Triển khai mô hình kết hợp sản - nhi
14:25', 2/4/ 2009 (GMT+7)

Việc triển khai mô hình kết hợp sản-nhi tại các bệnh viện trong tỉnh là cần thiết nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các thầy thuốc chuyên khoa sản và nhi trong công tác hồi sức, chăm sóc, giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh (TSS).

 

Chăm sóc trẻ sơ sinh ở khoa Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: B.N

 

* Bác sĩ nhi “đứng cạnh” bác sĩ sản

Tháng 10.2008, khoa Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) được thành lập, ở ngay cạnh khoa Sản. Đây là mô hình riêng của Bình Định với ưu điểm các bác sĩ nhi có thể tham gia hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh và việc vận chuyển TSS bệnh lý sang khoa Nhi cũng được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Trước đây, khi chưa có khoa Nhi sơ sinh, các bác sĩ khoa Sản phải lo từ khâu cấp cứu đến khâu chăm sóc sau sinh. Với lượng sản phụ sinh con khá đông, các bác sĩ sản thường ưu tiên chăm sóc nhiều hơn cho bà mẹ. Do đó, tình trạng TSS mắc các bệnh lý suy hô hấp, nhiễm trùng… với các biến chứng nặng ngày càng nhiều. Bình quân mỗi tháng, khoa Nhi tiếp nhận 80 trường hợp TSS mắc bệnh, trong đó 60% bệnh nhi được chuyển từ khoa Sản sang. Vì thế, việc triển khai mô hình khoa Nhi sơ sinh ngay cạnh khoa Sản là cần thiết với mục tiêu cấp cứu kịp thời, giảm tỉ lệ tử vong ở TSS.

Bác sĩ Phạm Thiện Ngôn, Phụ trách khoa Nhi sơ sinh, cho biết: “Khi khoa Nhi sơ sinh được thành lập thì sự phối hợp chuyên môn sản-nhi rất chặt chẽ. Hàng tuần, bác sĩ sản và nhi đều có buổi giao ban trao đổi về những trường hợp TSS có vấn đề bệnh lý, qua đó, rút kinh nghiệm cho những ca cấp cứu sau này được tốt hơn”.

Quy trình phối hợp được thực hiện khá bài bản và hệ thống. Chuẩn bị cho cuộc sinh của sản phụ, bác sĩ khoa Sản sẽ tiên liệu những trường hợp có nguy cơ cho trẻ để đề nghị êkip khoa Nhi sơ sinh (gồm một bác sĩ và một điều dưỡng có kinh nghiệm) cùng hỗ trợ. Hàng ngày, các bác sĩ của khoa Nhi sơ sinh đều tổ chức thăm khám cho TSS để phát hiện những dấu hiệu sớm của bệnh. Nhiều trẻ bị nhiễm trùng sau sinh đã được đưa về khoa Nhi điều trị kịp thời. Hiện tại, số TSS được chuyển từ khoa Sản sang khoa Nhi sơ sinh với bệnh lý suy hô hấp giảm đáng kể.

Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các bác sĩ khoa Nhi sơ sinh, tình trạng tử vong sơ sinh do các yếu tố nguy cơ ở trẻ đã giảm đáng kể. Đơn cử như trường hợp một sản phụ sinh ba mới đây ở khoa Sản. Trước cuộc sinh, các bác sĩ sản tiên liệu sẽ có những nguy cơ có thể xảy ra cho trẻ nên đã đề nghị một êkip bác sĩ nhi cùng hỗ trợ cấp cứu. Kết quả, các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời cho cả mẹ lẫn ba em bé (trong đó, một bé nặng 1,6 kg, hai bé nặng 1,5 kg) và đưa về khoa Nhi sơ sinh tiếp tục chăm sóc. Hiện tại, sức khỏe của các bé đã ổn định.

* Tiếp tục hoàn thiện mô hình

Hiệu quả của mô hình kết hợp sản-nhi trong việc hồi sức cấp cứu kịp thời và chăm sóc sức khỏe cho TSS ở các bệnh viện là rất lớn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu của mô hình kết hợp sản-nhi. Bác sĩ Phạm Thiện Ngôn cho biết thêm: “Do còn hạn chế về nhân lực và trang thiết bị nên bước đầu chúng tôi chỉ mới tập trung khám sàng lọc cho những trẻ có dấu hiệu mắc bệnh. Sắp tới khi có đủ bác sĩ, chúng tôi sẽ tiến tới khám cho tất cả TSS ngay từ khi chào đời”.

Hiện tại, ở Bình Định cũng chỉ có rất ít cơ sở y tế đủ điều kiện triển khai thực hiện mô hình kết hợp sản-nhi. Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có khoa Nhi sơ sinh, thì mới có hai cơ sở y tế khác có đơn nguyên sơ sinh là Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn. Trong khi đó, sơ sinh là giai đoạn nguy cơ cao nhất trong cuộc đời trẻ. Trẻ phải tập thích nghi dần với môi trường sống mới, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, đặc biệt rất cần đến sự can thiệp của nhân viên y tế. Do đó, đặc thù của công tác cấp cứu, điều trị và chăm sóc cho TSS đòi hỏi phải có đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn sâu về nhi sơ sinh và trang thiết bị đầy đủ.

Điều đáng hoan nghênh là sau rất nhiều nỗ lực, Sở Y tế đã thực hiện tổ chức giao ban giữa khoa Sản và khoa Nhi tại bốn cơ sở y tế là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phú Phong. Theo Thạc sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Sở cũng đang xúc tiến triển khai các đơn nguyên sơ sinh tại các Trung tâm Y tế huyện.

  • Bảo Nguyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phải sâu sát và hiểu doanh nghiệp  (02/04/2009)
“Đất thiêng trên biển” được giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương  (01/04/2009)
Người mẹ lam lũ ở “thiên đường du lịch”  (01/04/2009)
Được viện trợ gần 9 tỉ đồng tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở  (31/03/2009)
Trao tặng 4 ngôi nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo  (31/03/2009)
Thầy giáo tương lai và “lỗ hổng” công nghệ thông tin  (31/03/2009)
Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng kế hoạch cá nhân làm theo tấm gương đạo đức của Bác  (31/03/2009)
Nhơn Hội hôm nay  (31/03/2009)
Bình Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975  (02/04/2009)
Trọng tâm kinh tế và các dự án luật   (30/03/2009)
Đã sẵn sàng cho ngày 1 tháng tư   (30/03/2009)
“Mặn, đắng” dưa hấu  (29/03/2009)
Kim chỉ thời nay  (29/03/2009)
Tổng kết 10 năm công tác kết nghĩa  (29/03/2009)
Các địa phương, đơn vị trong tỉnh sẽ “tắt đèn tự nguyện” 1 giờ đồng hồ  (28/03/2009)