Những cánh chim không mỏi
8:23', 15/4/ 2009 (GMT+7)

Tại Hội nghị biểu dương Già làng là người cao tuổi thuộc các tỉnh Tây Nguyên (tổ chức tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, tháng 3.2009), Bình Định có ba đại biểu được mời dự. Họ là những tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực giữ gìn an ninh Tổ quốc, phát triển KT-XH và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

* Cháy mãi ngọn lửa nhiệt huyết

64 tuổi, đã đến cái tuổi được an nhàn, nhưng già làng Đinh Yôl, ở làng K2, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) vẫn hoạt động không ngơi nghỉ.  Bằng uy tín của mình, già làng Đinh Yôl nhiều lần đi đến từng nhà để vận động bà con cùng góp sức mở một con đường từ trung tâm làng đi đến các khu sản xuất để tiện việc vận chuyển nông sản. Ông hướng dẫn bà con thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu; bỏ dần các tập quán lạc hậu, nạn mê tín dị đoan...

 

Các già làng: Đinh Yôl, Đinh Trận, Đinh Văn Nhin (từ trái qua).  Ảnh: Quốc Việt

 

Nhờ vậy, nhiều tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ; người dân khi đau ốm không còn cúng bái mà đã đi bệnh viện để chữa trị, phong trào “ba không” phát huy hiệu quả. Già làng Đinh Yôl cũng đã cùng Ban quản lý làng, phối hợp với công an, giải quyết dứt điểm 2 vụ nghị kỵ “ma gang”, hòa giải thành công 5 vụ mâu thuẫn gia đình, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị liên quan tới tình hình an ninh chính trị cho công an xử lý…

Đóng góp nhiều cho làng như vậy, nhưng già làng Đinh Yôl vẫn khiêm tốn: “Tôi chỉ cố gắng đem hết những điều mình biết, mình thấy giúp cho bà con hướng làm ăn để cuộc sống họ đỡ cơ cực. Làm được điều gì tốt cho làng, cho bà con là tôi gắng sức, không ngại khó, ngại khổ”.

Với những thành tích đạt được, già làng Đinh Yôl đã được Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Công an tỉnh tặng bằng khen về thành tích vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về thành tích trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc.  

Cũng như già Đinh Yôl, già làng Đinh Trận, người Chăm H’roi, ở thị trấn Vân Canh (Vân Canh), tuy đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn hăng hái trong việc làng. Bằng tất cả lòng nhiệt thành của mình, ông đã cùng tập thể Ban quản lý làng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ngoài ra, ông còn góp phần tích cực vào công tác lồng ghép, thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc với các chính sách KT-XH, quốc phòng an ninh, từng bước làm thay đổi cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào người dân tộc thiểu số một cách bền vững.

* “Mình phải làm gương cho bà con”

Cũng vậy, già làng Đinh Văn Nhin, người H’rê, ở thôn Gò Bùi, thị trấn An Lão, dù ở tuổi hưu nhưng vẫn cảm thấy “không yên cái bụng” khi đời sống bà con còn vất vả. Ông hiểu rất rõ nguyên nhân của sự nghèo đói đeo bám dân làng: “Cái nhược của bà con là làm ra nhiều sản phẩm, nhưng chi tiêu không tính toán nên dẫn đến đói nghèo”. Và ông muốn góp phần làm thay đổi điều đó.

Thôn Gò Bùi được thành lập từ khi có thị trấn An Lão (năm 2007), với khoảng 200 nhân khẩu đến từ các thôn Suối Kôn, Đất Vành, Hóc Đèn. Đất mới, con người mới, nên cuộc sống khó khăn nhiều mặt. Với cương vị là Trưởng thôn, ông cố gắng tiếp thu những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH; học hỏi các mô hình làm kinh tế rồi vận động bà con cùng làm.

Ông đã đi đến từng nhà, nơi sản xuất, để tâm tình với bà con rằng dân làng phải biết sống đoàn kết, thương yêu nhau; gia đình phải thuận hòa. Đặc biệt, để bà con hiểu rõ hơn những chủ trương của Đảng và Nhà nước, ông tự sáng tác những bài hát với ca từ mộc mạc, gắn liền với cuộc sống lao động, để bà con dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo.

Để rồi giờ đây, người dân Gò Bùi đã biết làm lúa nước, dùng giống lúa lai, sử dụng nguồn nước sạch, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Ngoài việc phát triển cây công nghiệp lâu năm, ông còn vận động bà con đi khai thác các loại lâm sản như: mây, trái ươi, mật ong về bán để trang trải cuộc sống... Dẫu vẫn còn khó khăn, nhưng giờ đây, thôn Gò Bùi đã không còn hộ đói; số hộ nghèo giảm nhanh từng năm.

Trò chuyện với già làng Đinh Văn Nhin, hỏi việc giúp cộng đồng người H’rê ở làng mình xóa đói, giảm nghèo có khó không, ông bảo: “Việc này không phải dễ, vì bà con đã quen với tập quán làm ăn sinh sống lâu đời. Muốn thay đổi cách nghĩ, cách làm của họ thì mình phải là người đi đầu, phải làm gương. Bà con thấy mới tin làm theo”.

Với những già làng như Đinh Yôl, Đinh Trận, Đinh Văn Nhin, việc giúp cho cuộc sống của bà con người dân tộc thiểu số vươn lên, thoát khỏi tập tục lạc hậu và bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc... không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn là tâm huyết cả đời.

  • Quốc Việt
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản   (15/04/2009)
Đã điều tra trên 90% số hộ và số khẩu  (14/04/2009)
Được đầu tư 23 tỉ đồng nâng cao năng lực hệ thống y tế tuyến huyện  (14/04/2009)
Thầm lặng những chiến công  (14/04/2009)
Chuyện dạy học ở Cát Thành  (14/04/2009)
Đoàn đại biểu tỉnh đi thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa  (14/04/2009)
Tiếp tục duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội  (13/04/2009)
Phát động “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2009  (13/04/2009)
Chuyện hàng xóm…   (12/04/2009)
Phê duyệt Chương trình ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước tỉnh   (12/04/2009)
Ông Vũ Hoàng Hà tiếp Đoàn cán bộ Trường Chính trị - Hành chính Chămpasăk   (12/04/2009)
Kiểm soát tiến độ, chống lướt nhanh vào những ngày cuối giai đoạn điều tra dân số và nhà ở   (12/04/2009)
Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động nhân dân  (11/04/2009)
Trường Chính trị - Hành chính Chămpasăk trao đổi kinh nghiệm với Trường Chính trị tỉnh  (11/04/2009)
Lớn mạnh không ngừng  (11/04/2009)