Toàn tỉnh hiện chỉ có 5 cán bộ chuyên trách về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, còn lại đều là cán bộ trưng tập và kiêm nhiệm. Lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra thiếu đáng kể. Công tác quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP tuy đã có chuyển biến nhưng hiện chỉ mới tập trung giải quyết được các vấn đề bức xúc, chủ yếu là xử lý hậu quả.
|
Hiện nay, lực lượng cán bộ quản lý công tác VSATTP của ngành y tế còn rất thiếu. |
* Thiếu người...
Theo phân cấp, quản lý chất lượng VSATTP trong ngành y tế được thực hiện theo 3 cấp: tỉnh, huyện và xã. Nhưng, hiện nay, nhân lực quản lý VSATTP của ngành còn rất thiếu.
Ở tuyến tỉnh, Sở Y tế - cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực VSATTP - chỉ có 1 cán bộ thuộc phòng Nghiệp vụ Y kiêm nhiệm. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh - cơ quan chuyên môn kỹ thuật, có nhiệm vụ tham gia quản lý nhà nước về lĩnh vực này - từ năm 2008 trở về trước, Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm và Dinh dưỡng, chỉ “vỏn vẹn” 4 biên chế, đảm nhận cùng lúc hai nhiệm vụ: 3 chuyên trách quản lý VSATTP và 1 chuyên trách quản lý dinh dưỡng cộng đồng. Không đảm đương nổi, nhiều lúc Trung tâm phải linh động “tạm” giao nhiệm vụ dinh dưỡng cộng đồng cho một cán bộ ở khoa Sức khỏe cộng đồng. Đến năm 2009, Trung tâm mới được bổ sung 2 biên chế làm chuyên trách về VSATTP. Trong khi đó, tuyến huyện và xã, cán bộ phụ trách VSATTP đều là… kiêm nhiệm.
Trong báo cáo trình Quốc hội mới đây, thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, UBND tỉnh đã đưa ra giải pháp thành lập cơ quan chuyên trách quản lý, thanh tra chuyên ngành về chất lượng, VSATTP trực thuộc Sở Y tế; có chính sách thu hút và đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác này ở tất cả các tuyến nhằm củng cố hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực quản lý về VSATTP cho mạng lưới quản lý. |
Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết: “Với lực lượng “mỏng” như vậy thì chỉ riêng việc làm giấy tờ sổ sách không thôi cũng đã đuối rồi, còn để đi thực địa, tổ chức giám sát cơ sở thường xuyên thì không thể đảm đương nổi”.
Tính đến cuối năm 2008, toàn tỉnh có 7.576 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Chưa kể số cơ sở nhỏ lẻ phát sinh mỗi ngày, với lực lượng quản lý như trên thì dù có nỗ lực cố gắng, gồng mình cũng làm không xuể.
Đối với chuyên môn, đội ngũ làm nhiệm vụ kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm cũng đang thiếu nghiêm trọng. Trước đây, bộ phận xét nghiệm thực phẩm chỉ có 2 người. Đến năm 2008, con số này đã được bổ sung thành 5 người, trong đó, 2 người ở bộ phận vi sinh, 3 người ở bộ phận hóa thực phẩm.
Với ngần ấy con người, chỉ riêng khâu tiền kiểm (tức là kiểm nghiệm thực phẩm trước khi cấp giấy phép cho cơ sở), cũng đã đuối rồi. Còn khâu hậu kiểm (tức là định kỳ 6 tháng/lần lấy mẫu thực phẩm để kiểm tra lại chất lượng), lực lượng này chưa đủ sức để làm. Hầu như, việc hậu kiểm chỉ được tiến hành mang tính chất ứng phó trong các đợt thanh-kiểm tra VSATTP, hay khi có vấn đề “nổi cộm” về VSATTP, còn trên thực tế để làm theo định kỳ kế hoạch thì chưa được.
|
... nên dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn “lỗ hổng” trong quản lý chất lượng VSATTP. |
* Bất cập trong thanh kiểm tra
Thanh tra chuyên ngành VSATTP chưa có, thanh tra Sở Y tế hiện chỉ có 1 cán bộ kiêm nhiệm về VSATTP nên chưa đủ sức duy trì hoạt động thanh tra thường xuyên các cơ sở thực phẩm. Còn tuyến huyện thì không có tranh tra nên chức năng xử lý là của UBND huyện. Kết quả, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng hoạt động thanh kiểm tra VSATTP còn rất ít. Mỗi năm, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh cũng chỉ tổ chức 4 đợt thanh kiểm tra vào các dịp quan trọng như Tết Nguyên đán, Tháng hành động VSATTP, Tết Trung thu và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng; trong khi đó, Trung tâm Y tế Dự phòng tuyến tỉnh cũng chỉ thực hiện 2 đợt kiểm tra chuyên ngành. Vì thế, tỉ lệ cơ sở thực phẩm được kiểm tra hàng năm chưa đạt 100% như yêu cầu đặt ra. Điều này, đồng nghĩa với việc hàng năm vẫn còn có nhiều cơ sở thực phẩm “lọt” khỏi sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý.
Thiếu, nhưng việc bố trí các thành phần tham gia làm công tác thanh kiểm tra VSATTP hiện đang bộc lộ sự “cồng kềnh”. Bình quân, theo kế hoạch, mỗi đoàn thanh-kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh được tổ chức với đầy đủ các thành phần, sở, ngành thì ít nhất phải có đến 8 thành viên. Trong khi đó, theo quy định, lực lượng thanh tra chỉ cần có trên 3 người. Có một nghịch lý, tuy lực lượng đông, nhưng hiệu quả hoạt động lại không đồng đều. Nhiều vị trí không cần thiết phải tham gia giám sát khi quá trình kiểm tra thực phẩm đang ở giai đoạn cuối.
|