Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 11 thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2007, tạo cơ sở pháp lý ổn định, góp phần nâng cao hiệu lực thực thi chính sách BHXH trong tình hình mới. Tuy vậy sau 2 năm thực hiện luật cho thấy còn nhiều vướng mắc, bất cập; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn chặn, răn đe khi có dấu hiệu vi phạm nên người lao động (NLĐ) vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi…
Luật BHXH được coi là một văn bản hoàn thiện nhất và có tính pháp lý cao nhất trong lĩnh vực BHXH từ trước đến nay. Các quy định của luật sát với thực tiễn, chú trọng đến hiệu quả KT-XH; gắn liền với NLĐ trong suốt quá trình làm việc, cũng như lúc thất nghiệp hay khi hết tuổi lao động nên được NLĐ rất quan tâm; được các ngành, các cấp, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ và cũng vì thế mà nhận thức của chủ sử dụng lao động và NLĐ về chính sách BHXH đã có những chuyển biến tích cực góp phần triển khai luật nhanh và hiệu quả hơn.
|
Trong 2 năm 2007-2008, tỉ lệ lao động tham gia BHXH bình quân chỉ đạt 69,3%. Ảnh: Hoàng Vân |
Tuy nhiên sau 2 năm thực hiện, Luật BHXH đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập mà nguyên nhân xuất phát từ việc một số quy định của luật chưa phù hợp; các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành thiếu đồng bộ, không kịp thời, nhất là các chế độ chính sách mới và đặc biệt là việc chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn chặn, răn đe khi có dấu hiệu vi phạm luật.
* Tỉ lệ lao động tham gia BHXH đạt thấp
Theo Nghị định số 135/2007/NĐ-CP ngày 16.8.2007 của Chính phủ thì mức xử phạt cao nhất là 20 triệu đồng trong đó có hành vi doanh nghiệp không đóng BHXH từ 500 lao động trở lên. Chính vì vậy nhiều đơn vị sử dụng lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các HTX, khối ngoài công lập thuộc 4 lĩnh vực: văn hóa, y tế, TDTT, giáo dục và các hộ sản xuất kinh doanh cá thể chưa đăng ký đủ số lao động tham gia BHXH bắt buộc theo quy định hoặc không ký kết hợp đồng cho NLĐ làm việc từ 3 tháng trở lên để né tránh không tham gia BHXH. Theo số liệu thống kê 2 năm 2007-2008 và số kiểm tra của cơ quan BHXH, thì tỉ lệ lao động tham gia BHXH bình quân chỉ đạt 69,3% trong đó khối hành chính sự nghiệp đạt 99,4%; khối cán bộ, xã phường đạt 100%; khối doanh nghiệp nhà nước đạt 91,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 90%; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 31,7% (riêng Khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ chỉ đạt 24%); khối HTX đạt 32,4%.
Quy định mức phạt đã thấp song thực thi lại không nghiêm. Nhiều đơn vị trốn đóng BHXH song không bị xử lý kịp thời (trên thực tế các cơ quan chức năng chưa hề xử phạt được bất kỳ đơn vị sử dụng lao động nào trong hơn 2 năm qua). Nguyên nhân khác dẫn đến tỉ lệ lao động tham gia BHXH đạt thấp là từ áp lực việc làm và thu nhập khiến NLĐ e dè việc đòi hỏi quyền được tham gia BHXH theo quy định của pháp luật, trong khi tổ chức công đoàn chưa được thành lập tại rất nhiều đơn vị sử dụng lao động.
* Nợ đọng lớn
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, năm 2007 số nợ tiền đóng BHXH là 12,5 tỉ đồng; năm 2008 là 17,285 tỉ đồng. Năm 2008 có 26 đơn vị nợ trên 100 triệu đồng; 21 đơn vị nợ BHXH từ 12 đến 36 tháng; 4 đơn vị giải thể nợ tiền đóng BHXH trên 136 triệu đồng. Công ty TNHH Vạn Mỹ nợ hơn 1 tỉ đồng, Công ty cổ phần May Bình Định nợ hơn 2,5 tỉ đồng, Công ty cổ phần 504 nợ hơn 1,2 tỉ đồng… Bên cạnh nguyên nhân một số đơn vị thuộc ngành xây dựng, cầu đường, gỗ, giày và may mặc do có khó khăn trong SXKD, thu hồi vốn chậm dẫn đến thiếu vốn kéo dài còn có nguyên nhân khác là việc truy thu tiền BHXH chậm nộp qua ngân hàng không chờ chấp nhận theo Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT của Liên bộ LĐ-TB&XH – Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa thực hiện được do tiền gửi ở ngân hàng các doanh nghiệp không có số dư trong tài khoản hoặc doanh nghiệp mở tài khoản ở ngoài tỉnh, BHXH không quản lý được.
Ngoài ra, việc thực hiện Luật BHXH còn một số vướng mắc khác như việc đơn vị trích giữ 2% của quỹ ốm đau thai sản để thuận tiện thanh toán dẫn đến phát sinh thủ tục hành chính và trách nhiệm pháp lý của giám đốc hay đối với đơn vị quỹ lương thấp phải cấp bù…
* Cần sửa đổi
Do nhiều vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật BHXH, từ trung tuần tháng 3 năm 2009, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức khảo sát tình hình quản lý quỹ BHXH tại một số tỉnh, thành. Giống như nhiều địa phương khác, ông Huỳnh Quang Trắc, Giám đốc BHXH tỉnh đã nêu một số kiến nghị lên Quốc hội trong đó đề nghị nâng mức xử phạt vi phạm pháp luật về BHXH từ dân sự lên hình sự mà trước mắt là nâng mức xử phạt hành chính để đủ sức răn đe, ngăn chặn. Đối với các cơ sở ngoài công lập, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể, Chính phủ cần có quy định cụ thể để các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng lao động và quỹ tiền lương trên cơ sở đó thực hiện BHXH theo quy định… Bên cạnh đó, cũng cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và quản lý sự nghiệp về BHXH tại địa phương…
|