NHÂN NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BỆNH LAO (24.3)
Nói thẳng những thách thức trong công tác phòng chống lao
8:12', 24/3/ 2009 (GMT+7)

Nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh lao (24.3), P.V Báo Bình Định đã có cuộc “phỏng vấn bàn tròn” với một số bác sĩ công tác tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, quanh những thách thức trong công tác phòng chống lao, nhất là lao kháng thuốc.

 

Chăm sóc bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: T.H

 

P.V: Công tác phòng chống bệnh lao từ rất lâu vẫn luôn đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua; trong đó, có nguyên nhân từ nhận thức và mặc cảm xã hội, từ mạng lưới phòng chống lao còn nhiều bất cập... Là những người có thâm niên trong công tác phòng chống lao, có bao giờ các anh thấy dễ chịu trước những thách thức?

BS. Lê Tuấn Ngọc (Trưởng khoa Bệnh phổi): Từng công tác ở khoa Khám - Chỉ đạo tuyến nhiều năm, và giờ công tác ở khoa Bệnh phổi, tôi luôn trăn trở về chương trình chống lao, lại càng thấm nỗi kinh hoàng và bất lực của người làm công tác này. Theo tôi, có hai thách thức lớn mà những người làm công tác chống lao đang đối mặt. Đó là ít người ủng hộ công tác chống lao và số người say mê cho công việc này lại càng hiếm.

Trong nỗ lực kiểm soát lao, vai trò của chính quyền rất lớn. Ở đây, theo tôi, chính quyền không chỉ là những người làm chính trị thuần túy, mà còn là những quan chức y tế có làm hoặc không làm chuyên môn. Song thử hỏi, có quan chức chính quyền hoặc y tế nào thường xuyên đến thăm bệnh viện lao như thăm các bệnh viện đa khoa chưa? Ngay cả học sinh Trường Cao đẳng Y tế cũng chưa từng có ai một lần xin thực tập tại Bệnh viện Lao. Họ luôn chọn thực tập ở các Bệnh viện Đa khoa, mà trên thực tế là ở đó, họ cũng gặp bệnh lao rất nhiều.

Người ủng hộ đã thiếu, người say mê công tác chống lao lại càng hiếm. Ngày mới về Bệnh viện Lao, tôi thắc mắc rằng, sau uống thuốc bao nhiêu ngày thì người bệnh lao hết khả năng lây bệnh. Và tôi biết câu trả lời là 17 ngày qua một nghiên cứu khoa học nghiêm túc đăng ở tạp chí Thời sự Y Dược học của Hội Y Dược học TP Hồ Chí Minh. Không có công trình nào trong nước nghiên cứu tính ngược từ năm 1998 về thời gian âm hóa đờm này cả, trừ một nghiên cứu của Hoa Kỳ cho biết là 14 ngày. Như vậy, đủ thấy, ở Việt Nam không mấy người say mê nghiên cứu bệnh lao, Bình Định lại càng hiếm.

ThS. Nguyễn Anh Quân (Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến): Tôi đồng ý với bác sĩ Ngọc, công tác phòng chống lao hiện tại đang gặp phải nhiều thách thức. Đội ngũ cán bộ chuyên trách ở tuyến xã và huyện thì phải kiêm nhiệm nhiều chương trình y tế. Thêm vào đó, sự thay đổi nhân sự làm cho công tác chống lao tại địa phương nhiều khi rất lúng túng do cán bộ y tế thay thế phải chờ đào tạo. Ở tuyến tỉnh, tâm lý một số cán bộ không ổn định và chưa yên tâm công tác. Mặt khác, chế độ khám Bảo hiểm Y tế xét trên quy mô toàn ngành y tế thì có nhiều ưu điểm, nhưng với các chuyên khoa lẻ thì ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám phát hiện bệnh lao. Công tác quản lý điều trị theo DOTS còn nhiều khó khăn cả về khách quan lẫn chủ quan, nên công tác chữa bệnh, điều trị, thực sự chưa được giám sát chặt chẽ ở một số địa phương. Công tác báo cáo sổ sách nhiều khi chỉ là đối phó, thiếu chính xác. Công tác xét nghiệm tại một số nơi còn hạn chế về các tiêu chuẩn chuyên môn như kích thước tiêu bản, độ dày, độ mịn... Hệ thống y tế tư nhân chưa phối hợp tốt trong công tác phòng chống lao. Cán bộ chuyên trách lao tuyến trên không có thực quyền đối với sai sót của cán bộ tuyến dưới… Đó thực sự là những thách thức rất khó gỡ.

P.V: Từ năm 1997, Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chống lao Quốc tế đã cảnh báo mọi người dân và chính phủ các nước trước một thảm họa mới của nhân loại đó là tình hình lao đa kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc. Có vẻ như 12 năm qua, đây vẫn còn là một vấn đề khẩn cấp?

BS. Lê Tuấn Ngọc: Một nghiên cứu mới đây cho thấy trong 18.000 mẫu đờm từ 49 nước thu thập trong năm 2003 đến 2007 thì có 20% là kháng nhiều thuốc. Trong số các nước có lao kháng thuốc tràn lan, Mỹ có 4%, Latvia 19% và Hàn Quốc 15%. Ở Việt Nam, dù các con số thống kê cho thấy tỉ lệ mắc lao đa kháng tương đối thấp, nhưng con số cụ thể lại không nhỏ, bởi mấy lý do sau:

Năm 2008, thế giới có 9,2 triệu người mắc lao mới, tương đương tỉ lệ 139/100.000 người, trong đó, có 0,5 triệu người mắc lao kháng đa thuốc; 1,7 triệu người chết do lao, 98% trong số đó sống ở các nước đang phát triển. Việt Nam là một trong bốn nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỉ lệ mắc lao mới cao nhất, sau Trung Quốc, Philippines và Campuchia.

(Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới)

Một là, nhận thức của người bệnh lao và cộng đồng còn quá kém. Cộng đồng thì sợ bệnh lao, còn người bệnh thì mặc cảm. “Tôi không bị lao, tôi chỉ bị nám phổi thôi” - đó là những lời mà cho đến giờ người bệnh lao vẫn hay dùng để “chống chế”. Cả bác sĩ, y tá cũng sợ lao. Hai là, các báo cáo thống kê của mạng lưới chống lao đang “có vấn đề”. Thực sự bao nhiêu phần trăm bệnh nhân lao hoàn thành điều trị (tức là uống đủ và đúng tám tháng thuốc lao), có phải là con số trên 90% như báo cáo hiện nay của chương trình chống lao của tỉnh hay không? Ba là, công tác quản lý thuốc kém cỏi và đầy tội ác. Thuốc kháng sinh hiện được bán khá thoải mái, ai mua thì cứ bán; thậm chí thuốc lao lại bán theo liều (!). Trong số các thuốc kháng sinh bày bán tự do, tôi thấy có các thuốc sau đây có thể dùng để chống lao: ciprofloxacin, ofloxacin, azithromycin, roxithromyxin (dạng uống) hay amikacin (dạng tiêm). Tưởng cũng cần nhắc lại định nghĩa mới về lao kháng thuốc tràn lan là thể lao kháng nhiều thuốc lao cộng với kháng tất cả các thuốc trong nhóm fluoquinolones (ciprofloxacin, ofloxacin) và kháng với ít nhất một trong các thuốc tiêm sau: amikacin, kanamycin và capreomycin. Bên cạnh đó, không khí ô nhiễm ngày càng tăng cũng góp phần gia tăng bệnh lao; các bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải như HIV/AIDS; các bệnh mạn tính không do viêm nhiễm ngày càng tăng như: tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường... làm khả năng miễn dịch suy giảm và hệ lụy là bệnh lao gia tăng.

P.V: Nói vậy chúng ta khó có cái nhìn lạc quan hơn về điều trị bệnh lao và công tác phòng chống lao?

ThS. Châu Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện: Có chứ! Nếu cả cộng đồng kề vai sát cánh với nỗ lực và nhiệt huyết, tôi tin tưởng cuộc chiến chống lao, cả lao đa kháng sẽ thành công. Hóa trị liệu lao ngắn ngày có kiểm soát: DOTS đã chữa khỏi gần như tất cả các bệnh nhân có vi trùng lao nhạy cảm với thuốc chữa lao và một số bệnh nhân lao kháng thuốc, thông qua phác đồ hóa trị lao ngắn ngày với các thuốc hàng thứ nhất.

Tuy nhiên, bệnh nhân lao đa kháng thuốc, ít nhất là kháng với H và R, thì dường như thất bại với phác đồ hóa trị ngắn ngày. Trong những năm qua, đã có những minh chứng là bệnh nhân lao đa kháng thuốc có thể được chữa khỏi với các thuốc chữa lao hàng hai nếu quản lý tốt. Nhưng các loại thuốc này vốn độc hại và kém hiệu quả hơn các thuốc lao hàng thứ nhất và điều kiện tiên quyết là phải đánh giá được sự kháng thuốc với các thuốc hàng hai này để điều trị cho thích hợp. Điều trị bằng thuốc hàng hai lâu hơn và như vậy cũng tốn kém hơn về mặt kinh tế.

Nhằm đối mặt với các thử thách do lao đa kháng thuốc tạo ra, năm 1999, các chuyên gia trên thế giới đã cùng đồng thuận là cần phải đối mặt với lao đa kháng một cách có hệ thống, có nghĩa là không đương đầu đơn độc thông qua điều trị bệnh nhân đơn lẻ, mà phải thông qua các dự án DOTS-plus thí điểm lớn hơn, được áp dụng bởi các chương trình chống lao quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới thiết lập sáng kiến DOTS-plus nhằm đánh giá được khả năng thực thi và hiệu quả của việc sử dụng các thuốc chữa lao hàng hai để quản lý bệnh nhân lao đa kháng, trước tiên là ở các nước có thu nhập bình quân loại trung bình và thấp.

Thực tế ở Việt Nam, việc quản lý bệnh nhân lao đa kháng thuốc là chưa thích hợp. Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp đặc biệt để đối mặt với vấn đề lao đa kháng thuốc, thông qua việc quản lý tốt bệnh nhân và cần có những chiến lược để ngăn ngừa sự lan truyền lao đa kháng thuốc.

Một trong các hành động quan trọng của Chương trình Chống lao Quốc gia là tìm ra các cách để giải quyết vấn đề. Ví như: làm thế nào để Chương trình Chống lao Quốc gia bước đầu áp dụng được điều trị có kiểm soát đối với bệnh nhân lao đa kháng với nguồn tài lực hạn chế, hay là ở những nơi có cơ sở hạ tầng kém; làm thế nào để đảm bảo việc ngăn chặn lây nhiễm tại các cơ sở điều trị; làm thế nào để giám sát được bệnh nhân lao đa kháng… Chúng ta cần phải lượng giá các biện pháp đề ra để áp dụng điều trị có kiểm soát. Việc ứng dụng rộng rãi hơn các phương pháp đề ra phụ thuộc vào mức độ thành công đã được chứng thực của phương pháp đó ở những nơi được chọn làm thí điểm. Chương trình DOTS-plus này tại Việt Nam đã được xây dựng rất tốt với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức trên thế giới.

  • Quang Khanh (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ   (23/03/2009)
Tạo điều kiện cho hộ nghèo có nhà ở ổn định   (23/03/2009)
Triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức   (23/03/2009)
Tăng cường các biện pháp ổn định tình hình trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh   (22/03/2009)
Quán xá Quy Nhơn đang đẹp lên   (22/03/2009)
Bao giờ biết cười tươi?   (22/03/2009)
Làm cha mẹ thời nay  (21/03/2009)
Hướng dẫn 3 huyện miền núi xây dựng đề án giảm nghèo  (21/03/2009)
Đầu tư gần 60 tỉ đồng xây dựng Trường Quân sự tỉnh  (21/03/2009)
Đào tạo liên thông: nhiều trường chưa… “thông”  (21/03/2009)
Rộ tin đồn đi nhà thờ… “cầu con” (?!)  (20/03/2009)
Mở website giới thiệu việc làm  (20/03/2009)
Xây dựng Kế hoạch hành động nâng cao sức khỏe vị thành niên và thanh niên  (20/03/2009)
Tỉ lệ hộ nghèo cả tỉnh giảm còn 11,35%  (20/03/2009)
Tai nạn lao động phần lớn do chủ quan mà ra  (19/03/2009)