Đã 34 năm trôi qua, nhưng người dân xã Mỹ Lộc (Phù Mỹ) vẫn còn ghi đậm những chiến công oanh liệt của quân và dân địa phương trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay, Mỹ Lộc đã hàn gắn vết thương chiến tranh, nỗ lực phát triển kinh tế...
|
Thế hệ tương lai của Mỹ Lộc. - Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Mỹ Lộc tập thể dục giữa giờ. Ảnh: X.L
|
* Một thời chiến tranh ác liệt
Những năm chống Mỹ cứu nước, nhiều địa danh ở Mỹ Lộc đã gắn liền với những chiến công của quân và dân nơi đây. Người dân địa phương không thể nào quên những trận đánh tiêu biểu ở Gò Kê (thôn Vạn Định), Đá Vàng (thôn An Tường), đánh vào trụ sở Mỹ Lộc tại Tân Phú, Tân Lộc; trận chống càn tại thôn Tân Ốc, Vạn Định; trận đánh tại cầu Ông Diệu và trận chống càn tiêu diệt xe tăng Mỹ ở thôn An Bão...Vang dội nhất là các trận đánh tiêu diệt 33 xe tăng, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu giữ nhiều vũ khí tại cánh đồng Thu, đồng Đa, đồng Rượu và núi Đá Vàng... trên địa bàn xã.
Để có một bề dày truyền thống với bao con số rất đỗi tự hào, trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Mỹ Lộc đã đánh tất cả hơn 2.123 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 1.837 tên địch, bắt sống hàng ngàn tên, thu hơn 3.500 súng các loại, bắn cháy 2 máy bay trực thăng, 155 xe quân sự các loại (trong đó có 40 xe tăng)... Dẫu phải đánh đổi bằng sự hy sinh, mất mát to lớn, kể cả xương máu của 473 liệt sĩ, 289 thương binh, 28 Bà mẹ VNAH, người dân Mỹ Lộc vẫn một lòng theo cách mạng; đóng góp, cống hiến tất cả để chiến đấu bảo vệ quê hương, cùng cả huyện, cả tỉnh và cả nước góp phần đem lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Người dân nơi đây cũng rất tự hào được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. “Đọc hết tập sách Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Mỹ Lộc (1930 - 1975), chúng tôi hiểu nhiều hơn về những năm tháng hào hùng chiến đấu gian khổ, ác liệt mà đầy vinh quang mà cha ông chúng tôi đã trải qua” - anh Đặng Thanh Tùng, Bí thư Đoàn xã Mỹ Lộc tự hào nói với chúng tôi như vậy.
* Một thời dựng xây
Theo ông Đặng Văn Của, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc: “34 năm qua, có thể nói là Mỹ Lộc đã đi lên từ đất. Toàn xã có 742 ha đất nông nghiệp, nhưng hầu hết diện tích đều có độ dốc lớn, bạc màu, thiếu nước tưới, nên nhiều năm sau giải phóng mà sản xuất lương thực và cây trồng các loại cho năng suất bấp bênh, giá trị thu nhập thấp, đời sống kinh tế còn quá khó khăn”.
Xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm, xã đã tập trung làm thủy lợi để giải quyết khâu quan trọng đầu tiên, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 3 hồ chứa nước có dung tích lớn gồm hồ Cây Sung, hồ Vạn Định và hồ An Tường lần lượt được xây dựng và đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc mở rộng diện tích sản xuất, chuyển đổi mùa vụ, tăng năng suất cây trồng. Bên cạnh đó là việc ứng dụng tiến bộ KHKT, sử dụng các loại giống mới... tạo sức bật mạnh mẽ trong kinh tế nông nghiệp ở địa phương.
Ông Đặng Đình Tú, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, cho biết “Từ sản xuất 1 - 2 vụ không ăn chắc, năng suất lúa dưới 30 tạ/ha, sau đó tăng dần lên 40 - 45 tạ/ha, trong 3 năm trở lại đây, đã tăng lên 50tạ/ha/năm. Đặc biệt, vụ Đông Xuân vừa qua cả xã đạt năng suất lúa bình quân lên đến 60 tạ/ha”. Hiện nay hàng năm Mỹ Lộc sản xuất 1.111ha lúa, 415ha đậu phụng, 100 ha bắp... với giá trị từ 43 triệu/ha trở lên, lương thực đầu người đạt 740kg/năm. Cơ khí hóa trong nông nghiệp được đẩy mạnh. Gắn với trồng trọt, Mỹ Lộc phát triển mạnh chăn nuôi, đưa tổng đàn bò lên 4.836 con (bò lai hơn 60%); đàn heo 5.073 con (heo lai chiếm hơn 65%) và đàn gia cầm gần 30.000 con - là xã thực hiện tốt nhất công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm ở Phù Mỹ.
Xã cũng nỗ lực vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển các ngành nghề TTCN, dịch vụ, như đánh dây neo, xe dây dừa, xay xát gạo, xẻ gỗ, đóng đồ mộc dân dụng, dịch vụ vận tải hàng hóa... góp phần đưa tỉ lệ hộ khá ngày càng tăng, xóa hộ đói, hộ nghèo giảm còn 5,76% (năm 2008). Giáo dục, văn hóa, y tế đều phát triển khá; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Mỹ Lộc cũng là Đảng bộ xã, thị trấn duy nhất trên địa bàn Phù Mỹ được đề nghị Tỉnh ủy công nhận Đảng bộ tiêu biểu 3 năm liền.
Nói về kế hoạch phát triển hạ tầng trong thời gian đến, ông Đặng Đình Tú cho biết: Xã đã và đang thực hiện các mô hình sản xuất năng suất cao, thông qua đập dâng Đập Cốc lấy nước từ hồ Cây Sung mở rộng 30 ha lúa vụ Hè Thu ở đồng Tân Lập; kiên cố thêm 3,5 km kênh mương bê tông từ hồ Vạn Định phục vụ tưới một số diện tích cây trồng của xã Mỹ Châu; xây dựng đập Giao lấy nước hồ Vạn Định tưới đảm bảo 3 vụ ăn chắc cho 70 ha lúa đồng Tân Ốc, Tân Lập. Xã cũng đang chuẩn bị bê tông hóa 3,5km đường thuộc tuyến Tân Lộc đi Cửu Thành, Tân Lộc đi An Tường... bằng các nguồn vốn vay kích cầu của Chính phủ, vốn đối ứng của Nhà nước cấp trên và vốn tự lực của địa phương... Đây là những công việc mà Mỹ Lộc đang tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện, tiếp tục tạo những bước đột phá mới trong tiến trình đi lên.
|