Ghi nhận ngày đầu tiên Tổng điều tra dân số và nhà ở
8:12', 3/4/ 2009 (GMT+7)

Sáng ngày 1.4, lực lượng điều tra viên (ĐTV) toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở (TĐTDS&NƠ) năm 2009. PV Báo Bình Định đã theo chân các ĐTV và giám sát viên để ghi nhận những diễn biến của hai ngày làm việc đầu tiên.

 

Ở các địa bàn miền núi, ban ngày đồng bào dân tộc thiểu số đi làm rẫy, nên các điều tra viên phải tranh thủ đi điều tra vào ban đêm. - Trong ảnh: Ở làng Đắk Đâm ban ngày gần như chỉ có trẻ em, còn người lớn thì lên rẫy. Ảnh: Thu Hiền

 

* Quy Nhơn: Thận trọng với những điểm dân cư chưa ổn định

Phường Nhơn Bình (Quy Nhơn) có 31 địa bàn, trong đó có 3 địa bàn mẫu; có những điểm dân cư chưa ổn định, ranh giới hành chính phân chia không rõ ràng như khu tái định cư đường Võ Thị Sáu, Cụm công nghiệp Nhơn Bình, nên quá trình điều tra dễ xảy ra sót, sai.

Theo chân ĐTV Lê Cao Hùng, chúng tôi đến hộ đầu tiên thuộc địa bàn số 25 (tổ 2, 3, KV 1, phường Nhơn Bình) - địa bàn mẫu. Chủ hộ là anh Đoàn Ngọc Minh Đức, nhân viên của Viettel Bình Định. Sau khi cho chị Lê Thị Lài - vợ anh Đức - biết mục đích cuộc điều tra, ĐTV bắt đầu hỏi và ghi thông tin vào phiếu. ĐTV cũng giải thích vì anh Đức là nhân viên trong biên chế của Quân đội nên sẽ được điều tra riêng. Sau khi ĐTV kết thúc công việc và lấy chữ ký xác nhận thông tin của đại diện hộ, các giám sát viên thuộc Ban chỉ đạo tỉnh và thành phố đã hướng dẫn ĐTV Lê Cao Hùng một vài chỗ như cách hỏi, ghi phiếu để thông tin được chính xác hơn.

Tổng hợp từ Ban chỉ đạo TĐTDS&NƠ 2009 của tỉnh cho thấy, trong ngày thứ nhất (1.4) của cuộc tổng điều tra, có 9/11 huyện, thành phố (trừ Quy Nhơn, Phù Cát) báo cáo tiến độ điều tra về Ban chỉ đạo. Theo đó, có 11.058/383.061 hộ và 43.208/1.469.745 khẩu trên toàn tỉnh đã được điều tra.

Ở địa bàn số 18 (tổ 19, 20, KV 3 phường Nhơn Bình), ĐTV Huỳnh Văn Tâm đến hộ Phạm Mến, nhưng anh Mến không có nhà. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hồng, tiếp và cung cấp số liệu cho ĐTV. “Chồng chị sinh năm nào?” - ĐTV hỏi. “Tui cũng không nhớ nữa” - chị Hồng đáp, rồi đi lấy sổ hộ khẩu để xem lại. Hộ khẩu ghi anh Mến sinh năm 1966. “Nhà ở của chị có diện tích bao nhiêu?”. “Tui cũng không biết nữa”. Những người cùng đi giúp chị ước lượng để có được con số tương đối chính xác về diện tích nhà ở của mình… Cuối buổi, giám sát viên đi cùng hỏi lại và được biết anh Phạm Mến tuổi Thìn, tức là sinh năm 1964 chứ không phải 1966. ĐTV phải sửa lại thông tin trong phiếu vì yêu cầu điều tra là theo thực tế chứ không theo giấy tờ.

Để giúp cho các ĐTV quen với công việc của mình, trong ngày đầu ra quân, các tổ trưởng thường chỉ phát cho mỗi ĐTV 4-5 phiếu điều tra. Đồng thời, các giám sát viên cũng tăng cường giám sát ĐTV trong cách phỏng vấn, ghi phiếu để điều chỉnh ngay từ đầu nếu có sai sót.

Chị Nguyễn Thị Phương Liên (cán bộ Cục Thống kê, giám sát viên địa bàn TP Quy Nhơn) cho biết: “Công tác giám sát được chia thành hai đợt, đợt một từ ngày 1.4 đến 5.4, đợt hai từ 6.4 đến khoảng 10.4. Giám sát viên có nhiệm vụ giám sát ĐTV và có thể phỏng vấn lại các hộ để kiểm tra tính chính xác của thông tin mà họ cung cấp. Chúng tôi sẽ cố gắng đi 100% địa bàn được phân công”.

 

Các giám sát viên hướng dẫn ĐTV Lê Cao Hùng (bìa phải) chỉnh sửa một số điểm trong phiếu điều tra. Ảnh: N.S

 

* Vân Canh: Tranh thủ điều tra vào ban đêm

Là một huyện miền núi, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nên công tác điều tra ở Vân Canh được Ban chỉ đạo huyện chuẩn bị khá kỹ. Vân Canh có 64 địa bàn điều tra ở 48 thôn, làng; trong đó, có 34 địa bàn điều tra mẫu. Với các địa bàn điều tra vùng xa như Canh Giao (xã Canh Hiệp), 8 làng thuộc xã Canh Liên, Ban chỉ đạo huyện đã tăng cường thêm 5 cán bộ huyện làm ĐTV. Ở các xã Canh Hiệp, Canh Thuận, Canh Hòa và thị trấn Vân Canh, một số điểm phải chọn ĐTV là người dân tộc. 

Trong ngày đầu ra quân, theo chân anh Lê Hùng Cường, một ĐTV của thị trấn Vân Canh và là người dân tộc Bana, chúng tôi có mặt tại nhà anh Mai Văn Yên, ở làng Đắk Đâm. Anh Yên đi làm rẫy, chỉ có chị Nguyễn Thị Hạnh ở nhà. Sau phần giới thiệu mục đích của cuộc điều tra bằng tiếng Kinh, anh Cường dùng tiếng Bana để lấy thông tin từ chị Hạnh. Nhưng, khi chốt xong số nhân khẩu hiện đang sinh sống tại nhà, anh Cường vấp ngay khó khăn vì chị Hạnh không nhớ tháng sinh của bà Nguyễn Thị Bức (mẹ ruột) và của cả hai vợ chồng. Anh Cường vẫn kiên nhẫn các câu hỏi gợi ý bằng tiếng Bana và  sau một hồi cố gắng, ĐTV chỉ thu thập được thông tin anh Yên sinh vào tháng 7. 

Ở nhà anh Đoàn Văn Thanh và chị Lê Thị Bút, đều là người dân tộc Bana, anh Cường cũng gặp tình trạng tương tự. Sau một hồi gắng gượng với đủ các gợi ý của ĐTV “Anh sinh vào tháng nào”, “mùa nào”, “lúc đang trồng mì hay không?”, anh Thanh cũng chỉ nhớ… mùa “kháng chiến”. “Ngoài chuyện không nhớ ngày tháng năm sinh, bây giờ đang là mùa bà con tranh thủ thu hoạch và xuống giống mì, nên đều ở ngoài rẫy, không có mặt ở nhà vào ban ngày. Thị trấn đã phát cho mình đèn pin để tranh thủ đi điều tra vào ban đêm. Mình cũng đã thông báo cho mấy người đi làm thêm ở huyện Tây Sơn về trong nay mai” - anh Cường tâm sự.

Đó là những vất vả mang tính đặc thù của các ĐTV địa bàn miền núi. Ngay sáng 1.4, dù hộ ông Đoàn Văn Thướu đã được anh Cường thông báo phải ở nhà để làm việc với ĐTV, nhưng khi ĐTV đến thì anh Thướu đã tranh thủ ra đồng để cày đám đất thổ nhân trận mưa tối hôm trước. Vậy là, ĐTV đành chờ dịp khác quay lại. 

Trong ngày giám sát đầu tiên ở làng Đắk Đâm, bà Trần Thị Hồng, Thường trực Ban chỉ đạo thị trấn Vân Canh, tỏ ra khá yên tâm bởi các ĐTV đã thực hiện đầy đủ các quy trình thu thập và ghi chép thông tin trong phiếu điều tra. “Chúng tôi đã quán triệt các ĐTV phải làm đúng quy trình để người dân hiểu và cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ. Riêng phần tên tuổi và tháng năm sinh, các ĐTV cũng phải cố gắng đưa ra nhiều gợi ý để người dân nhớ. Làm xong, đúng 17 giờ chiều cùng ngày, 11 ĐTV đều phải nộp phiếu, họp rút kinh nghiệm cho ngày sau” - bà Hồng cho biết.

 

Anh Cường (bìa trái) đang thu thập thông tin tại nhà anh Đoàn Văn Thanh và chị Lê Thị Bút.  Ảnh: T.H

 

* Hoài Nhơn: Cẩn thận địa bàn đánh bắt xa bờ

Hoài Nhơn có nhiều địa bàn đông ngư dân đánh bắt xa bờ. Xã Tam Quan Bắc có 39 địa bàn, thì có đến 18 địa bàn có người đang lênh đênh trên biển. Tuy nhiên, ông Trần Văn Tiện, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban chỉ đạo, cho biết: “Năm nay, xã không có trường hợp người đi biển quá 6 tháng, không có biến động lớn về dân số, nên công tác điều tra cũng thuận lợi hơn”.

Sáng ngày 1.4, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Hữu Hùng, ĐTV địa bàn 13, thuộc thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc đến điều tra tại hộ ông Nguyễn Chưởng. Là người dân địa phương quen thuộc địa bàn, anh Hùng nắm khá rõ về gia cảnh của ông Chưởng, do đó, anh đã lược bớt một vài bước trong quy trình phỏng vấn xác định nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ. Tuy nhiên do trình độ học vấn thấp, hai vợ chồng ông Chưởng không thể nhớ chính xác năm sinh của mình, mà chỉ nói mình “cầm tinh” con gì, anh Hùng phải dùng bảng đối chiếu năm âm lịch - dương lịch. Anh Nguyễn Cả, con trai ông Chưởng hiện đang đi câu cá ngừ đại dương, ông Chưởng kê khai thay cho con với sự gợi ý, bổ sung của ĐTV.

Anh Hùng cho biết: “Địa bàn tôi làm việc là địa bàn mẫu khá đặc biệt với 92/94 hộ có người đánh bắt xa bờ. Trong quá trình điều tra, tôi rất lưu ý đến nguồn nước sinh hoạt của dân cư (nhiều hộ dân chưa được dùng nước sạch), việc xác định người đứng tên tàu thuyền đánh cá (do nhiều người đóng góp)”.

Trong hai ngày đầu ra quân, trời mưa lớn, gây khó khăn trong đi lại, bảo quản tài liệu điều tra… nên ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả làm việc. Hy vọng những ngày tiếp theo, khi đã quen việc, các ĐTV làm việc hiệu quả hơn.

  • Nguyên Sương - Thu Hiền - Văn Trang

Bà Hoàng Thị Hồng Liên, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo TĐTDS&NƠ tỉnh:

Trong ngày đầu tiên (1.4) ra quân Tổng điều tra, các ĐTV chưa quen việc nên còn hơi lúng túng, dẫn đến tiến độ điều tra chậm; mặt khác, vào buổi chiều trời mưa nên nhiều ĐTV không thể đi điều tra được. Sang ngày thứ hai (2.4), các ĐTV có quen việc hơn, nhưng nói chung vẫn còn chậm. Những ngày sau, khi các ĐTV thuần thục thì tiến độ điều tra chắc chắn sẽ tăng hơn, để đảm bảo tiến độ bình quân theo quy định. Hầu hết các tổ trưởng cũng đi cùng ĐTV để giám sát. Nhiều tổ trưởng và ĐTV đã liên hệ với đường dây nóng của Ban chỉ đạo tỉnh để trao đổi thêm về nghiệp vụ.

Về công tác giám sát, trong hai ngày qua, hầu hết các xã, phường đều có các giám sát viên của tỉnh và huyện đi cùng để kịp thời giúp ĐTV chỉnh sửa các sai sót và lưu ý các tổ trưởng những vấn đề gặp phải có thể dẫn đết sai, sót trong quá trình điều tra.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập  (02/04/2009)
Một giải pháp đưa dịch vụ y tế đến gần dân hơn  (02/04/2009)
Triển khai mô hình kết hợp sản - nhi  (02/04/2009)
Phải sâu sát và hiểu doanh nghiệp  (02/04/2009)
“Đất thiêng trên biển” được giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương  (01/04/2009)
Người mẹ lam lũ ở “thiên đường du lịch”  (01/04/2009)
Được viện trợ gần 9 tỉ đồng tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở  (31/03/2009)
Trao tặng 4 ngôi nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo  (31/03/2009)
Thầy giáo tương lai và “lỗ hổng” công nghệ thông tin  (31/03/2009)
Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng kế hoạch cá nhân làm theo tấm gương đạo đức của Bác  (31/03/2009)
Nhơn Hội hôm nay  (31/03/2009)
Bình Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975  (02/04/2009)
Trọng tâm kinh tế và các dự án luật   (30/03/2009)
Đã sẵn sàng cho ngày 1 tháng tư   (30/03/2009)
“Mặn, đắng” dưa hấu  (29/03/2009)