“Mặn, đắng” dưa hấu
10:26', 29/3/ 2009 (GMT+7)

Những năm gần đây, cây dưa hấu đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện đời sống cho nông dân. Dẫu vậy, hiếm khi bà con được hưởng trọn vẹn vị ngọt của nó. Có tận mắt nhìn thấy người nông dân nhọc nhằn chăm dưa, mới thấy xót xa khi giá dưa liên tục “tuột dốc” trong những ngày qua…

 

Dưa ế ẩm, người trồng dưa như ngồi trên đống lửa.

 

* Nhọc nhằn đời dưa

Dưa hấu có hai vụ chính: vụ Đông Xuân và vụ Hè. Thông thường cứ vào độ tháng chạp hàng năm là nông dân xuống giống vụ Đông Xuân, đến cuối tháng hai năm sau là bắt đầu thu hoạch. Vụ Hè tiếp ngay sau đó, đến đầu tháng tám mới kết thúc. Vụ Đông Xuân, khí hậu tương đối thuận lợi cho hạt mầm phát triển. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch dưa cũng bắt đầu mùa hè nắng nóng, nên sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng hơn.

Nhiều người trồng dưa lâu năm xác nhận, trong các loại hoa màu, trồng dưa hấu là vất vả nhất. Không giống như những cây trồng khác, đất sản xuất dưa phải luôn thay đổi theo mùa vụ, luân phiên các loại hoa màu khác nhau, nếu trồng tiếp thì dưa dễ chết. Những người trồng dưa lâu năm đã có kinh nghiệm này. Năm nay, ở khu vực Hố Xoài (thôn Hòa Hiệp, xã Cát Tài, huyện Phù Cát) dưa chết hàng loạt là do đã hai năm rồi, khu vực này chỉ trồng độc một loại cây dưa, đất không được cày xới, bạc màu…

Lựa chọn, cải tạo đất đã khó, khâu kỹ thuật trồng và chăm dưa còn vất vả hơn nhiều. Anh Lê Cảnh Bính (thôn An Điềm, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát) cho biết: “Chỉ cần một buổi không tưới nước, cả ruộng dưa sẽ ủ rũ trông rất thảm hại… Trồng dưa phải túc trực liên tục cả ngày lẫn đêm hàng tháng trời trên đồng mới được”.

Suốt hơn hai tháng qua, ông Lê Văn Tân (ở thôn Thái Bình, xã Cát Tài) hầu như chỉ ở ngoài ruộng dưa. Căn chòi cất tạm bên ruộng dưa là ngôi nhà thứ hai của lão nông ngoài sáu mươi này. “Hơn mười năm theo cây dưa, tôi đã thành thạo kỹ thuật chăm sóc dưa, cắt kèo, chọn ngọn, rồi chọn trái… Bắt sâu, bón phân, tháo nước, phun thuốc… làm gì cũng nhẹ nhàng, tỉ mẩn; chăm dưa như chăm con mọn. Đặc biệt là giai đoạn sau chọn trái, sâu rầy rất nhiều, hở ra một tí là chúng tấn công ngay. Chỉ cần bị một vết sâu ăn là trái dưa coi như bỏ. Nắng mưa gì cũng phải ra đồng. Nhà nào không có đàn ông khỏe mạnh, đố dám làm dưa”- ông Tân tâm sự.

Một giờ chiều, dưới cái nắng oi bức, đi dọc theo những ruộng dưa ở Thuận Phong, An Điềm (xã Cát Lâm, huyện Phù Cát), nhìn những người nông dân đội nắng miệt mài cắt kèo, cắm ngọn cho dưa, mới phần nào cảm nhận nỗi vất vả của người trồng dưa.

 

Thu hoạch dưa.

 

* Dưa hấu “đắng”

Không phải đến bây giờ, người nông dân mới biết đến sự bấp bênh của nghề trồng dưa hấu. Giá dưa hấu rất thất thường. Năm trước được giá, năm sau lại mất giá, trong một mùa giá cũng lúc cao, lúc thấp. Suy cho cùng, cũng bởi tâm lý “ăn xổi ở thì”, ham cái lợi trước mắt của người nông dân, thấy người ta trồng cây gì, nuôi con gì thu nhập cao là đổ xô vào làm, bất kể hậu quả. Trong khi đó, các cán bộ địa phương chưa có sự định hướng cụ thể, chưa có biện pháp hỗ trợ cho người nông dân trước những biến động của thị trường.

Các cán bộ của xã Cát Lâm khẳng định, thời gian qua, số hộ trồng và diện tích trồng dưa ở địa phương này tăng chóng mặt. Nhiều địa phương khác, nông dân cũng bỏ các loại hoa màu khác, dồn đất trồng dưa. Hai thôn Vạn Lương, Vạn Ninh (xã Mỹ Tài, Phù Mỹ), vốn là đất mía, nay cũng “ăn theo” cây dưa. Thôn Thái Bình (xã Cát Tài) cũng vì dưa mà từ bỏ thương hiệu “đất hành”. Cách đây ba năm, nông dân Tây Sơn đến xã Cát Tài thuê đất để trồng dưa, tập trung ở ba khu vực: Cù Đàng (thôn Thái Thuận), Đất Nà và Đồng Đạo (thôn Thái Phú). Gần một trăm người dựng lều trồng dưa, đến nửa vụ thì dưa bị bọ trĩ tấn công. Không thể diệt được bọ trĩ, dưa bị chết hết. Tất cả đều phải trả đất trước thời hạn, trở về tay trắng, nợ nần ngập đầu.

Chiều 25.3, tôi có mặt ở thôn Hòa Hiệp, xã Cát Tài. Cứ vài trăm mét lại có một điểm tập kết dưa hấu. Những người nông dân mỏi mệt, mắt trũng sâu sau hơn hai tháng “nuôi dưa”, giờ càng chán nản khi dưa rớt giá. Đầu vụ, giá dưa đạt đến kỷ lục: 6.000-7.000đồng/kg. Những người nông dân thu hoạch đúng thời điểm này trúng đậm. Vài ngày sau, giá rớt một nửa. Vẫn có lời. Đến chiều 25.3, giá chỉ còn 1.800 đồng/kg. Nhiều nông dân tất tả đi tìm người mua. “Sau khi thu hoạch, dưa chỉ để được một tuần. Không có người mua, vài ngày nữa, dưa thối chỉ có nước... đem chôn”- ông Tân thở dài.

Ông Nguyễn Văn Phương, Thôn trưởng thôn An Điềm, xã Cát Lâm, cho biết: “Cả thôn An Điềm có khoảng 40 hộ trồng dưa với diện tích hơn 40 mẫu. Bình quân thu hoạch khoảng 1,7 đến 2 tấn/sào. Được mùa, nhưng giá dưa lại quá thấp, nhiều người trồng dưa khóc ròng”. Nông dân Cát Sơn với hơn 70 ha dưa cũng đang ở trong thế “bỏ thì thương, vương thì tội”…

Nhìn những người nông dân ngồi thở dài bên đống dưa, gương mặt mệt mỏi, tôi chợt nhận ra rằng, không phải ngẫu nhiên, dưa hấu được mệnh danh là loại trái cây vua của mùa hè. Bởi chất chứa trong vị ngọt mát và chất bổ dưỡng của nó, còn có cả vị mặn chát của mồ hôi, nước mắt người nông dân...

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kim chỉ thời nay  (29/03/2009)
Tổng kết 10 năm công tác kết nghĩa  (29/03/2009)
Các địa phương, đơn vị trong tỉnh sẽ “tắt đèn tự nguyện” 1 giờ đồng hồ  (28/03/2009)
Phát triển báo chí in của tỉnh ngang tầm khu vực và cả nước  (28/03/2009)
Đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất  (28/03/2009)
“Chẳng ai lại muốn xa gia đình…”  (28/03/2009)
Đẩy mạnh tuyên truyền về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009  (28/03/2009)
Còn nhiều bất cập  (27/03/2009)
Xử lý kỷ luật Đảng ủy Trường Đại học Quy Nhơn  (27/03/2009)
Sôi nổi các hoạt động chào mừng 78 năm Ngày thành lập Đoàn  (27/03/2009)
Mười năm đằm thắm nghĩa tình  (27/03/2009)
Triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2009”  (26/03/2009)
Thực hiện các biện pháp PCCC do đốt thả đèn trời  (26/03/2009)
Hòa nhịp cùng “Giờ Trái đất 2009”  (26/03/2009)
Triển khai thi hành Pháp lệnh Công an xã  (26/03/2009)