|
Đi chơi, ăn uống cùng nhau vào những dịp lễ giúp đồng nghiệp, bạn bè hiểu nhau hơn. Ảnh: N.S |
Vừa giống, vừa không giống ăn Tết là… ăn lễ. Nhà hàng, quán ăn vào ngày lễ nhộn nhịp khách ra vào. Đi chợ những ngày lễ cũng nghe người ta hỏi nhau: “Mua gì ăn lễ vậy?”. Không chỉ là chuyện vật chất, ăn lễ còn là một biểu hiện của đời sống tinh thần được chăm chút. Thói quen này của nhiều người đang dần trở thành một nét văn hóa đẹp.
* Ăn mừng ngày vui
Ngày lễ 30.4 và 1.5 năm nay kề với hai ngày nghỉ cuối tuần nên người lao động được nghỉ liên tục 4 ngày. Cùng với các hoạt động du lịch, đi chơi, một nội dung được nhiều người rất quan tâm là lên thực đơn cho những bữa ăn, sao cho vừa ngon vừa vui.
Với những người ngại nấu nướng hoặc không có điều kiện bếp núc, đi ăn nhà hàng sau khi đã vui chơi cùng gia đình, bạn bè là tiện nhất. Anh Quốc Tuấn (nhà ở đường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn) cho biết nhóm bạn thân 4 người của anh từ khi lập gia đình thì ít thời gian gặp nhau. Vì thế, lễ là dịp để cả nhóm, kéo theo cả vợ con, làm một “chương trình hoành tráng”, bù lại những lúc bận bịu mạnh ai nấy biết. Chương trình của nhóm bạn anh Tuấn thường là sáng uống cà phê, trưa kéo nhau đi ăn ở một nhà hàng nào đó, xế chiều về hát karaoke. Anh Tuấn nói: “Cũng biết là nấu ăn thì tiết kiệm hơn nhưng lại vất vả cho các bà xã. Vì vậy, cả nhóm thống nhất là đi ăn quán, vừa đỡ mệt vừa có thời gian để bạn bè hàn huyên”. Tuy nhiên, nhóm của anh Tuấn không đi chơi, ăn uống vào ngày lễ mà chọn ngày thứ bảy, chủ nhật gần kề trước hoặc sau lễ. “Đi ngày lễ đông người, chất lượng dịch vụ sẽ kém hơn. Với lại, ai cũng phải dành thời gian cho gia đình lớn của mình chứ” - anh Tuấn giải thích.
Còn anh Quang Huy (nhà đường Đào Duy Từ) thì kể: “Gia đình tôi có ba thế hệ, nên chuyện đi ăn ngoài cho phù hợp tất cả là hơi khó. Lễ cũng là dịp các anh chị tôi (đã có gia đình và ở riêng) về sum họp cùng nên má tôi hay nấu những món khoái khẩu của mấy anh chị em chúng tôi”. Những món khoái khẩu của gia đình anh Huy, theo anh kể, là mấy món bánh bình dân làm theo kiểu quê ngoại Quảng Ngãi, như bánh xèo đúc dày, mềm và nhiều nhân tôm thịt, bánh đúc có thêm nhân. “Ăn đơn giản vậy mà vui lắm” - anh Huy nhận xét.
Cũng vừa vui, vừa rẻ mà lại phù hợp với điều kiện công việc là chuyện ăn liên hoan chung với nhau nhân dịp lễ 30.4 và 1.5 này của các gia đình ở khu tập thể bộ đội Sân bay Phù Cát. Chị Thu Hiên, sống ở khu tập thể kể: “Chúng tôi bàn với nhau mỗi nhà đóng góp 100 ngàn đồng để nấu ăn chung. Các bà vợ sẽ đi chợ, nấu bếp, còn phụ bếp là các ông chồng. Bàn tiệc sẽ là dãy hành lang dài dọc các căn hộ”. Dù mỗi nhà có tới 4 người và chỉ đóng góp 100 ngàn đồng cho bữa tiệc chung này nhưng chị Thu Hiên bảo sẽ đủ chi vì riêng khoản gà và rau dưa các loại thì sẽ mua với giá “ưu đãi” vì nhà ai trong khu tập thể cũng có.
* Hơn một bữa ăn ngon
Đối với nhiều người, ăn lễ không chỉ là biểu hiện của đời sống vật chất đang ngày được nâng lên mà còn là hàm chứa một ý nghĩa tinh thần to lớn. Ông Hai Vĩnh (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) kể: “Vào dịp lễ lớn như 30.4 hay 2.9, nhà tôi thường tổ chức một bữa ăn tươi, có mặt đủ con cháu. Thì cũng bún, cũng lẫu, thịt cá... nhưng ăn trong ngày lễ thì khác ngày thường chứ. Đây là dịp kỷ niệm ngày lễ trọng đại của đất nước nên mình ăn mừng. Vui thì ăn, mà ăn lại càng vui vì có đông đủ con cháu về tụ họp”.
Chị Thu Hiên cũng nói rằng những dịp liên hoan chung như thế khiến mọi người trong khu tập thể của chị cảm thấy gần nhau hơn, hòa đồng và cảm thông với nhau. Đặc biệt, dịp này các ông chồng bộ đội không được đi chơi xa mà phải túc trực ở nhà, sẵn sàng nhận lệnh đơn vị nên những bữa ăn chung còn giúp các ông vừa được tận hưởng hương vị ngày lễ vừa không có cảm giác bó buộc vì đang chờ nhận nhiệm vụ.
Còn anh Thanh Hoàng - làm việc tại một công ty cổ phần ở Quy Nhơn - thì kể: Nhân dịp lễ 2.9 năm ngoái, cả phòng làm việc của anh rủ nhau đi chơi, câu cá và ăn uống ở khu du lịch Suối Mơ. “Quy định” là ai cũng phải dẫn chồng, vợ, con cái theo nên cuộc vui hôm đó là dịp để các bà vợ gặp gỡ, trò chuyện, hiểu nhau hơn, kết chặt tình thân giữa “hậu phương” của các nhân viên trong phòng.
Rõ ràng, giờ đây, ăn lễ không chỉ là chuyện ăn uống mà đang dần được nâng lên thành một nét văn hóa. Thông qua những bữa ăn được chăm chút hơn thường ngày, nhiều người có thể vừa được vui với bạn bè, vừa cảm nhận rõ hơn những cung bậc tình cảm trong gia đình mình, và trên hết là cảm thức rõ ràng về ngày vui của đất nước, về niềm tự hào dân tộc.
|