Cuộc vận động học sinh (HS) bỏ học trở lại trường quá đỗi gian nan và đang là “ám ảnh” rất lớn đối với mỗi giáo viên, mỗi trường học có nhiều HS bỏ học. Cũng bởi, chỉ mới chữa phần “ngọn” nên công sức bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả đạt được rất thấp. HS bỏ học đã trở thành một vấn đề xã hội lớn đòi hỏi sự vào cuộc của đảng ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp. Và cũng đã đến lúc, cần phải thay đổi cơ chế để tháo gỡ “bế tắc” cho ngành GD-ĐT.
|
Ngay những trường phổ thông ở vùng thiếu thuận lợi, học sinh bỏ học phần lớn là do học yếu, kém chứ không phải vì nghèo.
|
* Nỗi “ám ảnh” của giáo viên
Địa bàn tuyển sinh của Trường THCS số 1 Phước Sơn trước năm học 2007-2008 bao gồm HS nhiều thôn khu Đông của huyện Tuy Phước. Có năm, tỉ lệ HS bỏ học ở đây lên đến 8,7%... Nhắc đến chuyện đi vận động HS trở lại trường, nhiều giáo viên không khỏi “rùng mình”. Nhiệm vụ của giáo viên là dạy học và quản lý HS trên lớp học. Thế mà, từ nhiều năm qua, họ còn phải kiêm thêm trách nhiệm “nặng nề” hơn rất nhiều là đến từng nhà HS bỏ học thuộc lớp mình chủ nhiệm để vận động các em trở lại lớp.
Cô Nguyễn Thị Thanh Trinh, giáo viên Sinh học kể: “Phải đến buổi trưa hoặc buổi tối thì phụ huynh HS mới có ở nhà. Vậy mà, đi năm lần, bảy lượt vẫn không gặp được phụ huynh, hoặc có gặp cũng chỉ được nghe câu trả lời gọn lỏn “nó không thích học thì cho nó nghỉ!”… Một giáo viên khác kể: “Đến gặp, phụ huynh đã không thèm tiếp còn suỵt chó đuổi đi và nói như té nước vào mặt: mấy ông thầy, bà cô sao lì quá, con tui nó đã không muốn đi học mà cứ xuống luôn!”. Hay như chuyện “khổ nhục kế” ở huyện Tây Sơn: Để vận động HS đi học lại, thầy giáo đã phải nhiều lần qua đò, vượt sông trong mưa đến nhà trò, những mong trò thấy… thương thầy mà quay trở lại lớp học…
HS bỏ học, trách nhiệm trước hết thuộc về giáo viên (!). Nhưng giáo viên không đủ sức ngăn cản sự bỏ học của học trò vì học trò bỏ học không hoàn toàn là lỗi của… giáo viên. Sự mâu thuẫn này đẩy giáo viên vào tình thế “dở khóc dở cười”. Ông Hồ Việt Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đức (Phù Mỹ) cho biết: “Phần lớn số HS đi học trở lại rất ỉ lại, không chăm học hoặc có thái độ bất cần. Giáo viên dù có bực song không dám xử lý mạnh vì sợ các em lại bỏ học. Tình trạng này đã làm cho “uy lực” của giáo viên và nhà trường trở nên “mỏng manh” không còn đủ sức để ít ra làm cho HS “sợ” mà cố gắng học tập, rèn luyện. Những HS chưa bỏ học, lại lấy đó làm gương…” khiến môi trường giáo dục ít nhiều bị méo mó, lệch chuẩn…
Để hạn chế HS học yếu, kém, từ đó, ngăn chặn tình trạng HS bỏ học, ngành GD-ĐT đã thực hiện việc tổ chức dạy phụ đạo cho HS yếu, kém. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp “chữa cháy” và lại là bất cập khi cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học của nhiều trường chưa đáp ứng được, ngay cả khi tổ chức dạy và học chính khóa. Bởi vậy, mỗi trường chỉ còn biết làm theo cách riêng của mình. Trường THCS Canh Hiển (Vân Canh) hiện tại chỉ có 4 phòng học đủ cho 8 lớp, không thư viện, không phòng bộ môn; một giáo viên phải dạy “bao sân” từ lớp 6 đến lớp 9… thì làm sao có thể tổ chức dạy phụ đạo? Hay trong khi ở Tuy Phước, nhiều hiệu trưởng cho rằng, phải phân loại HS yếu, kém để tổ chức phụ đạo thì mới có hiệu quả, thì tại Phù Cát, lại có quan điểm phân biệt HS yếu, kém là cô lập, đào thải HS nên nghiêm cấm các trường xếp HS yếu, kém riêng để tổ chức phụ đạo. Trường THPT số 2 Phù Cát cũng chỉ đủ phòng để tổ chức phụ đạo cho một số HS vào ngày Chủ nhật; Trường THCS Canh Vinh (Vân Canh) cũng chỉ có khả năng phụ đạo “gọi là” cho một số HS sau buổi học chiều (từ 17 giờ 30 đến 19 giờ)… Điều kiện dạy phụ đạo không có, HS cũng không muốn học, giải pháp phụ đạo cũng rơi vào… hình thức.
|
Không thể đòi hỏi chất lượng giáo dục cao trong điều kiện tổ chức dạy và học còn bất cập. - Trong ảnh: Học sinh Trường THPT An Lương trong giờ học tin học.
|
* Phải có một cơ chế phù hợp
Để vận động một HS bỏ học trở lại trường, cả xã Phước Sơn đều vào cuộc. Từ Đảng ủy, chính quyền, các hội đoàn thể cấp xã đến chi ủy, trưởng thôn… đều tham gia vào việc hỗ trợ HS bỏ học trở lại trường. Chính quyền xã, Hội Khuyến học cũng sẵn sàng chăm lo cho những HS bỏ học vì nghèo. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, phụ trách công tác văn hóa - xã hội của xã khẳng định: “HS bỏ học phải đến vận động ngay, để lâu HS thường không chịu đi học lại… Chưa có một HS nào trên địa bàn xã bỏ học mà tôi chưa trực tiếp đến nhà vận động...”.
Ở Tuy Phước, việc ngăn chặn HS bỏ học còn được gắn với tránh nhiệm của mỗi giáo viên, lãnh đạo trường học. Thế nhưng, mọi biện pháp hình như đều… “bó tay” bởi khi đối tượng được vận động đã không có động cơ và niềm vui học tập, thì dù có quay trở lại trường lớp cũng chỉ là “cái xác vô hồn”, sự bỏ học rồi sẽ tiếp tục tái diễn. Ông Nguyễn Kim Bảo, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Thành, thuộc xã bãi ngang của huyện Phù Mỹ cho biết: “Đa số HS bỏ học đều không có ý thức, mục tiêu học tập, được “cha truyền con nối” từ nhiều thế hệ đi trước. Học cũng được, không học cũng được. Nam 15-17 tuổi là có thể đi biển…”.
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, những trường có tỉ lệ HS bỏ học cao thường rơi vào những vùng, địa phương có tính đặc thù: điều kiện kinh tế - xã hội chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, cha mẹ HS thường phải loay hoay với “cái ăn”, chưa nghĩ đến việc chăm lo cho việc học của con cái, bản thân HS không có động cơ học tập, ham chơi, lười học… Tuy nhiên, tại những nơi này, số HS bỏ học nhiều nhất vẫn là HS yếu, kém. Các yếu tố gia đình, xã hội khác chỉ là những “giọt nước làm tràn ly”. Vậy nên, HS bỏ học còn tập trung ở các lớp hệ B, các trường ngoài công lập- nơi tập trung những “hạt gạo dưới sàng”. Tại trường THPT số 2 Phù Cát có địa bàn tuyển sinh là các xã Cát Minh, Cát Tài, Cát Khánh, Cát Thành, một phần xã Cát Hải (Phù Cát) và xã Mỹ Cát (Phù Mỹ) hay như Trường THPT An Lương (Phù Mỹ), Trường THPT số 2 Tuy Phước…, điều kiện học hành của HS còn nhiều khó khăn, nhưng trên 90% số HS bỏ học đều rơi vào hệ B, HS học yếu, hổng kiến thức căn bản, không đủ khả năng đeo đuổi con đường học phổ thông.
Ngăn chặn HS bỏ học nhằm giữ vững phổ cập giáo dục THCS, tiến tới phổ cập bậc trung học, nâng cao dân trí nhằm thực hiện vững chắc các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, do chạy theo mục tiêu phổ cập, để HS “có học là có lên lớp” lại dẫn đến chuẩn kiến thức HS không đảm bảo, HS chán học, bỏ học. Cái vòng luẩn quẩn của cơ chế giáo dục đã đẩy cả hệ thống giáo dục vào một cuộc chạy đua hình thức, tốn kém và không hiệu quả, làm mệt mỏi và nản lòng cả người dạy lẫn người học; chất lượng giáo dục thấp, phổ cập giáo dục THCS mới đạt được ở … số lượng, phổ cập bậc trung học còn… “bế tắc”...
Trình độ dân trí sẽ phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội. Sự đi trước một bước của giáo dục cũng phải đi kèm với sự đầu tư thích hợp và đúng hướng. Không thể “bắt” HS không bỏ học một khi chưa tạo được động cơ, sự hứng thú trong học tập cho HS; cũng như, không thể tạo ra một nền giáo dục có chất lượng cao khi sự đầu tư cho nó còn nhiều bất cập và chưa tương xứng. Mọi sự khiên cưỡng, áp đặt trong giáo dục đều là mầm mống của căn bệnh thành tích và hình thức…
HS bỏ học đã không còn là chuyện riêng của ngành GD-ĐT mà là một vấn đề xã hội nhức nhối, liên quan đến nhiều khía cạnh của cuộc sống xã hội. Do đó, để ngăn chặn HS bỏ học, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Thực tế chống HS bỏ học ở huyện Tuy Phước cũng đã chứng minh: “Nơi nào được Đảng ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo và có sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, nơi đó sẽ giữ vững được số lượng HS”.
Và, để hạn chế, ngăn chặn triệt để và có hiệu quả HS bỏ học, ngành GD-ĐT phải xây dựng một cơ chế đảm bảo cho sự phân luồng HS một cách sâu sắc để tạo động lực cho cả người dạy và người học. Những HS không đủ năng lực học tập ở các bậc học chính quy sẽ có những lớp bổ túc, lớp phổ cập với chương trình học gọn, nhẹ, phù hợp hơn, giúp các em đạt được trình độ văn hóa bổ túc phổ thông. Từ đó, hướng HS đến các trường nghề. Đây cũng là giải pháp tốt cho thực hiện phổ cập bậc trung học.
Sự phân luồng HS còn là điều kiện tốt để ngành GD-ĐT thực hiện triệt để “dạy thật, học thật, thi thật” cùng với đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới cách kiểm tra, đánh giá kiến thức HS nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giảm thiểu HS yếu, kém dẫn đến bỏ học.
|