Tối nào cũng vậy, cứ cơm nước xong, bà Năm lại xách quạt sang nhà bà Bảy. Nhà bà Bảy ở giữa xóm, con cái đi làm ăn xa hết, là điểm hẹn lý tưởng của các bà từ “sồn sồn” đến hàng “lão” để tỉ tê chuyện làng chuyện xóm. Chuyện bà Tư Sứt đêm qua bị mất ổ gà, sáng dậy chửi vang cả xóm. Chuyện vợ thằng Kim mới ở thành phố về, bữa nào đi ăn sáng cũng mặc bộ đồ ngủ. Chuyện mụ Đúng cưới vợ cho con trai mà tính toán sợ lỗ không dám làm đám đãi bà con hàng xóm…
Bà Năm là kho chuyện của cả nhà. Hôm nào ăn cơm bà cũng ngồi kể lể. Đứa cháu nội tròn mắt nghe, quên cả ăn. Cô con dâu thì tủm tỉm cười. Chỉ có anh con trai lâu lâu lại bực mình: “Má bớt đi lại với mấy người nhiều chuyện đó đi. Đèn nhà ai nấy tỏ, suốt ngày xỏ mũi, săm soi vào chuyện nhà người ta, không hay đâu!”. Cô con dâu bênh mẹ chồng: “Thì má rảnh rỗi, chuyện trò với các cụ cho khuây khỏa, chứ đã gây gổ gì với ai đâu mà anh lo”. Mặc ai nói gì thì nói, bà Năm vẫn cười.
Anh con trai bà Năm lo lắng cũng không thừa. Bởi từ cái hội của những bà rảnh rang ấy, khối chuyện bí mật theo kiểu “tôi chỉ nói với bà thôi đấy, cấm kể cho ai nghe à” chỉ cần một đêm đã lan ra cả xóm. Và không ít chuyện bi hài đã diễn ra. Mẹ chồng nói xấu nàng dâu, nàng dâu nghe được lại mặt nặng mày nhẹ. Chuyện “hậu trường” ma chay, cưới hỏi cũng đem ra “phân tích”, “bình luận”, đến khi lan truyền ra lại làm nhiều người xấu mặt với bà con xóm giềng. Rồi nhiều chuyện bé cứ xé mãi ra to, “gây mất đoàn kết trong nội bộ dân cư”- như ông thôn trưởng kết luận trong một buổi họp dân.
Ai cũng cho việc các bà tụ tập đêm đêm là xấu, cho đến khi xảy ra chuyện của mẹ con chị Tí.
Chị Tí mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lại bị phỏng ở mặt, rất khó coi. Chị hiền lành, thật thà như cục đất, sống thui thủi một mình đến năm 40 tuổi. Chẳng biết gã ác nhơn nào ngon ngọt dụ dỗ, làm chị mang bầu. Cái tin chị Tí không chồng mà chửa lan nhanh hơn tốc độ đường truyền “in-tẹc-nét”. Thôi thì đủ kiểu đàm tiếu, chê bai, chửi bới.
Đêm ấy, bà Năm, bà Bảy và mấy bà trong nhóm tập trung lại. Bà Năm trầm ngâm: “Con Tí mồ côi từ nhỏ, hay lam hay làm, hiền quá mà bị người ta lừa. Là đàn bà với nhau, thấy nó mà thương. Mình phải giúp nó, chứ không nên xa lánh nó”. Các bà đều gật gù, cho là phải.
Đến ngày chị Tí vượt cạn, bà Năm, bà Bảy lặng lẽ thay nhau chăm sóc chị. Rồi hai bà đi đến từng nhà, góp từng cái trứng, củ nghệ. Bà Năm còn về nhà khi thì nhón nắm gạo, khi bớt miếng thịt nạc sang nấu cháo cho chị Tí ăn cho có sữa. Cô con dâu chừng như hiểu ý mẹ chồng, mỗi lần đi chợ lại cố ý mua thêm mớ rau, tí thịt.
Ngày con gái chị Tí lẫm chẫm tập đi, mấp máy tập nói, má nó tập cho nó biết gọi ngoại Năm, ngoại Bảy. Các bà móm mém cười rạng rỡ…
|