BỔ SUNG NHÂN LỰC Y TẾ THEO THÔNG TƯ 08:
Chưa kịp mừng đã vội lo!
8:54', 16/4/ 2009 (GMT+7)

Thông tư liên tịch 08 ngày 5.6.2007 của Liên bộ Y tế - Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước , được xem là một giải pháp giúp ngành y tế mở “nút thắt” quá tải ở các cơ sở y tế. Nhưng chưa kịp mừng, thì các cơ sở y tế đã phải lo vì kiếm đâu ra người...

 

Hỗ trợ học bổng cho sinh viên học trong suốt khóa học - một cách để Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phú Phong thu hút bác sĩ. Ảnh: Thu Hiền

 

* Giảm quá tải

Đến đầu năm 2009, nhân lực toàn ngành y tế có 3.445 người; trong đó, có 752 bác sĩ, đạt 4,73 bác sĩ/10.000 dân; 30 dược sĩ đại học, đạt 0,19 dược sĩ/10.000 dân và 2.149 điều dưỡng, y sĩ, hộ sinh, kỹ thuật viên. Giường bệnh kế hoạch do tỉnh quản lý là 2.630, đạt 16,53 giường/10.000 dân.

Song, trên thực tế, số giường bệnh thực hiện ở các cơ sở y tế đã tăng thêm từ 1/4 đến 1/3 kế hoạch. Bệnh nhân đông, giường bệnh nhiều, ngoài số nhân lực ít ỏi, các cơ sở y tế phải “bóp bụng” hợp đồng thêm người để đủ đáp ứng phần nào khối lượng công việc. Bệnh viện hoạt động càng tốt, được dân tín nhiệm bao nhiêu thì tình trạng quá tải công việc đối với đội ngũ nhân viên y tế càng nặng nề bấy nhiêu. Kết quả, y bác sĩ “gồng mình” làm việc, không còn thời gian nghỉ ngơi và học tập, còn bệnh nhân cũng không mấy thỏa mãn với các dịch vụ y tế. Vì thế, Thông tư 08 ra đời, tăng số biên chế sự nghiệp y tế lên 5.304 người là một trong những lời giải của bài toán quá tải.

Theo chỉ tiêu, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện An Nhơn chỉ có 140 giường bệnh, nhưng thực hiện đến 250 giường bệnh. Tăng giường bệnh, nhưng chỉ có 132 biên chế, Trung tâm phải tiết kiệm các khoản chi tiêu để hợp đồng thêm 44 người. Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Khi có Thông tư 08, lãnh đạo các cơ sở y tế đều mừng lắm, vì ít ra cũng đã có hướng mở cho tình trạng quá tải nguồn nhân lực y tế”.

* Nhưng, kiếm đâu ra người...

“7, 8 năm nay biên chế 1 bác sĩ Trung tâm vẫn không tuyển được. Bây giờ bổ sung thêm nguồn lực, chỉ tiêu bác sĩ cũng tăng thêm 12 người, mừng thật đấy nhưng đào đâu cho ra người...” - bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, phân tích.

Đợt xét tuyển biên chế đầu năm 2009, Trung tâm đăng ký 6 chỉ tiêu, gồm: 1 bác sĩ, 1 kỹ thuật viên gây mê, 2 nữ hộ sinh, 1 kế toán trung cấp và 1 tin học. Với 4 chức danh sau, việc đăng ký xét tuyển là để hợp thức hóa, bởi các nhân viên này đã công tác tại Trung tâm 5, 6 năm. Còn biên chế bác sĩ vẫn “treo” liên tục.

Tính chung toàn tỉnh, các cơ sở cần đến 159 bác sĩ, nhưng chỉ tuyển được 20 người, trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tuyển được 16/50 bác sĩ, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phú Phong tuyển được 3/8 và Bệnh viện Mắt tuyển được 1/10 bác sĩ.

Không chỉ thiếu bác sĩ, hiện nay, các cơ sở y tế cũng đang đau đầu vì thiếu dược sĩ đại học. Đợt xét tuyển vừa rồi, cả tỉnh có nhu cầu tuyển 7 dược sĩ đại học; trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: 2, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phú Phong: 2, Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe: 1, TTYT huyện Vĩnh Thạnh: 1 và TTYT huyện Phù Mỹ: 1. Nhưng kết quả là không có dược sĩ nào. Vì thế, số dược sĩ có trình độ đại học ở tuyến huyện hiện chỉ có 7 người.

Đối với các huyện miền núi, tình trạng này còn diễn ra ở chức danh nữ hộ sinh. Đơn cử, Trạm Y tế Canh Vinh (Vân Canh) đến giờ cũng không có nữ hộ sinh. Tương tự, ở huyện An Lão cũng có 3 Trạm Y tế “trắng” nữ hộ sinh.

* Thử tìm giải pháp

Bác sĩ Dương Văn Tiếp, Giám đốc TTYT huyện An Lão, lý giải: “Địa phương không có nguồn để cử đi đào tạo, trong khi nữ hộ sinh ở các địa phương khác dù có yêu nghề cũng không về miền núi vì chế độ thấp, điều kiện sống khó khăn”.

Nhiều người có tâm huyết với nghề đã từng nghĩ đến nhiều giải pháp để tạo nguồn nhân lực y tế cho Bình Định. Lâu nay, chúng ta vẫn thực hiện chính sách cử tuyển đối với các huyện miền núi. Nhưng, trên thực tế, nhiều địa phương không có nguồn. Mặt khác, nhiều học sinh được cử đi học lại bỏ vì không theo nổi chương trình, đặc biệt với ngành y tế. Trong khi đó, điểm chuẩn tại các Trường Đại học Y, Dược quá cao nên số học sinh đỗ rất ít.

Thiết nghĩ, tại sao chúng ta không cử tuyển với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm đối với những học sinh thi vào các trường này mà thiếu 1-2 điểm, với điều kiện ràng buộc các em về phục vụ một thời gian nhất định cho tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tăng cường giải pháp đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ tại chỗ để đáp ứng cho tuyến cơ sở. Một giải pháp nữa đã được tỉnh triển khai, nhưng chưa thật sự đủ mạnh để thu hút y, bác sĩ về tỉnh, đó là chính sách thu hút, đãi ngộ…

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bắt đầu một cách nhìn mới trong biểu dương, khen thưởng  (16/04/2009)
Gần 9 tỉ đồng để tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở  (15/04/2009)
Kích cầu nông nghiệp, nông thôn   (15/04/2009)
Đình chỉ lưu hành 6 loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng   (15/04/2009)
Tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng   (15/04/2009)
Những cánh chim không mỏi   (15/04/2009)
Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản   (15/04/2009)
Đã điều tra trên 90% số hộ và số khẩu  (14/04/2009)
Được đầu tư 23 tỉ đồng nâng cao năng lực hệ thống y tế tuyến huyện  (14/04/2009)
Thầm lặng những chiến công  (14/04/2009)
Chuyện dạy học ở Cát Thành  (14/04/2009)
Đoàn đại biểu tỉnh đi thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa  (14/04/2009)
Tiếp tục duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội  (13/04/2009)
Phát động “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2009  (13/04/2009)
Chuyện hàng xóm…   (12/04/2009)