Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản
8:32', 15/4/ 2009 (GMT+7)

Từ đầu tháng 4.2009, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh) đã được đổi tên thành Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS), đồng thời được giao thêm một số chức năng, nhiệm vụ mới. PV Báo Bình Định đã trao đổi với kỹ sư Nguyễn Hữu Hào, Chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS, về một số hoạt động của Chi cục.

 

Chi cục BVNLTS phối hợp với UBND huyện Phù Mỹ tổ chức truyền thông BVNLTS và thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ. Ảnh: V. Vinh.
 

* Ông có thể cho biết công tác BVNLTS trên các vùng đầm nước lợ lớn ở tỉnh ta hiện nay như thế nào?

- Toàn tỉnh có 34 xã-phường ven đầm-biển, nên công tác BVNLTS luôn là một “mặt trận nóng bỏng”, đòi hỏi Chi cục phải phối hợp với các địa phương liên quan và lực lượng chức năng tiến hành thường xuyên, liên tục và đồng bộ bằng nhiều biện pháp, từ tuyên truyền, vận động đến tuần tra, kiểm soát trên biển, nhất là trên các vùng đầm, phá như: Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ nhằm triệt tiêu các hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) bằng những nghề cấm, như xung điện, xiết máy (XĐXM) chẳng hạn. Đồng thời, Chi cục cũng đã và đang nghiên cứu, tìm cách tái tạo, phục hồi môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tại các vùng đầm này thông qua một số dự án đã và đang được thực hiện.

Thời gian qua, việc hạn chế sử dụng các loại nghề cấm để KTTS trên các vùng đầm ở tỉnh ta đã có bước tiến triển đáng kể. Nguyên nhân chính là phong trào toàn dân BVNLTS đã đi dần vào chiều sâu, được đông đảo nhân dân đồng tình và tích cực hưởng ứng; một số dự án bảo vệ môi trường sinh thái vùng đầm được triển khai có hiệu quả, đáng kể nhất là mô hình đồng quản lý được thực hiện tốt ở các địa phương ven đầm Trà Ổ. Bên cạnh đó, ngành chức năng thực hiện Quyết định 289 của Chính phủ đã kiên quyết không hỗ trợ tiền dầu cho các chủ phương tiện làm các nghề KTTS có trong danh mục cấm, nên một số ngư dân đã cam kết bỏ nghề XĐXM...

Hiện nay việc sử dụng nghề cấm để KTTS hầu như còn rất ít ở đầm Trà Ổ. Đầm Thị Nại đã giảm 2/3 số thuyền hành nghề XĐXM; còn lại 14 thuyền, chủ yếu ở xã Phước Thuận (Tuy Phước). Ở đầm Đề Gi, theo thống kê mới đây của UBND xã Cát Minh (Phù Cát), vẫn còn đến 35 thuyền hành nghề XĐXM.

 

Hiện nay việc sử dụng nghề cấm để khai thác thủy sản hầu như còn rất ít ở đầm Trà Ổ. Ảnh: Đào Tiến Đạt
 

* Theo ông, cần làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất nạn XĐXM trên các vùng đầm?

- Cần phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân tham gia BVNLTS; đề nghị tỉnh đưa phong trào này trở thành một trong những phong trào lớn của tỉnh, đưa vào tiêu chuẩn bình xét làng văn hóa, gia đình văn hóa... Chi cục hiện đang triển khai công tác truyền thông Chương trình 131 về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; trong năm 2009 này sẽ hỗ trợ kinh phí thông tin, tuyên truyền cho 34 địa phương ven đầm-biển với tổng số tiền 34 triệu đồng. Củng cố mô hình đồng quản lý ở các vùng ven đầm Trà Ổ; nghiên cứu nhân rộng ở vùng đầm Thị Nại. Xây dựng mô hình này ở vùng ven biển, sẽ thí điểm tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Chi cục cũng sẽ phối hợp với tình nguyện viên quốc tế (tổ chức VSA) xây dựng một mô hình mới về BVNLTS.

Ngoài ra, Chi sục sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát ở các vùng đầm có XĐXM; phối hợp với huyện Phù Cát và các địa phương ven đầm Đề Gi thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế và đi đến chấm dứt nạn XĐXM tại đây...

Triển khai thực hiện Thông tư 61 của Bộ NN-PTNT về việc tổ chức bộ máy các Sở NN-PTNT, trong đó Chi cục BVNLTS đã được đổi tên thành Chi cục KT-BVNLTS và thêm một số chức năng, nhiệm vụ. Mới đây Chi cục đã chuyển giao bộ phận kiểm dịch thú y thủy sản sang Chi cục Thú y; tiếp nhận thêm bộ phận quản lý khai thác thủy sản. Hiện nay Chi cục đang củng cố tổ chức bộ máy, sắp xếp lại các phòng ban cho phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

* Được biết công tác đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền không số được Chi cục triển khai khá tốt trong thời gian qua; vậy công tác này đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Thông qua thực hiện Quyết định 289, từ tháng 3.2008 đến 31.12.2008 Chi cục đã đăng ký mới cho 3.500 tàu cá các loại trên địa bàn tỉnh; trong số này có khoảng 50% là tàu thuyền không số. Có thể nói rằng Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ mang đậm tính nhân văn, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục ra khơi đánh bắt, góp phần khắc phục khó khăn cho ngư dân và phát triển nghề cá.

Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng có các chính sách hỗ trợ như tạm hoãn nộp thuế trước bạ đến 31.12.2008 khi đăng ký tàu thuyền đối với tàu cá dưới 40 CV; không đòi hỏi các chứng từ gốc khi đóng hoặc mua sắm tàu mà chỉ cần chính quyền địa phương xác nhận nguồn gốc hợp pháp của tàu là được phép đăng ký... Nhờ đó nhiều ngư dân đã đăng ký phương tiện hành nghề của mình.

Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh vẫn còn khoảng 300 tàu thuyền chưa đăng ký, tập trung ở Tuy Phước, Phù Cát, TP Quy Nhơn. Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương rà soát và tiến hành đăng ký cho số phương tiện này trong năm nay.

* Xin cảm ơn ông!

  • Thúy Vi (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đã điều tra trên 90% số hộ và số khẩu  (14/04/2009)
Được đầu tư 23 tỉ đồng nâng cao năng lực hệ thống y tế tuyến huyện  (14/04/2009)
Thầm lặng những chiến công  (14/04/2009)
Chuyện dạy học ở Cát Thành  (14/04/2009)
Đoàn đại biểu tỉnh đi thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa  (14/04/2009)
Tiếp tục duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội  (13/04/2009)
Phát động “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2009  (13/04/2009)
Chuyện hàng xóm…   (12/04/2009)
Phê duyệt Chương trình ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước tỉnh   (12/04/2009)
Ông Vũ Hoàng Hà tiếp Đoàn cán bộ Trường Chính trị - Hành chính Chămpasăk   (12/04/2009)
Kiểm soát tiến độ, chống lướt nhanh vào những ngày cuối giai đoạn điều tra dân số và nhà ở   (12/04/2009)
Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động nhân dân  (11/04/2009)
Trường Chính trị - Hành chính Chămpasăk trao đổi kinh nghiệm với Trường Chính trị tỉnh  (11/04/2009)
Lớn mạnh không ngừng  (11/04/2009)
Triển khai Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh  (11/04/2009)