Thầy giáo tương lai và “lỗ hổng” công nghệ thông tin
8:38', 31/3/ 2009 (GMT+7)

Công nghệ thông tin (CNTT) với những tiện ích của nó (đặc biệt là giáo án điện tử) ngày càng được quan tâm ứng dụng trong nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Là những thầy giáo tương lai song nhiều sinh viên sư phạm (SVSP) vẫn còn một “lỗ hổng” lớn về CNTT...

 

Giáo viên cần có trình độ CNTT cao để tự tin khi đứng lớp. - Trong ảnh: Một tiết học có sử dụng giáo án điện tử ở Trường THPT Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn).

 

* “Nước đến chân”... chưa nhảy

Giáo án điện tử- một hình thức soạn bài giảng trên máy vi tính- là sự kết hợp những ưu điểm đã được khẳng định của giáo án truyền thống và những tiện ích của CNTT. Giáo án điện tử có nhiều ưu điểm như phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; giúp học sinh có thêm phương tiện học tập khác ngoài sách giáo khoa, bảng đen, phấn trắng.

Thế nhưng hiện nay, trình độ CNTT của đa phần SVSP chưa đủ để thiết kế một giáo án điện tử. Qua thực tế nhiều năm trực tiếp tham gia công tác tuyển dụng giáo viên, ông Dương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Quy Nhơn, nhận xét: “SVSP ra trường rất yếu về kiến thức và kỹ năng CNTT. Thậm chí, nhiều SV không thể soạn thảo một văn bản trên phần mềm Microsoft Word, nói chi đến chuyện thành thạo Power Point”. Ông Minh cũng cho biết thêm, dù Trường đã cố gắng chọn những người có nền tảng kiến thức về CNTT, nhưng cũng phải tích cực đào tạo qua một năm học, giáo viên mới có thể tự tin đứng lớp.

Đợt thực tập SP năm học 2008-2009, Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn) tiếp tục khuyến khích SV thực tập làm giáo án điện tử để trình chiếu. Thế nhưng, chỉ có 5/19 SV thực hiện được. Hiệu trưởng Lê Đình Phùng cho biết: “Số lượng SV thực tập tham gia thiết kế giáo án điện tử như vậy là quá ít. SV có làm cũng chỉ là tự mày mò, các giáo án còn thô sơ, chỉ cho chạy các trang (slide), chèn một vài hình ảnh; dù có bổ trợ nhất định cho việc dạy học, nhưng chưa đạt yêu cầu”.

SV không trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng về CNTT nên khi đi thực tập gặp rất nhiều khó khăn. Nguyễn Thị Như Trang, SVSP Ngữ văn K28, Trường Đại học Quy Nhơn, kể: “Khi về thực tập ở Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa, Phú Yên), Ban Giám hiệu chỉ nói là khuyến khích SV soạn giáo án điện tử, nhưng các giáo viên hướng dẫn đều bật mí: giáo án điện tử là một điều kiện để đạt loại giỏi. Từ trước đến giờ em đâu có đụng đến “món” này, vậy là em phải tức tốc “mò mẫm” trong mấy ngày để soạn một giáo án. Cả đoàn 31 SV ai cũng cố gắng chuẩn bị giáo án điện tử, nhưng số SV tự mình làm có lẽ không nhiều”. Có nhiều cách để SV có được một giáo án điện tử “cấp tốc”: nhờ bạn bè, người thân, thậm chí “đặt hàng” các trung tâm tin học.

Người viết bài này từng được dự một số đợt bảo vệ luận văn tốt nghiệp đại học. Các SV được yêu cầu phải chuẩn bị thuyết trình có trình chiếu Power Point hỗ trợ. Nhiều SV nhờ người khác làm giúp, đến khi tự trình chiếu thường lúng túng, phạm nhiều sai sót, người nói một đường, hình chạy một nẻo…

* Thử tìm lời giải

Hiện nay, các trường phổ thông vẫn chưa thống nhất về quy định hình thức giáo án đối với SV thực tập. Có trường cho phép SV sử dụng giáo án đánh máy (Trường THPT Phan Bội Châu, Hoài Nhơn) nhưng cũng có trường khuyến khích (thực tế gần như bắt buộc) SV thiết kế giáo án điện tử (như Trường THPT Nguyễn Huệ nói trên). Nhưng, đa phần các trường vẫn bắt buộc SV thiết kế giáo án chép tay. Vì vậy, SV còn chủ quan, lơ là trong việc trang bị kiến thức CNTT cho chính mình.

Hiện Trường Đại học Quy Nhơn có gần 11.000 SV hệ chính quy, trong đó có 3.803 SVSP, nhưng chỉ có 10 phòng chức năng có trang bị máy chiếu phục vụ cho công tác giảng dạy của giảng viên. SV không có điều kiện tự mượn phòng chiếu để thực hành. Ngay trong quá trình giảng dạy, các giảng viên cũng chưa chú ý đúng mức đến việc thiết kế giáo án điện tử. Ở khoa Ngữ văn, chỉ có học phần Văn học Trung Quốc, SV mới được yêu cầu làm bài thuyết trình có hỗ trợ trình chiếu Power Point.

Trường không chú trọng đào tạo, nhiều SV phải tự thân vận động. SV có khả năng thì mua sách hướng dẫn tự học, số khác thì tìm đến các trung tâm tin học. Gặp hai SV Lưu Thị Kim Liên (lớp Tâm lý giáo dục K29) và Phạm Thị Hồng Vân (SP Sinh K29) lúc họ đang mải mê tìm kiếm tư liệu để làm bài thực hành Power Point, Vân cho biết: “Tụi em nghe kể, khi đi thực tập có một số trường yêu cầu SV phải làm giáo án điện tử, nên em phải chuẩn bị từ bây giờ”.

Tuy nhiên, số SV chủ động đến với giáo án điện tử như hai SV này còn quá ít. Anh Đặng Văn Hoàng, quản lý Trung tâm Tin học Quy Nhơn Computer, cho biết: “Mỗi buổi chiều, có khoảng bốn SV năm 3 đến học Power Point. Vì số lượng ít nên chủ yếu học theo hình thức một giáo viên kèm một học viên”.

Nhiều hiệu trưởng của các trường THPT đều cho rằng, Trường Đại học Quy Nhơn là một trung tâm đào tạo nguồn giáo viên cho tỉnh ta, song lại chậm chạp trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong khi dạy học bằng giáo án điện tử ở các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh rất phổ biến, phần mềm Power Point là một học phần bắt buộc; thì ở ta, phần lớn SV vẫn học “chay”. Để “ra lò” những giáo viên chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục, thiết nghĩ Trường Đại học Quy Nhơn phải tích cực “đi tắt đón đầu”, liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy mà việc đưa thiết kế giáo án điện tử vào giảng dạy, cho SVSP là việc cần làm ngay.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng kế hoạch cá nhân làm theo tấm gương đạo đức của Bác  (31/03/2009)
Nhơn Hội hôm nay  (31/03/2009)
Bình Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975  (31/03/2009)
Trọng tâm kinh tế và các dự án luật   (30/03/2009)
Đã sẵn sàng cho ngày 1 tháng tư   (30/03/2009)
“Mặn, đắng” dưa hấu  (29/03/2009)
Kim chỉ thời nay  (29/03/2009)
Tổng kết 10 năm công tác kết nghĩa  (29/03/2009)
Các địa phương, đơn vị trong tỉnh sẽ “tắt đèn tự nguyện” 1 giờ đồng hồ  (28/03/2009)
Phát triển báo chí in của tỉnh ngang tầm khu vực và cả nước  (28/03/2009)
Đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất  (28/03/2009)
“Chẳng ai lại muốn xa gia đình…”  (28/03/2009)
Đẩy mạnh tuyên truyền về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009  (28/03/2009)
Còn nhiều bất cập  (27/03/2009)
Xử lý kỷ luật Đảng ủy Trường Đại học Quy Nhơn  (27/03/2009)