Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội quý I và các giải pháp chủ yếu từ nay đến cuối năm, Bộ Chính trị nêu rõ: từ nay đến cuối năm, cần tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Theo đánh giá của Bộ Chính trị, nền kinh tế nước ta có nhiều lĩnh vực còn có thể tăng trưởng tốt khi triển khai các giải pháp kích cầu, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường kích cầu vào nông nghiệp, nông thôn là giải pháp mang tính chiến lược, vì vậy cần phải có các giải pháp tình thế, kiên quyết, kịp thời và tập trung cho các lĩnh vực này.
Hiện nay, cùng với các khó khăn về thị trường tiêu thụ, ngành nông nghiệp còn phải thường xuyên đối mặt thiên tai, dịch bệnh, trong khi công tác chỉ đạo điều hành sản xuất còn nhiều bất cập, chất lượng sản phẩm thấp, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân yếu kém, hệ thống thu mua phân phối, lưu kho, tiếp thị... chưa hoàn chỉnh, là những khó khăn ngày càng trở nên rõ rệt, nhất là trong tình hình hiện nay.
Chương trình kích cầu trong nông nghiệp, vì vậy cần được thực hiện theo hướng trọng tâm là điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất cho phù hợp với thị trường tiêu thụ. Những nông sản nào có lợi thế về thị trường thì được đầu tư đẩy mạnh lên mức tối đa. Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho nông dân về vốn, giống… Còn các mặt hàng đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu thì được điều chỉnh bằng cách giảm diện tích và sản lượng.
Để kích cầu nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ nông dân vốn mua máy móc, vật tư cho sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch; tăng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; đưa hàng hóa về nông thôn để tăng sức mua; mua dự trữ một số nông sản chủ chốt để bình ổn giá thị trường.
Nhà nước cũng cần có giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu đi liền với việc khai thác lợi thế thị trường nội địa là nông thôn. Thị trường nông thôn nước ta rộng lớn, dân số đông, có nhiều tiềm năng tiêu thụ hàng nông sản nhưng thực tế mức tiêu thụ ở khu vực này thấp. Kích thích và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sẽ góp tăng thu nhập của nông dân và làm tăng nhu cầu của cả xã hội.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện kích cầu vào nông nghiệp sẽ làm tăng thu nhập cho một hộ nông thôn thêm 1,63%. Bên cạnh đó, theo tính toán, nếu tăng cầu 1% trong nông nghiệp, nông thôn sẽ làm tăng GDP cả nước lên 1,2%.
Thực hiện tốt chủ trương kích cầu trong nông nghiệp, ngoài việc giúp người dân nông thôn tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, còn là giải pháp quan trọng giúp ngành nông nghiệp đổi mới cơ chế chính sách, phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
|