20 năm sống giữa “thành phố ma”
10:22', 19/4/ 2009 (GMT+7)

Tên thật của ông là Dương Quí, nhưng mọi người vẫn hay gọi là “ông Bốn nghĩa địa”, bởi gần 20 năm qua, ông sống một mình giữa nghĩa địa của thị trấn Bồng Sơn (thôn Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn). Mồ mả càng được xây kiên cố, căn nhà ông ở càng lọt thỏm, lẩn khuất giữa hàng trăm ngôi mộ lớn, nhỏ...

* “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Con đường chính trong nghĩa địa Bồng Sơn rộng chưa đầy 1 mét, quanh co liên hồi, hai bên dày khít mộ làm chúng tôi rờn rợn khi đi tìm nhà ông Bốn. Lẫn lộn giữa những ngôi mộ là căn nhà cấp 4 được xây dựng đã hơn chục năm, tường vôi đã ngả màu. Nhà mở toang cửa nhưng không có người. Nghe tiếng gọi, từ trong những ngôi mộ, “ông Bốn nghĩa địa” bước ra, cười hồn hậu.

 

Mỗi buổi chiều, chăm sóc mộ vừa là công việc, vừa là niềm vui của “ông Bốn nghĩa địa”. Ảnh: N.V.T
 

Ông Bốn kể, sau nhiều năm đi tứ xứ, thấy người ta sống được với rừng, với rẫy, ông nghĩ sao mình lại không thể bám trụ trên đất rừng quê hương. Nghĩ là làm, cuối những năm 70 của thế kỷ trước, ông chọn vùng đất hoang nơi xóm Trảng Chùa để khai hóa. Ông đem sức trai ra đánh vật với mảnh đất đìu hiu, đầy bom đạn, mồ mả. Ông không thể nhớ nổi mình đã đào bao nhiêu cái hố để chôn cho nổ những quả bom, đầu đạn M79 sót lại thời chiến tranh. Mảnh đất không bóng người qua lại, nghe tiếng nổ là người ta biết ông Quí đang khai hoang. Thời không có máy móc, ông một tay một rựa miệt mài chấp nhận “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. “Ai cũng xì xồ, bảo tôi điên. Ngay cả vợ con cũng không ủng hộ” - ông tâm sự.

Đất không phụ người, mồ hôi đổ xuống, nương rẫy mọc lên. Màu xanh của những đám bạch đàn, keo, những cây ăn quả ngắn ngày dần phủ lên sỏi đá. Khi bắt đầu có những “quả ngọt” đầu tiên, giao ruộng vườn, nhà cửa cho vợ con, ông vào cất chòi ở hẳn nơi đây, đến nay đã gần 20 năm. Trang trại nhỏ của ông trải qua nhiều chương trình, dự án, từ PAM, đến dứa, rồi WB3… Năm 2001, nông dân Hoài Nhơn điêu đứng với cây dứa, có người lỗ gần trăm triệu đồng, đến giờ còn nợ ngân hàng, ông thì xoay xở trả dứt điểm. 3ha đu đủ, tiêu, chôm chôm, xoài… của ông đang cho thu hoạch. Nhìn nương rẫy ông ngày một xanh tốt, những người ngày trước cười cợt ông, giờ phải thán phục.

Năm 1998, thị trấn Bồng Sơn quy hoạch Trảng Chùa làm khu nghĩa địa. Từ đó, tốc độ xây dựng mồ mả phát triển khá nhanh, vây dần trang trại của ông Bốn. Nhiều dòng họ muốn quy tập mồ mả ông, bà về một chỗ, ông cắt đất chia lại. Nhiều người giàu có xây những ngôi mộ to, trị giá đến vài trăm triệu đồng… Ngôi nhà ông trở nên nhỏ bé. Bây giờ nghĩa địa chi chít mộ, người ta gọi đùa là “thành phố ma”, ông tự dưng trở thành “công dân đặc biệt” của “thành phố” ấy…

 

Ông Bốn trong vườn đu đủ đang cho thu hoạch. Ảnh: N.V.T
 

* Sống không sợ hãi

Gần 20 năm, ông Bốn sống một mình nơi nghĩa địa hoang vắng. Ngày lủi thủi đi làm, đêm về tự nấu ăn, rồi ngủ một mình giữa âm thanh của những con chim ăn đêm và côn trùng. Lâu dần thành quen, khi xung quanh chỉ còn lại leo lét vài bóng đèn hắt ra từ mấy ngôi mộ mới, ông vẫn về nhà bình thường. Những đêm mưa giông, qua cửa sổ, ông nhìn thấy những đóm lửa tắt hiện. Người ta bảo ma trơi, ông thì biết đó chỉ là hiện tượng tự nhiên, chỉ có ở những ngôi mộ mới chôn. Tôi hỏi: “Thế ông không sợ ma à?”. Ông cười: “Nếu có ma thật, chắc họ cũng không nỡ hại tôi. Tôi chăm sóc, bảo vệ “nhà cửa” cho họ, họ cám ơn tôi không hết nữa là…”.

Những năm rong ruổi mưu sinh ở Lâm Đồng, thấy ông hiền lành, có người bạn gốc Hoa truyền cho ông mấy bài thuốc gia truyền, như chữa rắn độc cắn, thương hàn, nhiễm cốt… Nhờ đó, ông đã cứu nhiều người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Có người bị bệnh viện “chê” đem về nhà chờ chết, khi tìm đến ông, lại được chữa khỏi. Ông Bảy (ở xã Hoài Tân) bị rắn cắn, cấp cứu không kịp thời, chân tay đã tím tái, ông Bốn chữa cho, ba ngày sau, “bệnh nhân” đã tỉnh táo vác cuốc ra đồng. Anh Dũng (ở thị trấn Bồng Sơn), một trai tráng khỏe mạnh nhưng có bệnh dễ bị mắc gió, người ủ rũ, ông chỉ bấm mấy huyệt một lần là khỏi… Là ân nhân của nhiều người, nhưng ông không bao giờ nhận tiền công. Ông bảo, cứu người không phải là nghề mưu sinh.

Từ ngày nghĩa địa hình thành, nhu cầu xây và bảo vệ mồ mả càng lớn. Siêng đọc sách xưa, hiểu biết lễ nghi truyền thống, ông nhanh chóng trở thành chỗ tin cậy của những gia đình có người thân quá cố. Họ nhờ ông hướng dẫn thủ tục tổ chức ma chay, cúng bái. Việc di chuyển mồ mả ít người làm, ông cũng không từ chối. Nhiều khi bị nhiễm độc da ngứa, mắt sưng, người khó chịu, ông phải nấu lá chè và lá lốt tắm. Không ngại khó, ngại khổ, ông còn được các gia đình nhờ xây dựng, quy tập, gìn giữ hàng trăm ngôi mộ. Những ngôi mộ do ông xây đều sắc sảo, chắc chắn. Ông tâm niệm rằng, con người, dù còn sống hay đã chết, đều phải được tôn trọng. Nhiều thợ xây tay nghề cao theo ông cũng vì cái tâm ấy.

Những buổi chiều, người già thường hay giải trí bằng việc chăm sóc cây cảnh, chim chóc, còn ông thì lấy việc chăm sóc mộ làm vui. Chiều nào đi làm về, ông cũng dành thời gian để lau bụi cho những ngôi mộ, thắp hương, làm vệ sinh và trồng hoa. Những khu mộ ông nhận chăm sóc có cả giàn hoa, hồ sen… Ông bảo, người đã chết, cũng không tránh khỏi sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Cho nên, khi chăm sóc mộ, ông đều dành thời gian như nhau, không vì mộ to, đắt tiền mà bỏ quên người nằm dưới mộ nhỏ…

Mỗi năm, cứ đến gần Tết, hay ngày chạp mả họ, người thăm mộ lại đổ về nghĩa địa rất đông. Họ ghé thăm ông, biếu quà nghĩa tình. Những lúc ấy, quanh ngôi nhà của ông tấp nập người. Sau những ngày tràn đầy tiếng nói cười vui vẻ ấy, “thành phố” của ông lại chìm trong hiu quạnh... 

  • Văn Trang- Ngọc Oanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, ai cũng sẽ trưởng thành”   (19/04/2009)
Hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2009”   (19/04/2009)
Đã bàn giao 7 căn nhà Đại đoàn kết  (18/04/2009)
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền miệng  (18/04/2009)
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ  (18/04/2009)
Thủ tục khám bệnh: cái vòng lẩn quẩn  (18/04/2009)
Mít-tinh và giao lưu văn nghệ nhân Ngày Người tàn tật Việt Nam (18.4)  (18/04/2009)
Tặng 3 xe cứu thương cho các bệnh viện  (17/04/2009)
Hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2009”  (17/04/2009)
Triển khai Hội thi Tin học trẻ Không chuyên Toàn tỉnh lần thứ 15  (17/04/2009)
Hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh và các huyện, thành phố đã được nâng lên  (17/04/2009)
Lãnh đạo tỉnh tiếp Đoàn cán bộ Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Chămpasăk  (17/04/2009)
Ra mắt Phòng Phòng chống tội phạm ma túy  (16/04/2009)
Rối vì… văn bản  (16/04/2009)
Chưa kịp mừng đã vội lo!  (16/04/2009)