Nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đồng thời củng cố, phát triển tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội khuyến học các cấp cho phù hợp với mục tiêu mới, trên cơ sở phát triển giáo dục chính quy theo các mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010 do Chính phủ đề ra; ngày 23.3.2009 UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 213/QĐ-UBND về kế hoạch phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2009 - 2010.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm duy trì vững chắc thành quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học. Phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80% số cán bộ cấp xã, phường, thị trấn và huyện, thành phố được học tập, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội nhằm nâng cao khả năng công tác. Đạt tỷ lệ 100% số cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước được tham gia các khóa đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ... Đạt tỷ lệ trên 85% số người lao động trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng giúp nâng cao hiểu biết, khả năng lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đạt tỷ lệ 100% huyện, thành phố có ít nhất 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên, trên 80% xã, phường, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng. Phấn đấu đến hết năm 2010 có 100% thôn, làng, khu phố, 50% cơ quan, đơn vị, 20% doanh nghiệp, công ty có tổ chức Hội khuyến học; 40% hộ gia đình có ít nhất 1 hội viên Hội khuyến học; mỗi thôn, làng, khu phố có ít nhất 25% hộ gia đình được công nhận “Gia đình hiếu học”; mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 thôn, làng, khu phố được công nhận “Thôn, làng, khu phố khuyến học”; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 xã, phường, thị trấn được công nhận “Xã,phường, thị trấn khuyến học”.
Theo đó, để thực hiện các mục tiêu trên, 4 nhóm giải pháp cụ thể đã được đề ra trong kế hoạch, bao gồm:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong cán bộ và nhân dân. Các địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn cần phối hợp tuyên truyền giáo dục thông qua nhiều hình thức phong phú như đưa công tác khuyến học, khuyến tài vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức, đoàn thể, cụm dân cư; tổ chức tuyên truyền sâu rộng thường xuyên về mục đích, ý nghĩa nội dung của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để mọi người dân nhận rõ tầm quan trọng của phong trào nhằm tạo sự đồng thuận và hưởng ứng. Trong quá trình tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chỉ thị, quyết định liên quan đến phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, cần liên hệ kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém, bài học kinh nghiệm của việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Giáo dục - Đào tạo, đóng góp xây dựng vào định hướng khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở từng địa phương, đơn vị.
Tiếp tục xây dựng và phát triển rộng khắp hệ thống giáo dục thường xuyên. Xây dựng và nâng cấp các cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ và nhân dân. Mở rộng quy mô, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp hiện có, thành lập mới các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp tại các huyện chưa có. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân có đủ điều kiện tham gia mở các cơ sở giáo dục thường xuyên. Phát triển bền vững và nhân rộng mô hình Trung tâm học tập cộng đồng trên các địa bàn xã, phường, thị trấn; phấn đấu trên 80% Trung tâm học tập cộng đồng thực chất đi vào hoạt động. Thực hiện đa dạng hóa và xã hội hóa việc huy động các nguồn lực phục vụ kịp thời hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên nói chung và Trung tâm học tập cộng đồng nói riêng.
Xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách của địa phương dành cho giáo dục thường xuyên. Xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, ngành Giáo dục - Đào tạo, Hội khuyến học, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở để triển khai, tổ chức các hoạt động cụ thể nhằm động viên, thu hút, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các chương trình dự án, chủ trương chính sách cần triển khai đến từng địa phương đều phải lập kế hoạch đưa vào hoạt động ở các Trung tâm học tập cộng đồng. Xây dựng các biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện và duy trì thường xuyên phong trào “Xây dựng tỉnh thành một xã hội học tập” có chất lượng và hiệu quả cao. Xây dựng ý thức thường xuyên tự học, tự nâng cao trình độ của mọi người và ý thức trách nhiệm của mọi gia đình, dòng họ, xóm làng, mọi tổ chức cơ quan, đơn vị... đối với phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Xây dựng các chế độ chính sách của địa phương liên quan đến kinh phí hoạt động thường xuyên, biên chế tổ chức và chế độ phụ cấp dành cho cán bộ Hội Khuyến học và Trung tâm học tập cộng đồng.
Củng cố phát triển tổ chức hội khuyến học, phát huy vai trò nòng cốt của hội khuyến học trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chú trọng việc phát triển tổ chức hội khuyến học ở cơ sở, tăng nhanh số chi hội khuyến học, hội khuyến học cơ sở và hội viên tại các thôn, làng, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp...; phát triển các Ban Khuyến học dòng họ. Củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học các cấp, xây dựng kế hoạch phát triển tổ chức Hội Khuyến học ở cơ sở và hội viên. Thường xuyên chỉ đạo và đúc rút kinh nghiệm về việc phối hợp, xây dựng tổ chức khuyến học, tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài để nâng cao chất lượng, hiệu quả họat động hội khuyến học ở cơ sở.
. Theo Cổng GTĐT UBND tỉnh
|