Chỉ tính học kỳ I năm học 2008-2009, cả tỉnh đã có gần 2.000 học sinh (HS) bỏ học. Nhìn trên bề nổi, tình trạng HS bỏ học của năm học sau đã giảm hơn so với năm học trước, nhưng đi sâu vào nội tại vấn đề vẫn chưa hết “nhức nhối”. Dù có rất nhiều cố gắng, nhưng việc ngăn chặn tình trạng HS bỏ học vẫn đang là chuyện “lực bất tòng tâm” của ngành GD-ĐT…
Kỳ I: Những con số “nhức nhối”
Trong khoảng đầu tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã cùng với Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh tiến hành đợt khảo sát tình hình HS bỏ học ở nhiều trường, nhiều loại hình, cấp học khác nhau ở nhiều địa phương khác nhau để tìm “ẩn số” của câu hỏi: “Tại sao HS bỏ học?”. Câu trả lời từ thực tiễn giáo dục thật sinh động nhưng đáng buồn.
|
Điều kiện dạy và học ở Trường THCS Canh Hiển (Vân Canh) chưa thể đảm bảo cho “trường học thân thiện, HS tích cực”. Ảnh: Ngọc Quỳnh
|
* Mỗi năm, hơn 5.700 HS bỏ học
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, trong 3 năm học (2005-2006, 2006-2007, 2007-2008), toàn tỉnh đã có 17.241 HS các cấp bỏ học. Như vậy, mỗi năm, số HS bỏ học lên đến hơn 5.700 HS. Trước thực trạng này, tháng 8.2006, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD-ĐT phối hợp với các ngành liên quan tiến hành tổng điều tra số lượng HS bỏ học ở các cấp học, bậc học để làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phòng chống.
Chỉ tính riêng trong năm học 2005-2006, toàn tỉnh đã có 9.151 HS bỏ học. HS bỏ học tập trung nhiều ở bậc THCS với 5.073 HS (tỉ lệ 3,53%) và bậc THPT có 3.908 HS bỏ học (tỉ lệ 6,48%). HS THCS bỏ học nhiều nhất ở khối lớp 8 với 1.878 HS (5%). Nguyên nhân HS bỏ học do học yếu chiếm 54,1%; 26,3% là do gia đình HS kinh tế khó khăn; 1,4% là do nơi ở của HS xa trường học. ỞÛ bậc THPT, bỏ học nhiều nhất là HS khối 10 (11,5%) và phần lớn HS bỏ học thuộc các trường ngoài công lập (9,2%). HS THPT bỏ học do học yếu chiếm 51,6%; do kinh tế gia đình khó khăn chiếm 25%; 1,7% là do có nhà ở xa trường học; tỉ lệ còn lại là các lý do khác…
Tại Trường THCS Mỹ Đức, nằm ở một xã khó khăn của huyện Phù Mỹ, tỉ lệ HS bỏ học ở đây cũng trội hơn so với các xã trong huyện. Trong 3 năm học, tỉ lệ HS bỏ học ở trường là: 5,3% - 8,3% - 4,3% (trường có khoảng 800 HS). Ông Hồ Việt Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đức cho biết: “Trong năm học 2006-2007, trường có số HS bỏ học cao nhất (73 HS), chủ yếu là bỏ học trong hè. Nguyên nhân là do trường thực hiện chủ trương “Hai không” nên số HS phải thi lại và lưu ban khá cao. Vào năm học mới, phần lớn số HS thi lại và lưu ban đều không đến trường”.
Tại huyện Tây Sơn, ông Lâm Văn Hoa, Hiệu trưởng trường THCS Tây Giang cũng cho biết: Tỉ lệ HS bỏ học ở trường quá cao và ngày càng tăng qua 3 năm học (3,3%- 4,3%- 4,7%), học kỳ I năm học 2008-2009 là 1,76%. Điều đáng lo hơn, tỉ lệ HS bỏ học này mới chỉ được thống kê trong năm học, chưa tính số HS bỏ học trong hè, thường chiếm số lượng lớn hơn.
HS THCS bỏ học nhiều, HS THPT bỏ học còn “dữ dội” hơn. Ở trường THPT Nguyễn Huệ- một trường bán công (nay là công lập tự chủ tài chính) của huyện Tây Sơn, trong 3 năm học qua tỉ lệ học sinh bỏ học tăng dần: 9,4%-11,2%-12,62% (tương đương với 126-164-202 HS). Theo ông Nguyễn Đình Vũ, Hiệu trưởng trường, HS bỏ học do học lực yếu kém, bị hổng kiến thức cơ bản, không thể tiếp thu được chương trình bậc THPT nên sinh ra tâm lý chán nản, không muốn học. Bởi vậy, HS bỏ học chủ yếu là khi mới bước vào năm học và sau khi kết thúc học kỳ I và nghỉ tết Nguyên đán. Vậy nên, mới đến tháng 3 (năm học 2008-2009), chỉ tính riêng số HS lớp 10 ở trường THPT Nguyễn Huệ đã bỏ học 143 HS (20,1%), tương đương với mất gần 3 lớp.
Trường THPT số 2 Tuy Phước (địa bàn tuyển sinh ở các xã Phước Hưng, Phước Quang, Phước Hòa, Phước Thắng của huyện Tuy Phước) có HS cả 2 hệ: công lập và bán công thì tỉ lệ HS bỏ học cũng chiếm phần lớn ở HS hệ bán công với 74- 66- 55 HS tương đương với các tỉ lệ 9%- 8,5%- 6,4% (qua 3 năm học)…
* Mâu thuẫn giữa phổ cập và chất lượng
Qua số liệu của hầu hết các trường, các địa phương, HS bỏ học do học yếu, kém đều chiếm tỉ lệ lớn trong các nguyên nhân. Vậy tại sao HS học yếu, kém? Ngoài các điều kiện dạy và học chưa đảm bảo, tại các nhà trường đang tồn tại một thực tế đầy mâu thuẫn và nan giải khi một bộ phận HS bị hổng kiến thức, lười học, thậm chí còn vô lễ với giáo viên, song, giáo viên vẫn không thể tỏ thái độ “cứng rắn” trong giáo dục, xử lý hay ghi điểm đánh giá HS một cách “chặt tay”, vì nếu không “nuông chiều”, HS sẽ bất cần và bỏ học.
Ông Hồ Việt Anh cho biết: “Nhà trường và giáo viên đang đứng trước áp lực từ hai phía. Vừa phải hoàn thành công tác phổ cập giáo dục (đảm bảo số lượng) vừa phải thực hiện cuộc vận động “Hai không” (yêu cầu không được chạy theo thành tích, đánh giá đúng thực chất chất lượng học tập của HS). Trong khi, HS và phụ huynh HS lại nắm rõ cái “gót chân a-sin” này của nhà trường, của giáo viên nên sinh ra tư tưởng chủ quan, thiếu động cơ, thái độ học tập đúng đắn”. Ông Anh còn chua chát kể một câu chuyện tưởng như đùa: “Năm học 2006-2007 vừa qua, trường THCS Mỹ Đức thực hiện chủ trương “dạy thật, học thật” nên số HS phải lưu ban và thi lại nhiều. Có những HS phải thi lại đã không đi thi lại mà còn đưa ra yêu sách: trường cho lên lớp thì đi học, không cho lên lớp thì nghỉ học luôn (!)…”.
Vì mục tiêu phổ cập, 100% số HS tiểu học đều hoàn thành chương trình tiểu học và tiếp tục học bậc THCS. Gần như 100% HS học hết lớp 9 đều tốt nghiệp THCS (không thi) và tiếp tục lên lớp 10 THPT. Tại nhiều trường THCS ở huyện Vân Canh, chất lượng giáo dục nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đánh giá là quá thấp. Tuy nhiên, tỉ lệ HS lên lớp, tốt nghiệp vẫn rất cao, thường là trên 99-100%; tỉ lệ tốt nghiệp THCS của HS người dân tộc thiểu số điều kiện dạy và học còn quá khó khăn nhưng cũng lên đến 98,3%. Hay như tại TP Quy Nhơn, chất lượng giáo dục học kỳ I năm học 2008-2009 được đánh giá với 23,8% số HS có học lực yếu, kém. Tuy vậy, tỉ lệ HS tốt nghiệp THCS của thành phố hàng năm cũng ở khoảng 99-100%. Việc không tổ chức thi tốt nghiệp THCS cũng đã bộc lộ những “mặt trái” của nó trong thực tế dạy và học. Trò không cố gắng vẫn được lên lớp, tốt nghiệp nên không “sợ” thầy, còn thầy vì không được để HS bỏ học nên phải “sợ”… trò (?)
Năng lực học tập của tất cả HS đều không như nhau, động cơ học tập, sự phấn đấu của mỗi cá thể cũng khác nên một khi các trường phổ thông đều tìm mọi cách giữ vững số lượng HS để đạt được mục tiêu phổ cập thì chất lượng giáo dục sẽ khó giữ chuẩn. Theo một báo cáo về “rà soát giúp đỡ HS có học lực yếu, kém” của Sở GD-ĐT, thì trong năm học 2006-2007, toàn tỉnh đã có 5.940 HS tiểu học (có điểm khảo sát ở 2 môn Tiếng Việt và Toán từ 0-2 điểm) “ngồi sai lớp”, chiếm tỉ lệ 5,3%; bậc THCS có 7,5% số HS “ngồi sai lớp” và ở bậc THPT (lớp 10 hệ ngoài công lập), tỉ lệ HS “ngồi sai lớp” lên đến 26,8%.
HS “ngồi sai lớp” đang là “gánh nặng” của các nhà trường. Càng ở bậc học cao hơn, “gánh nặng” càng lớn hơn và việc cải thiện chất lượng học tập cho HS càng khó khăn hơn. Trường THPT số 2 Tuy Phước nêu lên một thực tế: Khi xét tuyển vào lớp 10, gần 50% số HS được tuyển vào trường có tổng điểm thi chỉ đạt từ 0 đến 4,5 điểm (cho 3 môn thi với môn Văn, Toán nhân hệ số 2), dù đề thi không khó; thậm chí có HS 2/3 môn thi bị điểm 0 nhưng vẫn được tuyển vào lớp 10… HS học quá yếu, không có kiến thức cơ bản, lên học bậc học trên đã không tiếp thu nổi bài, ngồi trong lớp như bị “tra tấn” nên chán học, bỏ học là tất yếu.
10 nguyên nhân của việc HS bỏ học
1. Cha mẹ thiếu quan tâm, hỗ trợ việc học nên học yếu, kém
2. Thiếu sự hỗ trợ của cấp ủy, địa phương để khắc phục những khó khăn về kinh tế gia đình
3. Ngành GD-ĐT đánh giá chưa đúng chất lượng giáo dục, còn chạy theo thành tích nên đã để một bộ phận HS lên lớp khi không đủ chuẩn về kiến thức.
4. Ở những vùng khó khăn, điều kiện đến trường của HS được đáp ứng chưa đầy đủ, HS phải đi học xa, qua đò, qua sông, suối
5. Hoàn cảnh gia đình HS quá khó khăn, không có tiền đóng các khoản thu ngoài học phí
6. Chương trình học còn nặng; trình độ giáo viên còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức cho HS học yếu, kém nên HS càng yếu, kém hơn, dẫn đến chán học, bỏ học.
7. Do nhu cầu lao động theo mùa vụ của gia đình. HS bỏ học để giúp đỡ gia đình, khi đi học lại, không theo kịp bài vở nên bỏ học luôn.
8. Các khu, cụm công nghiệp nhận nhân công lao động giản đơn, không yêu cầu cao về trình độ văn hóa, tay nghề nên thu hút HS bỏ học đi làm để có thu nhập.
9. HS có học lực “vừa phải” chuyển sang học bổ túc văn hóa, học nghề hay TCCN.
10. Một số địa phương gặp thiên tai, HS phải nghỉ học tạm thời, cộng với điều kiện gia đình khó khăn hơn do thiên tai nên bỏ học luôn. |
|