Những ngày cuối tuần, lễ, Tết và nhất là khi thời tiết miền Trung và Nam bộ nắng nóng, thì “thiên đường du lịch” Vũng Tàu đón tiếp hàng vạn lượt khách. Họ đến đây để thư giãn và nghỉ mát. Trong vô vàn dịch vụ phục vụ khách du lịch này, có các bà, các chị chuyên bán hàng rong. Đối với đội quân nữ người Bình Định buôn thúng bán bưng trên đất khách, ai cũng biết tiếng cô Mai Thị Bốn, quê ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát. Họ còn phong cho cô biệt hiệu: “Nữ hoàng bán nhãn”.
|
Một tay ôm thúng nhãn, tay kia xách chiếc giỏ nhựa, cô Bốn đi mời chào khách mua nhãn.
|
* Một ngày như mọi ngày
“Cháu ơi! Mua giùm cô ký nhãn, nhãn ngon lắm!”. Đang dùng món bánh khọt đặc sản trên đường Hoàng Hoa Thám (phường Tam Thắng, TP Vũng Tàu), nghe giọng Nẫu quen thuộc ngay bên cạnh, tôi quay lại và nhìn thấy sau vành nón quen thuộc của quê nhà, là một dáng vẻ phụ nữ lam lũ cùng một thúng nhãn xuồng (loại lớn) và nhãn tiêu (loại nhỏ). Tay bên kia cô cầm chiếc cân nhỏ, đựng trong giỏ xách nhựa.
Hỏi bao nhiêu một ký, cô trả lời chắc nịch: “15.000 đồng”. Tôi mua liền hai kg. Khi nói là đồng hương, cô mới bộc bạch: “Quê cô ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát. Nghe thằng cháu ở đây nói trong này làm ăn được, nên hai năm qua cô cùng chồng vào đây lập nghiệp”.
Chồng cô, chú Lê Công Thiết, 50 tuổi, cũng theo vợ vào Vũng Tàu. Cũng giống như bà con lối xóm vào đây làm ăn, hai vợ chồng cô Bốn thuê một phòng trọ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh với giá 500.000 đồng/tháng. Ngoài việc phụ vợ bán nhãn, chú Thiết còn làm nghề “thợ đụng”, nghĩa là ai thuê gì làm nấy; còn cô Bốn ngày ngày đi bán nhãn cho du khách dọc Bãi Sau, Bãi Trước rồi trở về phố bánh khọt nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, gần nhà trọ.
“Ngày cuối tuần, đông người nên cô kiếm lời được 60- 70 chục ngàn đồng, chứ ngày thường chỉ khoảng 20- 30 chục ngàn đồng thôi cháu à!”- cô Bốn trần tình trong lúc đưa tay vuốt những giọt mồ hôi dưới ánh nắng chói chang.
* Bán nhãn đưa con đến trường
Hai vợ chồng cô Bốn sinh được 4 người con trai. Người con lớn tên Nam, hiện đã 27 tuổi, ở quê làm nghề thợ hồ; kề Nam là Em, đã tốt nghiệp THPT; còn Thắng và Thường hiện đang học lớp 10 và 12 tại Trường THPT Phù Cát. Chính nhờ những đồng tiền lãi nhàu nát từ việc bán nhãn, mà cô Bốn vẫn đều đặn hằng tháng gửi về cho hai cậu con trai ở quê nhà ăn học.
Ở Bãi Sau, Bãi Trước của Vũng Tàu đã có lệnh cấm buôn bán hàng rong để trả lại vẻ mỹ quan cho đô thị. Cô Bốn từng có lần bị thu mất chiếc xe đạp khi đi vào khu vực cấm xe đạp để bán hàng trên đường Thùy Vân, Bãi Sau. Để tiếp tục mưu sinh, cô Bốn phải “lánh nạn” sang các khu phố trung tâm.
Chị Nguyễn Thị Mai, một người bán nhãn cũng quê Bình Định, cho biết: “Cô Bốn thương con lắm, nên ngày nào cũng đi bán từ sáng đến tối để mong chắt bóp được nhiều tiền gửi về cho con. Năm nay, bả có một đứa đi thi đại học nên càng phải chuyên cần đi bán hơn”. Khi hỏi vì sao cô Bốn có biệt danh “Nữ hoàng bán nhãn”, chị Mai đáp: “Bả bán mỗi ngày hơn 40 ký, gấp đôi những người cùng cảnh khác, nên mới có biệt danh như thế!”.
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng vì có tiếng gọi mua nhãn của khách ở quán gần bên. Cô Bốn tất tả ôm rổ nhãn và chiếc cân lao về phía có tiếng gọi. Nhìn theo lưng áo đẫm mồ hôi của một người mẹ, tôi cầu chúc cho cô mau chóng bán hết hàng.
|