Những chiến sĩ công binh trong thời bình
8:33', 6/4/ 2009 (GMT+7)

Chiến tranh đã lùi xa 34 năm, nhưng ở Bình Định vẫn còn rất nhiều bom, mìn và các loại vật liệu nổ khác đang nằm trong lòng đất. Ngày lại ngày, các chiến sĩ Đại đội Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) vẫn thầm lặng dò tìm, xử lý bom, mìn. Nơi nào bước chân của các anh đi qua là nơi ấy hồi sinh thêm những vùng đất mới cho công trình mọc lên...

 

Rà phá bom, mìn, vật liệu nổ. Ảnh: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

 

Đại đội Công binh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được thành lập trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, với nhiệm vụ rà phá bom mìn mở đường cho các trận đánh, các chiến dịch lớn của lực lượng vũ trang tỉnh. Ngày nay, dù chiến tranh đã đi qua 34 năm nhưng những chiến sĩ ở Đại đội này vẫn tiếp tục đối mặt với những hiểm nguy, cho những mảnh đất còn chất chứa bom đạn được hồi sinh thành những công trình.

Đối với công việc xử lý bom, mìn, ở Đại đội Công binh chỉ có một vài người là có kinh nghiệm, còn lại đa số là các chiến sĩ binh nhất phải lên đường làm nhiệm vụ chỉ sau một khóa huấn luyện. Đại úy Mai Xuân Sơn, Chính trị viên Đại đội, cho biết: “Với những chiến sĩ mới vào nghề, đơn vị tổ chức huấn luyện về kỹ thuật rà phá bom, mìn, chuẩn bị từ giáo án, mô hình học cụ đến tranh vẽ, đặc biệt là mô hình thật đã được xử lý an toàn, nhằm giúp chiến sĩ tiếp xúc, nắm bắt được cụ thể từng loại bom, mìn, vật liệu nổ. Trong huấn luyện, đơn vị cũng quán triệt rõ mục đích, yêu cầu, đặc biệt tập cho các chiến sĩ tính cẩn thận, tỉ mỉ và tuân thủ theo quy tắc an toàn trong quá trình xử lý”.

Đại úy La Văn Lợi, Đại đội phó Quân sự của Đại đội, người dày dạn kinh nghiệm trong việc xử lý bom, mìn, vật nổ cũng như chất hóa học, giới thiệu nhanh với tôi tính năng của từng loại bom, đạn mà dường như chúng đã quá quen thuộc với anh. Anh Lợi thuyết minh: “Chúng tôi tiếp xúc với những loại bom, mìn như cơm bữa. Tuy nó vô tri, vô giác, nhưng nếu không biết được đặc tính của từng loại thì sẽ rất nguy hiểm trong quá trình tìm kiếm, vận chuyển, tiêu hủy”.

Bom có nhiều loại. Có loại nghe rất ghê gớm vì sức công phá, sát thương của nó khi phát nổ, nhưng lại dễ xử lý. Còn có những loại trông bình thường, nhưng lại rất đáng gờm. Có những loại bom chỉ cần bỏ xuống hố, đổ muối và dung dịch hủy vào, sau một thời gian sẽ tự hủy. Bom, đạn phốt - pho mới đáng gờm. Bởi những ống phốt- pho sau hàng chục năm nằm yên trong đất, lớp kim loại vỏ bọc đã bị hoen gỉ, chất phốt- pho rò rỉ ra ngoài, hễ gặp không khí là tự nổ, cháy. Có những quả đạn phốt- pho như vậy nằm sát khu vực dân cư, không thể hủy tại chỗ. Để chuyển nó đi xa, các chiến sĩ phải dùng băng, gạc y tế thấm đẫm nước bao bọc lại những chỗ rò rỉ, buộc chặt, rồi nhẹ nhàng chở ra bãi hủy. Hoặc có những quả bom nặng từ 250 cân Anh trở lên, nằm sâu trong lòng đất hàng chục mét, các anh phải vật lộn với chúng hàng tuần...

 

Thu gom bom, mìn, vật liệu nổ để xử lý. Ảnh: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

 

Theo Đại úy Lợi, trong những năm tháng anh cùng các chiến sĩ ở Đại đội Công binh tham gia rà phá bom, mìn, thì khu vực kho đạn Đèo Son (TP Quy Nhơn) và khu vực đồi Lâm Viên (Vĩnh Thạnh) là những nơi gian khổ và nguy hiểm nhất. Bởi kho đạn Đèo Son là một cụm kho của Mỹ để lại, bom, mìn, vật liệu nổ nằm rải khắp nơi trên mặt đất chứ chưa nói dưới lòng đất. Trong khi đó, vật liệu nổ thì đa dạng về chủng loại, nhiều loại phải tra sách để biết được tính năng, cấu tạo và nguyên lý hoạt động để có biện pháp xử lý hiệu quả. Còn tại đồi Lâm Viên, lúc đầu đơn vị chỉ dự định rà phá bom, mìn trong một tháng là xong, nhưng khi bắt tay vào làm thì mới phát hiện bom, mìn dày đặc, có nhiều loại phức tạp nên phải xử lý đến ba tháng mới hoàn thành...

Sau nhiều năm tham gia rà phá bom, mìn, vật liệu nổ, các chiến sĩ Đại đội Công binh đã biến hàng trăm ha đất chết trên địa bàn tỉnh hồi sinh trở lại, thu gom xử lý an toàn hàng trăm ngàn quả bom, mìn, vật liệu nổ các loại.

Thiếu úy Nguyễn Thành Long tâm sự: “Mỗi khi đi ngang qua những vùng đất được anh em ở đơn vị xử lý bom, mìn xong, nhìn thấy các khu công nghiệp, nhà máy, trường học, công viên, khu dân cư... mọc lên, là chúng tôi vui mừng vì đã góp được một phần công sức nhỏ bé vào sự phát triển đó”.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm và làm việc tại Bình Định  (06/04/2009)
Sẽ tổ chức Hội thảo quy hoạch TP Quy Nhơn   (05/04/2009)
Các thành viên Chính phủ kiểm tra việc thực hiện ba chương trình lớn tại các địa phương   (05/04/2009)
Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ   (05/04/2009)
Triển khai thực hiện Pháp lệnh Công an xã  (04/04/2009)
Khi chồng nghiện game…  (04/04/2009)
Chủ động phòng chống dịch bệnh  (04/04/2009)
87/159 xã, phường, thị trấn có Phó Trưởng Ban Dân vận Đảng ủy  (03/04/2009)
Trao 90 suất học bổng cho học sinh nghèo  (03/04/2009)
Toàn tỉnh có mưa trên diện rộng  (03/04/2009)
Cảnh sát giao thông được dân khen  (03/04/2009)
Ghi nhận ngày đầu tiên Tổng điều tra dân số và nhà ở  (03/04/2009)
Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập  (02/04/2009)
Một giải pháp đưa dịch vụ y tế đến gần dân hơn  (02/04/2009)
Triển khai mô hình kết hợp sản - nhi  (02/04/2009)