ÔNG PHẠM VĂN THI - PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO GIẢM NGHÈO TỈNH:
Tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn để giảm nghèo bền vững
9:2', 25/3/ 2009 (GMT+7)

Sau ba năm (2006-2008) thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh ta đã giảm từ 19,66% xuống còn 11,35%, và theo kế hoạch là còn dưới 10% vào năm 2010. P.V Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phạm Văn Thi, Giám đốc Sở LĐ - TB&XH, kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh về những giải pháp để giảm nghèo nhanh và bền vững.

 

Chương trình 135 và các chính sách giảm nghèo khác đã mang lại cho làng Cà Bưng (Canh Thuận, Vân Canh) một bộ mặt mới. Ảnh: N.S

 

* Trong số các chính sách, dự án giảm nghèo cũng như các chương trình phát triển KT-XH lồng ghép nhằm giảm nghèo, ông đánh giá cao chương trình, dự án nào?

- Để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 của tỉnh, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo; đồng thời lồng ghép với các chính sách, dự án khác. Qua ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo, tôi đánh giá cao kết quả thực hiện các chính sách: bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, tín dụng cho vay hộ nghèo, xóa nhà ở đơn sơ, trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo; các dự án: dạy nghề cho người nghèo, khuyến công, khuyến nông, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xã ĐBKK thuộc Chương trình 135, 134.

* Tuy nhiên, theo đánh giá, cũng có một số chính sách hỗ trợ chưa có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích người nghèo phấn đấu thoát nghèo?

- Nhìn chung, qua ba năm tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh, các chính sách, dự án đều triển khai đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn có một vài chính sách hiệu quả chưa cao và chưa có tác dụng tích cực khuyến khích người nghèo phấn đấu thoát nghèo. Đó là việc hỗ trợ các mô hình khuyến nông, lâm và hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân là trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi còn nhiều hạn chế trong việc tiếp thu, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống; trong khi họ lại chưa được tư vấn, hướng dẫn cách làm ăn sau khi được vay vốn tín dụng ưu đãi. Mặt khác, chúng ta cũng chưa có cơ chế khuyến khích các hộ nghèo vượt nghèo.

* Trong ba năm qua, trung bình mỗi năm tỉnh ta giảm 2,5% hộ nghèo, đó là một con số có ý nghĩa. Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo mới và tái nghèo lại chiếm đến 37% trên tổng số hộ thoát nghèo. Phải chăng kết quả giảm nghèo của chúng ta chưa bền vững?

- Tình trạng hộ nghèo mới và tái nghèo còn cao và giảm nghèo chưa bền vững trên địa bàn tỉnh là do mức thu nhập bình quân của hộ nghèo và mức thu nhập bình quân của hộ cận nghèo có sự chênh lệch không lớn; tỉ lệ hộ cận nghèo chiếm khoảng 34,4% so với hộ nghèo, nên khi có một điều kiện khách quan tác động, số hộ cận nghèo rất dễ rơi vào diện hộ nghèo mới và tái nghèo.

Trong khi đó, tỉnh ta lại thường xuyên bị thiên tai làm mất mùa nên người dân ở địa bàn của 18 xã ĐBKK thuộc Chương trình 135 và 20 xã vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo rất khó khăn trong việc ổn định đời sống, phát triển sản xuất để thoát nghèo.

Để khắc phục tình trạng này, đảm bảo giảm nghèo bền vững, tỉnh có các giải pháp sau:

Trước hết, tập trung đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hạ tầng phục vụ dân sinh và phát triển sản xuất cho các xã ĐBKK thuộc Chương trình 135 và các xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo.

Đồng thời, tập trung đầu tư thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở các địa bàn khó khăn.  

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ và có kết quả các dự án, chính sách giảm nghèo để tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội như: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, trợ giúp pháp lý; các chính sách phát triển sản xuất tăng thu nhập như: tín dụng hộ nghèo; khuyến nông, khuyến công; dạy nghề cho hộ nghèo…      

* Một vấn đề khác là tốc độ giảm nghèo lại không đồng đều ngay trong từng huyện và giữa các huyện, các vùng có điều kiện giống nhau. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn là các địa phương có điều kiện tương đối giống nhau nhưng tốc độ giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn giữa các huyện và các xã trong từng huyện lại chưa đồng đều nhau. Có mấy nguyên nhân chủ yếu sau:

Một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức về đầu tư vững chắc cơ sở hạ tầng thiết yếu giúp phát triển KT-XH trên địa bàn, nhất là vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ; suất đầu tư của các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng còn thấp.

Một số xã thuộc các huyện trên là xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển, thường xuyên phải chịu nhiều thiên tai, đời sống nhân dân gặp khó khăn, nên tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.  

Sự chỉ đạo của chính quyền địa phương chưa quyết liệt; việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo thiếu năng động, sáng tạo, chưa khai thác và huy động mọi nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương mình.

Tâm lý của một bộ phận người dân chưa muốn thoát nghèo và tiếp tục trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.

* Xin cảm ơn ông.

  • Nguyên Sương (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những bất hợp lý trong việc xử lý điểm đen ở Quy Nhơn  (25/03/2009)
Tỉnh ủy tổ chức quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa X  (25/03/2009)
Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu di tích nhà tù Phú Tài  (24/03/2009)
Tập trung lãnh đạo ổn định sản xuất kinh doanh  (24/03/2009)
Chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển  (24/03/2009)
Nói thẳng những thách thức trong công tác phòng chống lao  (24/03/2009)
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ   (23/03/2009)
Tạo điều kiện cho hộ nghèo có nhà ở ổn định   (23/03/2009)
Triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức   (23/03/2009)
Tăng cường các biện pháp ổn định tình hình trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh   (22/03/2009)
Quán xá Quy Nhơn đang đẹp lên   (22/03/2009)
Bao giờ biết cười tươi?   (22/03/2009)
Làm cha mẹ thời nay  (21/03/2009)
Hướng dẫn 3 huyện miền núi xây dựng đề án giảm nghèo  (21/03/2009)
Đầu tư gần 60 tỉ đồng xây dựng Trường Quân sự tỉnh  (21/03/2009)