Hơn một tuần nay, người dân Quy Nhơn thi thoảng bắt gặp một ông “thần tài” mặc quần áo đỏ chóe, đầu đội mão lủng lẳng kim ngân, chân đi hài mời khách mua vé số. Không ít người đã lầm ông là diễn viên của một đoàn tuồng nào đấy. Hơn mười lăm năm qua, ông đã lặn lội đường xa vạn dặm nuôi sống cả gia đình bằng nghề đi bán vận may…
|
“Thần tài” đang mời khách mua vé số tại một quán cà phê.
|
“Tôi quê gốc ở TP Hồ Chí Minh. Trước đây, vốn là giáo viên ở tỉnh Bình Phước. Năm 1989, cuộc sống quá khó khăn, lương giáo viên không nuôi nổi vợ con nên tôi nghỉ việc và chọn nghề bán vé số. Nhưng phàm làm cái gì cũng vậy, phải khác người một chút thì may ra mới cạnh tranh được…”- ông Trương Minh Tấn tự giới thiệu về mình.
Và cái “khác người” của ông so với những đồng nghiệp bán vé số khác chính là cách ông ăn mặc hệt như thần tài, từ đầu đến chân. Ông giải thích: “Người mua vé số nào mà chẳng mong tài lộc đến với mình. Người đang muộn phiền, bi quan thấy thần tài thì sẽ tăng thêm niềm hy vọng, tin vào tương lai tốt đẹp hơn…”. Cầm xấp vé số trên tay, ông mời mọi người mua vé số bằng câu chào rất nhã nhặn: “Chúc anh, chị một ngày tốt lành…”. Nếu bị từ chối, ông cũng cảm ơn. Cung cách xử sự lịch sự và bộ áo quần thần tài đã giúp ông Tấn bán được vé số nhiều hơn những đồng nghiệp khác. Bình quân mỗi ngày ông bán được khoảng 400-500 tờ vé số, hưởng hoa hồng khoảng 200.000 đến 300.000 đồng.
Hơn 15 năm khoác bộ cánh thần tài, ông đã phiêu bạt mấy nghìn dặm từ Huế trở vào đến các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Mỗi tỉnh ông ở chừng một tháng, nhưng có tỉnh ở lâu hơn. Ông bán vé số xuyên Việt phần do sinh kế, phần khác do tính cũng thích chu du đây đó. “Thần tài” vé số tâm sự: “Mùa nắng khoác bộ thần tài đỏ chóe, nóng nực đã đành; nhưng sợ nhất là mùa mưa, vì có thể “thần tài” sẽ bị ướt nhẹp, son phấn hóa trang nhòe nhoẹt trên mặt… thì còn gì là “thần” nữa. Bị đau ốm, cảm mạo lại càng rầy rà to. Bởi vậy, tôi rất chịu khó nghe dự báo thời tiết trước khi ra khỏi nhà”.
Mỗi buổi sáng, ông dậy thật sớm, trang điểm mất khoảng 40 phút để gương mặt sao cho trông sinh động, phúc hậu mà lại không quá lòe loẹt. Đôi lông mày đậm nhưng không dữ tợn; hai gò má điểm phơn phớt hồng, môi đỏ tươi tắn và bộ râu đen dài. Về trang phục, ông bắt chước các bức tranh, tượng thần tài rồi thuê thợ may theo “đì-zai” của mình. Mỗi bộ từ đầu đến chân tốn khoảng 400.000 đồng. Ông Tấn khoe còn ba bộ thần tài mới, chưa kể đến sáu bộ cũ khác. Đến một tỉnh, ông lại mặc một bộ khác. Trên đường mưu sinh, có người khen ông “sáng tạo”, cũng có kẻ chê ông “hâm hấp”. Còn ông tâm niệm miễn sao mình làm ăn lương thiện, sống đúng đạo làm người.
|
…và gọi điện thoại về nhà: Mẹ nó vẫn khỏe chứ hả?”
|
Ông Tấn có một vợ và hai con (một trai, một gái) đang sống tại Pleiku (Gia Lai). Vợ ông đau ốm thường xuyên. Con trai đang học nghề và con gái mới học lớp 9. Mỗi tháng ông gởi về nhà khoảng 3 triệu đồng. Cả năm rong ruổi trên đường bán vận may, thời gian ông ở nhà chỉ khoảng một tháng. Đã ba năm nay, ông đón Tết ở Huế, Bình Dương và Đà Nẵng thay ở nhà, vì ngày Tết bán gấp ba, bốn lần so với ngày thường.
Tôi hỏi, cả năm đi biền biệt thì làm thế nào để bà xã tin tưởng rằng mình “không có gì” ở bên ngoài? “Thần tài” cười nhẹ: “Chẳng ai muốn xa gia đình cả, nhưng vì mưu sinh nên đành chấp nhận thôi. Vả lại, đã trót đóng vai thần tài thì tôi phải biết giữ mình, không làm gì tổn hại đến uy tín của ổng. Đều đặn 10 ngày tôi gởi về nhà 1 triệu đồng, nếu có “gì” thì làm sao mà đủ được. Tôi chỉ mong đủ sức để nuôi con bé học lên đại học. Nó học giỏi lắm…”.
Hiện ông Tấn đang thuê nhà ở số 39 Hoàng Quốc Việt, Quy Nhơn, nhưng có lẽ ông chỉ ở Quy Nhơn từ 20 đến 25 ngày vì người dân nơi đây ít mua vé số hơn những nơi khác. Đã 56 tuổi, nhưng ông khoe “vẫn còn khỏe lắm, càng già chân lại càng dẻo dai”. Nhưng có lẽ, động lực chính giúp ông tiếp tục “trên từng cây số” chính là người vợ và hai đứa con còn đang tuổi ăn học. Chúc cho “thần tài” vé số chân cứng đá mềm trên hành trình xuyên Việt của mình.
|