Hiện nay ở huyện Hoài Nhơn, dịch bệnh diễn biến tương đối phức tạp. Dịch thủy đậu gia tăng đột biến, kèm theo đó là các dịch bệnh mùa hè như quai bị, tay- chân - miệng, sốt xuất huyết, cúm A (H5N1) ở người, sởi, sốt phát ban dạng sởi có nguy cơ bùng phát. Chỉ tính riêng trong tháng 3.2009, toàn huyện đã có 73 ca mắc dịch thủy đậu tại 9/17 xã, thị trấn, tăng 63 ca so với tháng trước (riêng trong tuần đầu từ ngày 2 - 7.3.2009, đã phát hiện có 68 ca thủy đậu phải nhập viện điều trị); 14 ca mắc bệnh quai bị; 2 ca mắc bệnh tay - chân - miệng; sốt phát ban nghi sởi 2 ca; sốt xuất huyết Dengue 1 ca. Hầu hết các ca mắc dịch thủy đậu đều xảy ra ở các xã phía bắc huyện, đáng lo ngại có nơi như Hoài Phú, Hoài Thanh Tây đều phát hiện dịch thủy đậu và sởi.
|
Tiêm vắc-xin phòng chống viêm não Nhật Bản cho trẻ em thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn. Ảnh: Thành Tấn
|
Trước tình hình trên, các ngành, các cấp ở Hoài Nhơn đã chỉ đạo việc xử lý môi trường ở các hộ gia đình và các trường học có dịch, đặc biệt chú trọng phòng, chống dịch sởi, sốt phát ban dạng sởi do biến chứng nguy hiểm của dịch này nếu để dịch bùng phát ra diện rộng. Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Công văn số 348/UBND - VX ngày 12.2.2009 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch sởi và sốt phát ban dạng sởi; Công văn số 110/SYT - NVY ngày 16.2.2009 của Sở Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sởi, sốt phát ban dạng sởi và cúm A (H5N1) ở người. Các ngành, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương các cấp đã tiến hành vận động đoàn viên, hội viên tham gia tích cực các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền cho hội viên và nhân dân nhận thức đúng về sự nguy hiểm của dịch bệnh để mọi người hiểu, tự giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả.
Ở các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp với trạm y tế xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch sởi, sốt phát ban dạng sởi và cúm A (H5N1) ở người, lợi ích của công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi và tiêm nhắc lại cho học sinh lớp 1; vận động nhân dân đi tiêm phòng vắc-xin MMR (Sởi - quai bị - rubella) để phòng bệnh.
Là cơ quan chủ đạo trong công tác phòng, chống dịch, Phòng Y tế đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức giám sát, theo dõi dịch bệnh ở các địa bàn trọng điểm trong huyện; kiểm tra công tác triển khai phòng, chống dịch của các xã, thị trấn; tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, xử lý nghiêm các cơ sở cố tình lưu giữ bệnh nhân dịch tại nhà để điều trị mà không khai báo. Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các bộ phận trực thuộc và trạm y tế xã, thị trấn tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn phòng, chống dịch sởi, sốt phát ban dạng sởi, cúm A (H5N1) đạt hiệu quả; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện để chủ động xử lý khi có dịch xảy ra; tiếp nhận, cách ly, điều trị kịp thời, đúng phác đồ, không để bệnh nhân diễn biến nặng hoặc tử vong. Mặt khác, việc cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về phòng chống dịch cho Đài truyền thanh huyện đưa tin đã được ngành y tế tiến hành thường xuyên, góp phần đem lại kênh thông tin phong phú cho nhân dân.
Tại các trường THCS, Tiểu học, Mầm non trên địa bàn huyện, dưới sự chỉ đạo của Phòng GD - ĐT huyện, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho học sinh thực hiện tốt vệ sinh, tiêm chủng để phòng bệnh; phối hợp với ngành y tế tổ chức tốt các đợt tiêm vắc-xin sởi cho học sinh lớp 1; theo dõi và báo cáo kịp thời cho cơ quan y tế địa phương các trường hợp học sinh có biểu hiện bệnh.
Theo nhận định của ngành y tế huyện, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh là người lớn chưa được tiêm phòng sởi hoặc không nhớ tình trạng tiêm chủng của bản thân. Hiện dịch sởi đã bùng phát ở một số tỉnh miền Bắc. Tỉnh Bình Định nói chung và Hoài Nhơn nói riêng không nằm ngoài nguy cơ của dịch bệnh nếu chúng ta đứng ngoài cuộc…
|