nhức nhối răng đen
Cả thôn Hòa Hiệp có 730 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu chia thành 6 xóm: Hòa Khánh, Hòa Lộc, Hòa Mỹ, Hòa Thuận, Hòa Hảo và Hòa Bình. Trong đó, Hòa Lộc là xóm có số người bị răng đen nhiều nhất.
Gia đình ông Lê Văn Máy, ở xóm Hòa Khánh, có 7 người thì cả 7 đều bị răng đen. Ông đưa tôi vào nhà, lấy ấm đun nước cho tôi xem. Dưới đáy ấm là một lớp cặn trắng đục, dày gần nửa đốt tay. Ông Máy cho biết: “Khi nấu cơm, gạo còn nguyên màu trắng, nhưng khi cơm chín, nhìn nồi cơm vàng xanh hết muốn ăn. Làm bún thì cọng bún bị đỏ, gãy vụn. Mặc dù liên tục cọ rửa, nhưng phèn vẫn đóng đầy xoong nồi”.
Chị Lê Thị Bích Vân, mới 38 tuổi, nhưng hàm răng đen kịt không khác người ăn trầu nhuộm răng là mấy. Chồng và con trai lớn 15 tuổi của chị cũng bị răng đen. Bà Đỗ Thị Tuyết Hồng có con gái là Lê Thị Lan làm công nhân may ở TP Hồ Chí Minh. Từ khi Lan có người yêu, cô luôn mất tự tin vì hàm răng đen của mình. Lan về khóc lóc, năn nỉ mẹ cho tiền để cà răng. Bà Hồng tâm sự: “Dù biết cà răng tốn kém (cà 16 cái mất 1,6 triệu đồng), lại có hại cho sức khỏe, nhưng tôi vẫn phải cho con làm. Thế hệ chúng tôi đã già, chịu thiệt thòi cũng chẳng sao, các cháu còn trẻ, không nỡ để một phần của “cái gốc con người” xấu xí, làm các cháu mất duyên”.
Đến thăm Trường Tiểu học số 1 Bình Tường, ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó Hiệu trưởng, cho biết: “Trường có 579 học sinh, qua các đợt khám định kỳ, có đến gần 90% bị các bệnh về răng, trong đó chủ yếu là răng bị sún, ố vàng”. Bảo các em cười để chụp ảnh, nhiều em thẹn vì hàm răng xấu, cứ cúi mặt xuống bàn.
Không chỉ bị đen, răng của những người dân Hòa Hiệp còn bị mục, chân răng “lỏng chỏng”. Gặp một toán thợ xây đang làm việc, các anh đùa: “Dân làng mía mà không được ăn mía”.
Và, đáng sợ hơn, khi nhiều người bỗng mắc bệnh khòm lưng. Bà Mai Thị Chúc, ở Hòa Lộc, tuy mới 48 tuổi, nhưng hàm răng chỉ còn loe ngoe vài cái đen kịt. Bà kể: “Cách đây ba năm, tự nhiên tôi thấy chân tê, hai đầu gối rát buốt, khó cử động. Sau đó, lưng cứ khòm dần dần”. Đến giờ, nhìn bà Chúc lụ khụ chẳng khác bà cụ tám mươi. Cả xóm Hòa Lộc có gần 15 người ở độ tuổi trung bình 50 bị bệnh khòm lưng. Ông Nguyễn Thành Năm, xóm trưởng Hòa Lộc, ngồi nhẩm từng tên người: Hồ Thị Tuyết, Nguyễn Thị Lo, Lê Thị Phụng, Nguyễn Thị Tàu, Trần Thị Hiệp, Trần Thị Ao… Nhiều người phải nằm liệt giường vì chân tay teo hết.
* Bao giờ biết cười tươi?
Từ tháng 6 năm 2006, Sở Khoa học Công nghệ Bình Định đã ký hợp đồng với Khoa Môi trường - Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, thực hiện đề tài “Nghiên cứu xử lý tình trạng ô nhiễm Fluorua trong nước ngầm tại các xã Bình Tường, Tây Giang, huyện Tây Sơn và xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định”. Đề tài được tiến hành trong vòng 1 năm (từ tháng 6.2006 đến 6.2007), với mục tiêu là nghiên cứu xử lý Fluorua trong nước sinh hoạt tại ba xã nói trên đạt tiêu chuẩn vệ sinh ăn uống, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Kết quả phân tích các mẫu nước giếng cho thấy, thôn Hòa Hiệp có 100% mẫu phân tích có chỉ tiêu Fluorua vượt xa tiêu chuẩn cho phép. Trong các mẫu nước ngầm, hàm lượng Fluorua đo được là 8mg/l và là nguyên nhân chính khiến nhiều người dân ở các địa phương này có biểu hiện bị các bệnh về răng và xương khớp.
Từ năm 2001 đã có dự án nước sạch nông thôn của tỉnh xây dựng ở Vĩnh An (Tây Sơn) dẫn về Hòa Hiệp và cho xã Bình Tường theo nguyên tắc: từ hệ thống đường ống chung, nhân dân đầu tư đường ống riêng dẫn về từng hộ dùng và trả tiền với mức 3.000 đồng/m3. Các hộ đã có nước sạch chỉ dám dùng để uống và nấu ăn, còn nước sinh hoạt, tắm giặt vẫn dùng ở giếng cũ. Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ bằng cách cho vay mỗi hộ 4 triệu đồng với lãi suất 0,9% để người dân mua ống dẫn nước sạch vào nhà; nhưng đến nay, vẫn còn không ít hộ chưa tiếp cận được với nguồn nước sạch. Nguyên nhân chủ yếu là do nhân dân thu nhập thấp, đời sống khó khăn, quen với tập quán cũ.
Ông Nguyễn Văn Sanh, một người dân Hòa Lộc cho biết, nhiều người không dám vay tiền để kéo đường ống dẫn nước sạch về nhà, bởi họ sợ không có tiền trả. Ở Lộc Trung còn 6, 7 hộ chưa có nước sạch như hộ ông Ba Trí, ông Ba Mới, Bảy Thiên, Hai Thành, Lê Đức Nam… Họ vẫn dùng nguồn nước nhiễm Flour, bởi các bình lọc được cấp trước đây không sử dụng được. Cả xóm Hòa Hảo và một số hộ của xóm Hòa Bình cũng chưa có nước sạch. Mà không riêng gì các hộ dân, đến nay, Trường Tiểu học số 1 Bình Tường vẫn chưa có nước sạch, dù đường ống dẫn nước đã đi qua Trường từ lâu.
Ông Nguyễn Thành Năm bày tỏ: “Dù số người được dùng nước sạch ngày càng nhiều hơn, nhưng cũng phải chờ đến vài năm nữa, khi trẻ em trong xóm thay răng vĩnh viễn mới biết hiệu quả cụ thể của việc đưa nước sạch về với Hòa Hiệp. Người dân vẫn không nguôi hy vọng lớp con cháu của mình sẽ không bị các bệnh do nước nhiễm Flour gây ra nữa”.
|