Nước ta là nước nông nghiệp nên trong thời kỳ hội nhập, hướng phát triển vẫn là tập trung vào nông nghiệp. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa cũng phải phục vụ cho phát triển nông nghiệp.
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết về “Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Nghị quyết đã xác định mục tiêu quan trọng là: Trong những năm tới xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; bảo đảm và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, để không thua kém xa so với các đô thị.
Hiện nay, nông nghiệp trong cả nước có cơ cấu sản xuất không ổn định do bị chi phối bởi thị trường tự do, người nông dân thường hay chuyển đổi tự phát phương thức canh tác. Việc chuyển đổi tự phát, thiếu quy hoạch này đã phá vỡ cân bằng sinh thái phải mất nhiều thời gian, công sức để khôi phục... Thực tế này cho thấy, nhất thiết Nhà nước phải có sự điều phối chung trong quy hoạch, định hướng phát triển vật nuôi, cây trồng sao cho phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và trong quy hoạch chung của cả nước; đồng thời, phải giải quyết khâu “đầu ra” cho sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu. Thực hiện hỗ trợ mạnh mẽ để tăng cường khả năng nhận biết các dấu hiệu thị trường và năng lực kinh doanh của nông dân và ở khu vực nông thôn.
Trong bối cảnh mới, từng nông hộ riêng lẻ sẽ không thể canh tác có hiệu quả trên mảnh đất nhỏ và cũng không thể đối phó các vấn đề từ toàn cầu hóa một cách hiệu quả. Nông nghiệp cần được gia tăng đầu tư và tạo ra môi trường kinh doanh mới trong nông nghiệp và nông thôn. Đặc biệt là đầu tư cải thiện hiệu quả của kinh tế nông nghiệp, bao gồm cả công nghệ sau thu hoạch.
Nhà nước cần có sự hỗ trợ đầu tư cho nông dân để tăng cường năng lực dự trữ, giúp người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn khi giá tăng và giảm bớt bất lợi bởi yếu tố mùa vụ. Khả năng dự trữ của nông dân bị hạn chế bởi thiếu kho chứa và nhu cầu tiền mặt để hoàn trả các khoản nợ chi phí sản xuất, vì thế một hệ thống tín dụng tốt ở nông thôn có thể giúp cho việc này. Ngay cả trong thời kỳ lạm phát, biện pháp trợ cấp trực tiếp cho người nghèo cũng không hiệu quả bằng việc cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng nông nghiệp và hàng hóa dịch vụ đến được khu vực nông thôn một cách thuận lợi.
Đầu tư lớn vào nông nghiệp và nông thôn là kế sách lâu dài, chống đỡ lạm phát hữu hiệu và tạo lập nền tảng cho các công nghiệp chế biến phát triển. Tăng thu nhập bền vững cho nông dân chính là đầu tư vào hạ tầng, nguồn lực, thể chế, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận thông tin mới, gia nhập thị trường, tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp và chế biến thực phẩm toàn cầu. Cần có làn sóng mới đầu tư vào nông nghiệp mới có thể làm giàu được cho khu vực nông thôn.
|