Kim chỉ thời nay
10:13', 29/3/ 2009 (GMT+7)

Ngày nay, với sự chuyên môn hóa ngày càng cao, để hoàn thành một chiếc áo dài, áo đầm dạ hội hoặc chỉ là chiếc áo sơ mi giản đơn, nhiều tiệm may không thể không nhờ đến những phụ nữ chuyên đảm nhận các khâu “hậu cần”…

 

Chị Trang tranh thủ thùa khuy khi không có khách đến mua phụ kiện may mặc.

 

* Hậu cần từ A đến Z

Chị Ngân, chủ tiệm may áo dài Kim Ngân (đường Trần Cao Vân, Quy Nhơn) nhận xét: “Có những công đoạn mà đôi khi người thợ may không thể đảm nhận hết được vì không có thời gian và cũng không chuyên nghiệp bằng người khác; chẳng hạn như việc kết cườm trên các áo dài. Tôi phải đưa đến cho thợ chuyên làm…”.

Ở Quy Nhơn, chị Trần Thị Ngọc Thảo (số 17 đường Lê Lợi) là “mối ruột” của rất nhiều tiệm may. Có nghề chính là thêu tay, nhưng nghề tay trái kết cườm của chị Thảo lại đang “ăn nên làm ra” theo xu hướng thời trang hiện nay. Chị Thảo không chỉ có bạn hàng ở Quy Nhơn, các huyện trong tỉnh, mà còn ở Gia Lai, Kon Tum và Việt kiều. Thông thường, các tiệm may khi đến nhờ kết cườm đều phó thác cho chị từ khâu ra mẫu đến lựa chọn màu sắc cho phù hợp. Chị Thảo đã kết cườm cho khá nhiều áo đầm dạ hội của thí sinh cuộc thi Hoa hậu Những miền đất Võ được tổ chức trong Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2008. Cách đây vài tháng, chị nhận kết pha lê cho một chiếc áo dài cô dâu mà chỉ tính nguyên tiền đá đã hơn 4 triệu đồng.

“Kết các hạt cườm, kim sa hoặc hạt pha lê, gỗ cho các áo đã may sẵn khá đơn giản, song cũng đòi hỏi người thợ khéo tay, biết “phăng” kiểu phù hợp với mẫu áo…”- chị Thảo nói. Hầu hết các mẫu kết cườm đều do chị tự nghĩ ra, sau đó, phác thảo vào sổ tay cho nhớ. Thậm chí, đôi lúc chị còn “ngang xương” phá bỏ thiết kế của khách, làm theo ý mình khi thấy không hợp lý. Chị cho biết, tiền công dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu đồng cho mỗi mẫu áo.

Hiện nay, ở một số tiệm may lớn, đông khách, đều có thợ chuyên làm từng công đoạn một. Có tiệm thuê hẳn người làm cho mình, song cũng có nơi chuyển giao một số công đoạn như thêu, kết cườm, thùa khuy, ráp quần áo… lại cho người khác. Tuy vậy, vì uy tín nên các chủ tiệm rất chú trọng đến tay nghề của người thực hiện.

Chẳng thế mà dù đã bỏ nghề thêu máy chuyển sang kinh doanh vải ký, phụ liệu ngành may từ vài năm nay, nhưng chị Quyền, chủ tiệm vải ký Quyền Phú (số 66 Tăng Bạt Hổ), vẫn được một số chủ tiệm may tìm đến. “Tôi thêu máy 18 năm nay nhưng vì mắt đã yếu, làm đêm không nổi nên mới chuyển hướng kinh doanh. Giờ, tôi chỉ tranh thủ thêu lúc vắng khách nên giao hàng rất lâu. Một số chủ tiệm đã lỡ “nghiện” đường kim mũi chỉ của tôi nên chấp nhận chờ…”- chị Quyền nói.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trang, chủ tiệm bán phụ kiện may mặc Đồng Tân (đường Trần Phú) kiêm nhận vắt sổ, thùa khuy, đóng nút quần, áo, cho biết: Vợ chồng chị nguyên là thợ may vì ế hàng nên chuyển sang nhận may, ráp áo gia công cho các tiệm may lớn; đồng thời, bán phụ kiện may mặc. Rồi chính từ sự gợi ý của các khách hàng mà vợ chồng chị mở rộng việc kinh doanh đủ loại phụ kiện và sắm máy móc nhận gia công như hiện nay.

 

Chị Thảo (bên trái) với một mẫu kết cườm hoa cúc trên áo dài do mình tự “phăng” kiểu.

 

* Tâm sự của “đường kim mũi chỉ”

Dẫu đã được khách hàng “mách nước” nên mua gì, bán gì, vậy mà có lúc chị Trang cũng bị “hố” khi mặt hàng mua về cả năm, chôn vốn song lại chẳng bán được mấy vì mô-đen ấy đã lỗi. “Bán phụ kiện ngành may như tôi thì lượm bạc cắc thôi. Tiền công thùa khuy hay kết nút cũng chỉ 1.000 đồng/áo” - chị Trang nói.

Người làm khâu hậu cần chỉ biết đến bạn hàng là các tiệm may, nên hầu hết đều chấp nhận mức tiền công thấp hơn so với thực tế mà tiệm tính với khách hàng. Chị Phương Nga, thợ thêu máy ở hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học, than thở: “Tôi làm cho tiệm quen mấy năm nay vẫn chỉ một giá nhất định. Cuối năm ngoái, tôi đòi tăng giá, nhưng họ than quá trời, nên thôi. Với mình thì thế, nhưng tôi biết tiệm luôn tính giá cao với khách”. Còn chị Thảo, tuy được nhiều khách hàng tín nhiệm về trình độ tay nghề, đôi lúc vẫn phải đắn đo, cân lạng để đáp ứng yêu cầu “đẹp nhưng rẻ” của khách. Lại có khách, dù đã được chị khuyên không nên làm thế nọ, thế kia, vì thấy không phù hợp, nhưng vẫn nhất định theo ý của mình. Kết quả, sau khi lên áo, đôi lúc chị lại phải nghe những lời phàn nàn từ khách, dẫu lỗi lại chính từ phía họ.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổng kết 10 năm công tác kết nghĩa  (29/03/2009)
Các địa phương, đơn vị trong tỉnh sẽ “tắt đèn tự nguyện” 1 giờ đồng hồ  (28/03/2009)
Phát triển báo chí in của tỉnh ngang tầm khu vực và cả nước  (28/03/2009)
Đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất  (28/03/2009)
“Chẳng ai lại muốn xa gia đình…”  (28/03/2009)
Đẩy mạnh tuyên truyền về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009  (28/03/2009)
Còn nhiều bất cập  (27/03/2009)
Xử lý kỷ luật Đảng ủy Trường Đại học Quy Nhơn  (27/03/2009)
Sôi nổi các hoạt động chào mừng 78 năm Ngày thành lập Đoàn  (27/03/2009)
Mười năm đằm thắm nghĩa tình  (27/03/2009)
Triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2009”  (26/03/2009)
Thực hiện các biện pháp PCCC do đốt thả đèn trời  (26/03/2009)
Hòa nhịp cùng “Giờ Trái đất 2009”  (26/03/2009)
Triển khai thi hành Pháp lệnh Công an xã  (26/03/2009)
Kinh hoàng xe khách Sơn Tùng  (26/03/2009)